18/09/2021
4705
Đức Cha Phêrô suy niệm CN XXV TN B 2021: KHOẢNG CÁCH


 














 

CHÚA NHẬT XXV THƯỜNG NIÊN

Kn 2,12.17-20; Gc 3,16-4,3; Mc 9,30-37  


KHOẢNG CÁCH   

  

1. “Khi ấy, Chúa Giêsu và các môn đệ đi băng qua miền Galilê” (Mc 9,30). Thầy và trò cùng đi bên nhau suốt quãng đường dài mà sao tâm tưởng lại xa nhau đến thế! Thầy thì loan báo cuộc thương khó: “Con Người sẽ bị nộp vào tay người đời, họ sẽ giết chết Người, và ba ngày sau khi bị giết chết, Người sẽ sống lại” (Mc 9,31); còn trò thì tranh cãi nhau xem ai là người lớn nhất (x. 9,34). Quả là một khoảng cách rất lớn đến độ đau đớn: không hiểu gì hết! không chia sẻ gì hết!

Không chỉ một lần đâu, nếu chịu khó đọc kỹ Tin Mừng Marcô sẽ thấy Chúa Giêsu loan báo cuộc thương khó của Ngài đến ba lần (8,31-33; 9,30-32; 10,32-34) và lần nào cũng kèm theo ghi nhận về phản ứng đối nghịch của các môn đệ. Lần thứ nhất thì Phêrô “kéo riêng Người ra mà trách móc” đến nỗi bị Chúa gọi là Satan; lần thứ hai là câu chuyện Tin Mừng hôm nay, các môn đệ tranh cãi về chuyện ngôi thứ; lần thứ ba, hai anh em nhà Zebêđê kéo nhau đến xin ngồi bên hữu bên tả Thầy trong vinh quang! Vậy mới thấy khoảng cách thầy-trò xa nhau đến chừng nào!

Liệu có khoảng cách đó chăng trong đời sống mỗi chúng ta? Trả lời thì dễ thôi, nhất là trả lời về người khác, nhưng điều quan trọng là về chính bản thân mình. Có tranh giành địa vị và quyền lực khi làm việc trong Giáo Hội không? Những việc ta đang làm nhắm đến mục đích gì? Để làm vinh danh Chúa hay để được vinh quang thế gian?

2. Đâu là cội nguồn của khoảng cách đó? Tại sao các môn đệ xưa và chúng ta ngày nay lại khó chấp nhận tư tưởng và đường lối của Chúa Giêsu như thế?

Bởi vì đường lối của Chúa đi ngược lại suy nghĩ bình thường của con người. Học giả Kinh Thánh N.T. Wright diễn tả cách hình tượng thế này: “Bạn có thể hình dung một cầu thủ bóng đá chuẩn bị ra sân cho trận đấu lớn nhất mùa giải, lại giải thích cho bạn bè của anh ta là mình sẽ thắng bằng cách lấy giây cột hai chân lại? Có lẽ không phải mọi người Do Thái thời đó đều tin rằng Thiên Chúa sẽ sai Đấng Mêsia tới, thế nhưng chắc chắn là chẳng có ai tin rằng nếu và khi Thiên Chúa sai Đấng Mêsia tới, thì Đấng Mêsia đó phải chịu đau khổ và chịu chết”. Cứu độ nhân thế bằng cách buộc chặt mình vào cây thập giá ư? Quả là khó chấp nhận. Thế đấy, các môn đệ không hiểu cũng là bình thường.

Thêm vào đó, đường lối của Chúa còn đi ngược với ý muốn tự nhiên. Ai chẳng muốn được nhìn nhận, được đánh giá cao, được nổi tiếng. Có người còn tìm đủ mọi cách, kể cả những thủ đoạn gian dối và lừa đảo, để được nổi tiếng! Và khi cả xã hội đi theo guồng máy đó thì ai không chấp nhận, sẽ bị nó nghiền nát: “Ta hãy gài bẫy tên công chính vì nó chỉ làm vướng chân ta, nó chống lại các việc ta làm và tố cáo ta không tuân hành lễ giáo” (Bài đọc 1 - Kn 2,12).

Thế nhưng chính lối nghĩ và lối sống quen thuộc đó của con người lại dẫn đến thảm họa, như thánh Giacôbê phân tích trong bài đọc 2: “Bởi đâu có chiến tranh, bởi đâu có xung đột giữa anh em? Chẳng phải là bởi chính những khoái lạc của anh em đang gây chiến trong con người anh em đó sao? Thật vậy, anh em ham muốn mà không có nên anh em chém giết; anh em ganh ghét mà không được nên anh em xung đột với nhau, gây chiến với nhau” (Gc 4,1-2).

3. Chúa Giêsu bẻ gẫy vòng luẩn quẩn đó bằng cách đi con đường ngược lại: “Ai muốn làm người đứng đầu, thì phải làm người rốt hết và làm người phục vụ mọi người” (Mc 9,35). Hơn ai hết, chính Ngài đã đi con đường đó và Thập Giá chính là sự biểu hiện trọn vẹn và sâu xa nhất. Các Kitô hữu đầu tiên đã hiểu được chân lý ấy và hát lên trong Thánh thi nổi tiếng: “Đức Giêsu Kitô, vốn dĩ là Thiên Chúa nhưng đã không nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa. Trái lại, Người đã hủy mình ra không, mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống hẳn người phàm, vâng phục cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự” (Phil 2, 6-8).

Để bước theo Chúa Giêsu trên con đường “ngược đời” ấy, phải chấp nhận hoán cải, tức là thay đổi cách nhìn, cách nghĩ và cách sống của mình. Đó là cuộc hoán cải của tình yêu vì chỉ có tình yêu mới có thể lý giải tại sao người đứng đầu lại là người rốt hết, người làm lớn lại là người phục vụ. Chỉ có tình yêu mới có sức mạnh thúc đẩy người đứng đầu trong gia đình là các bậc cha mẹ, cúi xuống phục vụ người rốt hết là những đứa con thơ, và cảm nhận niềm vui trong chính sự phục vụ.

Vì là cuộc hoán cải của tình yêu nên chúng ta cần cầu xin Thánh Thần tình yêu ngự xuống biến đổi tâm hồn mình, và nếu xin điều đó, chắc Chúa không khước từ: “Anh em không có là vì anh em không xin; anh em xin mà không được là vì anh em xin với tà ý, để lãng phí trong việc hưởng lạc” (Ga 4,2-3).

Và đó là cuộc hoán cải trường kỳ. Suốt đời.

+ Gm. Phêrô Nguyễn Văn Khảm