25/09/2021
5354
Đức Cha Phêrô suy niệm CN XXVI TN B 2021: GANH TỊ


 














 

CHÚA NHẬT XXVI THƯỜNG NIÊN

Ds 11,25-29; Gc 5,1-6; Mc 38-43.45.47-48  


GANH TỊ

 
 

1. Trong Kinh Thánh có khá nhiều chuyện kể về sự ganh tị, lại xuất hiện ở những thời điểm quan trọng trong lịch sử Dân Chúa: Cain giết Abel vì “Chúa đoái nhìn đến Abel và lễ vật của ông, còn Cain và lễ vật của ông thì Người không đoái nhìn” (St 4,4-5); Giuse bị anh em làm hại vì “các anh cậu thấy cha yêu cậu hơn tất cả các anh thì sinh lòng ghen ghét” (St 37,4); vua Saun tìm cách giết Đavít vì sau khi Đavít hạ được tên khổng lồ Philitinh, dân chúng ca tụng Đavít, vua Saun tự nhủ: “Người ta cho Đavít hàng vạn, còn ta thì họ cho hàng ngàn. Nó chỉ còn thiếu ngôi vua nữa thôi! Từ ngày đó về sau, vua Saun nhìn Đavít với con mắt ganh tị” (1Sam 18,8-9). Các bài Kinh Thánh hôm nay cũng kể hai trường hợp cụ thể về sự ganh tị trong cộng đoàn Dân Chúa. Trong bài đọc 1, Giôsuê yêu cầu ông Môsê ngăn cấm Enđát và Mêđát nói tiên tri; còn trong bài Tin Mừng, Gioan xin Chúa Giêsu ngăn cản những người không thuộc nhóm mà dám trừ quỷ nhân danh Chúa.

Những ghi nhận trên cho thấy ganh tị thường xuyên có mặt trong đời sống Dân Chúa nói riêng và cả xã hội loài người nói chung, cũng là nguồn của nhiều tội lỗi và đau khổ. Không lạ gì khi Hội Thánh xếp ganh tị là một trong bảy mối tội đầu. Liệu sự ganh tị có mặt trong đời sống chúng ta chăng và làm thế nào để có thể vượt qua?

2. “Ghanh tị là sự giận dữ vô lý trước thành công của người khác”, Thánh Tôma Aquinô nói như thế. Có sự giận dữ chính đáng như Chúa Giêsu nổi giận khi thấy người ta biến đền thờ thành nơi buôn bán (x. Ga 2,13-17), còn ganh tị là sự giận dữ vô lý, vượt ra ngoài tầm kiểm soát của lý trí.

Ganh tị như thế thường gắn với tham vọng ích kỷ: ta muốn mình phải hơn người khác, vì thế khi người khác thành công, dường như ta thấy mình thất bại; khi người khác lớn lên, dường như ta thấy mình nhỏ bé đi, và vì thế sinh ra bực bội, giận dữ. Gioan là một trường hợp điển hình. Ông xin Chúa ngăn cấm những người trừ quỷ: “Thưa Thầy, chúng con thấy có người lấy danh Thầy mà trừ quỷ. Chúng con đã cố ngăn cản vì người ấy không theo chúng ta” (Mc 9,38). Gioan cũng là một người có tham vọng, ông và các anh em trong nhóm môn đệ từng cãi nhau xem ai là người lớn nhất (x. Mc 9,34), hơn nữa còn cùng với người anh đến xin Chúa cho ngồi bên hữu hay bên tả của Thầy (x. Mc 9,37)!

Nguy hiểm hơn nữa, nhiều khi tham vọng ấy lại khéo léo ẩn mình dưới vẻ ngoài nhún nhường và khiêm tốn: “Bằng lời nói, chúng ta nói rằng mình muốn phục vụ Thiên Chúa và tha nhân, nhưng trên thực tế, chúng ta phục vụ cái tôi của mình, và chúng ta chiều theo mong muốn được xuất hiện, được công nhận, được đề cao” (ĐGH Phanxicô, Huấn dụ cho Các Hiệp hội tín hữu giáo dân, 16-09-2021).

3. Khi Giôsuê yêu cầu Môsê cấm Enđát và Mêđát nói tiên tri, Môsê trả lời: “Anh ghen dùm tôi à? Phải chi Chúa ban Thần Khí trên toàn dân của Người để tất cả họ đều nói tiên tri!” (Ds 11,29). Khi Gioan xin Chúa Giêsu ngăn cản những người không ở trong nhóm nhưng dám nhân danh Chúa mà trừ quỷ, Chúa Giêsu trả lời: “Đừng ngăn cản người ta…Ai không chống lại chúng ta là ủng hộ chúng ta” (Mc 9, 39-40).

Hai câu trả lời của ông Môsê và Chúa Giêsu đều cho thấy các ngài có tầm nhìn rộng lớn, hướng đến lợi ích chung của mọi người thay vì chỉ nghĩ đến quyền lợi của bản thân hay phe nhóm. Lập luận quen thuộc ở đời là “ai không ủng hộ chúng ta là chống lại chúng ta”, điều đó hàm nghĩa bắt mọi người phải giống như mình, ở dưới quyền thống trị của mình, từ đó dẫn đến sự loại trừ những người không giống, kể cả bằng những biện pháp phi nhân. Chúa Giêsu lại nói khác: “Ai không chống lại chúng ta là ủng hộ chúng ta”, từ đó dẫn đến thái độ đón nhận thay vì loại trừ, mời gọi cộng tác vì ích chung thay vì tập trung vào quyền lợi bản thân và phe nhóm.

Chính ở đây chúng ta có thể thấy được hướng đi giúp mình vượt lên trên sự ghen tị, đó là phải có một lý tưởng lớn hơn con người và cuộc đời nhỏ bé của mình, và chúng ta hiến thân cho lý tưởng đó. Bất cứ ai và bất cứ điều gì góp phần cho lý tưởng đó đều làm cho chúng ta vui và đều được đón nhận.

Đây chẳng phải là hướng sống của lời kinh Chúa dạy sao? Mục đích cuộc đời Kitô hữu là “Danh Cha cả sáng, Nước Cha trị đến, Ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời”. Bất cứ ai góp phần làm cho “Danh Cha cả sáng, Nước Cha trị đến, Ý Cha thể hiện” đều làm cho chúng ta vui mừng. Chỉ sợ rằng mục đích thực sự của ta lại là “danh tôi cả sáng, nước tôi trị đến, ý tôi thể hiện”, khi đó sẽ bực bội khó chịu trước sự thành công của người khác.

“Xin cho con biết tiêu hao chính mình mà không mong chờ phần thưởng nào khác hơn là biết rằng con đang thi hành thánh ý Chúa” (Thánh Inhaxicô Loyôla).

+ Gm. Phêrô Nguyễn Văn Khảm