24/09/2022
2016
Đức Cha Phêrô suy niệm CN XXVI TN năm C 2022: Vô cảm























 

CHÚA NHẬT XXVI THƯỜNG NIÊN

   Am 6,1a.4-7; 1Tm 6,11-16; Lc 16,19-31

VÔ CẢM

 

 

1. Trong dụ ngôn Ông nhà giàu và Lazarô nghèo khổ, xem ra Chúa Giêsu muốn làm nổi bật hình ảnh về khoảng cách. Ở đời này, có khoảng cách lớn về lối sống giữa ông nhà giàu “mặc toàn lụa là gấm vóc, ngày ngày yến tiệc linh đình”, và anh nhà nghèo “nằm trước cổng nhà giàu, tên là Lazarô, mụn nhọt đầy mình, chó đến liếm ghẻ chốc anh ta”. Đến đời sau, lại có khoảng cách rất lớn giữa hai người: ông nhà giàu ở “dưới âm phủ, chịu cực hình”, còn Lazarô “ở trong lòng tổ phụ Abraham”.

 

Hai khoảng cách ấy liên hệ mật thiết với nhau như tổ phụ Abraham nói với ông nhà giàu: “Suốt đời con, con đã nhận phần phước của con rồi; còn Lazarô suốt một đời chịu toàn những bất hạnh. Bây giờ Lazarô được an ủi nơi đây, còn con phải chịu khốn khổ. Hơn nữa giữa chúng ta đây và các con đã có một vực thẳm lớn, đến nỗi bên này muốn qua bên các con cũng không được, mà bên đó có qua bên chúng ta đây cũng không được” (16, 25-26).

 

2. Khoảng cách ấy từ đâu mà có? Chắc chắn không phải do sự cách trở trong không gian vì anh nhà nghèo nằm ngay cổng nhà giàu, chỉ cách nhau vài bước chân. Cũng không do chuyện giàu hay nghèo về vật chất, bởi lẽ đâu phải cứ giàu có đời này thì đời sau phải vào hỏa ngục, và cứ nghèo khổ đời này thì đời sau lên thiên đàng! Lập luận ấy rất nguy hiểm vì như thế tôn giáo sẽ bị kết án là thuốc phiện của nhân dân, thay vì khuyến khích người ta xây dựng cuộc sống xứng với phẩm giá làm người ngay ở đời này, thì lại khuyên dạy người ta cam chịu cảnh nghèo khổ và bất công để được lên thiên đàng mai sau. Vậy, khoảng cách ấy từ đâu mà có?

 

Khoảng cách ấy là do thái độ và lối sống vô cảm. Ông nhà giàu đã tạo khoảng cách ở đời này khi ông giàu có, ăn sung mặc sướng, mà lại không biết gì đến người nghèo nằm ngay cổng nhà mình. Lối sống vô cảm ấy đã được nhắc tới ngay từ những trang đầu của Kinh Thánh. Cain giết Abel nhưng khi Chúa hỏi “Abel, em ngươi đâu?”, Cain lại trả lời “Con không biết. Con là người giữ em con sao?” (St 4,9). Lối sống vô cảm ấy cũng bị tiên tri Amos phê phán nặng nề trong thời đại ngài: “Chúng nằm dài trên giường ngà, ngả ngớn trên trường kỷ, mà ăn những chiên non nhất bày, những bê béo nhất chuồng. Chúng uống rượu cả bầu, xức dầu thơm hảo hạng, nhưng chẳng biết đau lòng trước cảnh nhà Giuse sụp đổ” (bài đọc 1, Am 6,4-6). Lối sống vô cảm ấy lại càng phổ biến hơn trong thế giới ngày nay khi chủ nghĩa hưởng thụ và lối sống ích kỷ lên ngôi, đến nỗi Đức Giáo hoàng Phanxicô gọi là “văn hóa vô cảm”, gắn liền với “văn hóa vứt bỏ” (throwaway culture).

 

3. Nếu vô cảm là nguyên nhân dẫn đến tình trạng bi đát của ông nhà giàu dưới hỏa ngục thì để không rơi vào tình trang ấy, phải thay thế lối sống vô cảm bằng lối sống khác. Bằng cách nào?

 

Phải chăng bằng phép lạ? Ông nhà giàu đề nghị với tổ phụ Abraham: “Xin tổ phụ sai Lazarô đến nhà cha con vì con hiện còn năm người anh em nữa. Xin sai anh đến cảnh cáo họ, kẻo họ cũng lại sa vào chốn cực hình này”. Nhưng tổ phụ Abraham nói: “Chúng đã có Môsê và các tiên tri…Môsê và các tiên tri mà họ cũng chẳng chịu nghe, thì người chết có sống lại, họ cũng chẳng chịu tin”. Đúng thế, Chúa Giêsu làm phép lạ cho Lazarô sống lại đấy, nhưng người ta có tin không? Có nhiều người tin nhưng các thượng tế và người Pharisêu không những không tin mà còn “quyết định giết Chúa Giêsu” (Ga 1153)! Rồi đến khi Chúa Giêsu sống lại từ cõi chết, người ta cũng chẳng chịu tin, hơn thế nữa, lại còn cho lính tiền để họ phao tin các môn đệ Chúa đã lấy trộm xác Thầy (x. Mt 28,11-15).

 

Phép lạ không phải là giải pháp. Giải pháp tốt nhất là: “Chúng đã có Môsê và các tiên tri”, tức là Lời Chúa mà Môsê và các tiên tri loan báo. Và ở đây, còn hơn thế nữa, Chúa Giêsu là Lời nhập thể, là Con Đường, Sự Thật và Sự Sống. Lắng nghe và sống theo Lời Chúa là nẻo đường chắc chắn nhất. Chúng ta biết rõ điều ấy nhưng vẫn không sống được vì Lời Chúa đòi hỏi sự hoán cải tận căn và đòi hỏi nhiều từ bỏ. Vì thế, lời nhắn nhủ của thánh Phaolô cho Timôthê cũng là lời nhắn nhủ mỗi chúng ta: “Phần anh, hỡi người của Thiên Chúa, hãy gắng trở nên người công chính, đạo đức, giàu lòng tin và lòng mến, hãy gắng sống nhẫn nại và hiền hòa. Hãy thi đấu trong cuộc thi đấu cao đẹp vì đức tin, giành cho được sự sống đời đời” (1 Tm 6,11-12).

 

+ Gm. Phêrô Nguyễn Văn Khảm