26/09/2020
1178
Đức Cha Phêrô suy niệm CN XXVI TN A: CHUẨN MỰC NƯỚC TRỜI


 














 

CHUẨN MỰC NƯỚC TRỜI

Chúa nhật XXVI thường niên – Ed 18,25-28; Pl 2,1-11; Mt 21,28-32



 

1. “Tôi bảo thật các ông: những người thu thuế và những cô gái điếm sẽ vào Nước Thiên Chúa trước các ông” (Mt 21,31). Các thượng tế và kỳ mục là những người lãnh đạo dân, những người chỉ đường dẫn lối cho dân, thế mà Chúa Giêsu lại nói rằng những người thu thuế và gái điếm sẽ vào Nước Thiên Chúa trước họ. Quả là một tuyên bố gây sốc! Ở đây có một nguy cơ là nếu bị rút ra khỏi văn mạch và bối cảnh của nó, e rằng người ta có thể lợi dụng lời tuyên bố này để biện hộ cho lối sống buông thả của mình, cũng như để phê phán hàng lãnh đạo tôn giáo mà mình không ưa. Vì thế cần đọc lại lời tuyên bố của Chúa Giêsu trong bối cảnh Tin Mừng Matthêu.

Trong Tin Mừng Matthêu, lời tuyên bố trên nằm trong dụ ngôn về hai người con (Mt 21,28-32), và Chúa Giêsu kể dụ ngôn này sau sự kiện Ngài đuổi những con buôn ra khỏi Đền thờ (Mt 21,12-17), dẫn đến việc các thượng tế và kỳ mục chất vấn: “Ông lấy quyền gì mà làm các điều ấy?” Chúa Giêsu hỏi ngược lại, “Phép Rửa của ông Gioan do đâu mà có?” Khi các thượng tế và kỳ mục trả lời là họ không biết, Chúa Giêsu mới kể dụ ngôn về hai người con để trình bày giáo huấn về Nước Trời, kết thúc bằng lời tuyên bố nảy lửa: “Những người thu thuế và những cô gái điếm sẽ vào Nước Thiên Chúa trước các ông”. Lời tuyên bố đó đã đảo ngược cách nhìn quen thuộc của mọi người, và trình bày những chuẩn mực đích thực để được vào Nước Trời.

 

2. Vậy, đâu là chuẩn mực để vào Nước Trời? Trước hết, hành động quan trọng hơn lời nói, ý tưởng suông. Trong dụ ngôn, Chúa Giêsu kể về hai người con, cả hai đều được cha gọi đi làm vườn nho nhưng lại có những phản ứng khác nhau. Người con thứ nhất khước từ lời kêu gọi của cha nhưng sau đó anh hối hận và đi làm. Người con thứ hai sốt sắng thưa vâng nhưng rồi lại không đi. Rồi Chúa Giêsu đặt câu hỏi, “Trong hai người con, ai đã thi hành ý muốn của cha?” Đương nhiên là người con thứ nhất, và khi trả lời như thế là đã khẳng định rằng hành động quan trọng hơn lời nói suông!

Có câu nói rằng “Con đường dẫn đến hỏa ngục được lát bằng những ý định tốt lành”. Câu châm ngôn này được cho là phát xuất từ lời của thánh Bernard de Clairvaux, “Hỏa ngục đầy những ý muốn và mong ước tốt lành - L’enfer est plein de bonnes volontés et désirs”. Tại sao như thế? Tại sao có ý muốn và mong ước tốt lành mà lại phải xuống hỏa ngục? Vì ý tưởng và mong ước tốt lành có đấy nhưng chỉ là ý tưởng chứ không biến thành hành động. Cho nên các nhà linh đạo cảnh cáo về sự vui thỏa với những ý nghĩ thánh thiện nhưng chẳng bao giờ thành hiện thực. Tốt nhất là hãy lên đường thay vì chỉ ngồi đó mơ tưởng vì “Con đường ngàn dặm bắt đầu bằng bước đi đầu tiên”.

Chuẩn mực thứ hai là hiện tại quan trọng hơn quá khứ. Trong bài đọc 1, Chúa nói qua miệng tiên tri Ezekiel : “Khi người công chính từ bỏ lẽ công chính và làm điều bất chính rồi chết, thì chính vì điều bất chính nó đã làm mà nó phải chết. Còn nếu kẻ gian ác từ bỏ điều dữ nó đã làm mà thi hành điều chính trực công minh, thì nó sẽ cứu được mạng sống mình” (Ed 18,26-27).

Dù quá khứ tội lỗi đến đâu chăng nữa nhưng nếu trong hiện tại, chúng ta quyết tâm từ bỏ tội lỗi và sống tốt lành thì cửa Nước Trời mở rộng cho chúng ta. Ngược lại, dù quá khứ sống lành thánh thế nào chăng nữa nhưng trong hiện tại lại sống bê tha, thì cánh cửa Nước Trời vẫn khép lại.

 

3. “Không có vị thánh nào không có quá khứ, cũng không có tội nhân nào không có tương lai”. Câu nói nổi tiếng trên của thánh Augustinô không chỉ là suy tư của một nhà thần học nhưng còn hàm chứa trong đó chính trải nghiệm đời sống của ngài.

Đúng thế, cuộc đời của thánh Augustinô là một hành trình từ chàng thanh niên ham hố danh vọng và xác thịt, trở thành vị Giám mục và vị thánh có tầm ảnh hưởng sâu rộng trong lịch sử Hội Thánh. Rõ ràng là không tội nhân nào không có tương lai! Và từ vị trí một vị thánh nhìn lại quá khứ như thánh Augustinô đã làm khi viết tác phẩm “Tự thú – Confessio”, rõ ràng là không vị thánh nào không có sai lầm trong quá khứ!

Tâm tình và kinh nghiệm đó khích lệ chúng ta trên đường nên thánh. Điều mấu chốt ở đây là biết hối hận. Đây là từ chìa khóa, được lặp lại nhiều lần trong bài Tin Mừng hôm nay : người con thứ nhất khước từ lời kêu gọi của cha nhưng sau đó nó hối hận nên lại đi;  những người thu thuế và gái điếm là những người tội lỗi nhưng khi nghe Thánh Gioan Tẩy Giả rao giảng, họ hối hận và thay đổi đời sống; còn những thượng tế và kỳ mục dù đã nghe thánh Gioan giảng và đã thấy nhưng kẻ tội lỗi ăn năn trở lại, các ông vẫn không chịu hối hận mà tin vào Gioan Tẩy Giả. Chính sự hối hận tạo nên thay đổi cho vận mệnh tương lai.

Hối hận là khiêm tốn nhìn nhận những sai trái của mình và thay đổi đời sống. Không ai trong chúng ta không có những lỗi lầm, điều quan trọng là khiêm tốn nhìn nhận những lỗi lầm đó và quyết tâm sửa đổi. Đó chính là “chìa khóa” mở cửa Nước Trời cho chúng ta : “Này đây Ta đứng trước cửa và gõ. Ai nghe tiếng Ta và mở cửa thì Ta sẽ vào nhà người ấy, sẽ dùng bữa với người ấy” (Kh 3,20).

+ Gm. Phêrô Nguyễn Văn Khảm