16/10/2021
6579
Đức Cha Phêrô suy niệm CN XXIX TN B 2021: LẠM DỤNG QUYỀN LỰC


 














 


CHÚA NHẬT XXIX THƯỜNG NIÊN

Is 53,10-11; Hr 4,14-16; Mc 10,35-45  


LẠM DỤNG QUYỀN LỰC

    


 

 

1. Giáo sĩ lạm dụng tình dục trẻ vị thành niên là vấn đề gây nhức nhối trong đời sống Hội Thánh suốt hai thập kỷ qua. Scandal này đã làm xói mòn thẩm quyền và sự khả tín của Hội Thánh trên bình diện luân lý, đạo đức; vì thế Đức Giáo hoàng Phanxicô đã triệu tập các Chủ tịch Hội đồng giám mục khắp thế giới về Rôma từ ngày 21-24 tháng 02 năm 2019 để bàn về vấn đề này.

Trong Hội nghị, Đức Giáo hoàng đã nêu lên một nhận xét trước đây ít được quan tâm, đó là mối liên hệ giữa lạm dụng tình dục và lạm dụng quyền lực. Thật vậy, có một thực tế đau đớn là những hành động lạm dụng tình dục trẻ vị thành niên lại chủ yếu đến từ những người gần gũi với trẻ, cụ thể là cha mẹ, bà con, giáo viên, huấn luyện viên. Thống kê của UNICEF năm 2017 cho biết, 9 trên 10 trẻ nữ bị lạm dụng tình dục là nạn nhân của những người gần gũi với gia đình các em. Trẻ em cũng dễ bị xâm phạm do những người trong cùng khu xóm, trường học, và buồn thay, cả nơi cơ sở của Hội Thánh. Như thế, rõ ràng là phần lớn sự lạm dụng tình dục trẻ vị thành niên diễn ra trong tương quan quyền lực giữa người trên và người dưới: người trên dùng vị trí của mình để dụ dỗ hoặc gây áp lực, minh nhiên hay mặc nhiên; người dưới bị lạm dụng vì bị quyến rũ hoặc đe dọa dưới nhiều hình thức. Lạm dụng quyền lực như thế cũng diễn ra trong mọi lãnh vực khác của đời sống xã hội, văn hoá, kinh tế, chính trị, tôn giáo.

Lạm dụng quyền lực bắt nguồn từ tham vọng quyền lực, được minh họa cụ thể trong trình thuật Tin Mừng về việc hai anh em con ông Zêbêđê kéo nhau đến xin Chúa Giêsu cho hai ghế nhất, nhì trong vương quốc! Thật trơ trẽn! 12 anh em cùng sống với nhau, vậy mà hai người lại kéo riêng ra để xin đặc quyền đặc lợi, đúng là không biết xấu hổ! Và người ta chỉ có thể “trơ trẽn” như thế vì ham muốn quyền lực quá lớn, không cưỡng nổi.

2. Để ngăn chặn sự lạm dụng quyền lực, các tổ chức xã hội – từ quốc gia đến quốc tế, đều đưa ra những quy định pháp luật để kiểm soát quyền lực, hoặc nói theo cách nói hiện nay là “nhốt quyền lực vào trong lồng”.

Về mặt nhân loại, Hội Thánh cũng là một tổ chức xã hội, vì thế để ngăn ngừa sự lạm dụng quyền lực, cũng cần có thiết kế pháp lý. Do đó, sau khi bàn thảo với các Hội đồng giám mục về tình trạng lạm dụng tình dục trẻ vị thành niên trong các cơ sở của Hội Thánh, Đức Giáo hoàng Phanxicô đã ban hành Tự sắc Vos estis lux mundi (Các con là ánh sáng thế gian), ký ngày 07/05/2019, đưa ra những biện pháp ngăn ngừa, những hình thức chế tài, và những phương thế bảo vệ trẻ vị thành niên.

3. Quy định pháp lý là cần thiết nhưng hướng giải quyết sâu xa hơn phải là giải quyết về mặt thiêng liêng, xin được tóm gọn bằng hai cụm từ là từ bên trêntừ bên trong.

Từ bên trên là nhìn lên Chúa Giêsu để noi gương và cầu xin. Chúa Giêsu là Đấng Cứu độ, nhưng Ngài đã không cứu con người bằng quyền lực mà bằng sự tự hạ. Khi hai ông Gioan và Giacôbê đến xin Chúa cho ngồi bên hữu, bên tả của Thầy, Chúa Giêsu trả lời: “Các anh không biết các anh xin gi. Các anh có uống nổi chén Thầy sắp uống, hay chịu được phép rửa Thầy sắp chịu không?” (Mc 10,38). Chén và Phép Rửa ở đây là nói về cuộc khổ nạn của Chúa. Chúa Giêsu đã đi theo đường lối của Người Tôi tớ đau khổ mà tiên tri Isaia loan báo:“Đức Chúa đã muốn người tôi trung phải bị nghiền nát vì đau khổ…Vì đã nếm mùi đau khổ, người công chính, người tôi trung của Ta sẽ làm cho muôn người nên công chính, và sẽ gánh lấy tội lỗi của họ” (Is 53,10-11). Hãy chiêm ngắm Chúa Giêsu như mẫu gương để noi theo, đồng thời cầu xin Chúa giúp chúng ta để có thể sống theo mẫu gương của Ngài.

Từ bên trong là thực hiện sự biến đổi nội tâm, thay đổi nhận thức về giá trị con người và về quyền lực. Phải thay đổi nhận thức trong việc phân biệt giá trị đích thực của con người với vị trí xã hội của người đó. Trong thực tế, người ta có thói quen đồng hóa cả hai thành một, từ đó đánh giá con người dựa trên vị trí và chức quyền một người đảm nhận trong xã hội. Cũng từ đó nảy sinh những mưu mô tính toán xấu xa để tham quyền đoạt vị, và một khi đã đạt được vị trí mong muốn, người ta sẽ dùng quyền lực để mưu cầu ích riêng.

Đồng thời phải thay đổi nhận thức về mục đích của quyền lực là để phục vụ chứ không để thống trị, như Chúa Giêsu dạy các môn đệ: “Những người được coi là thủ lãnh các dân thì dùng uy mà thống trị dân, những người làm lớn thì lấy quyền mà cai quản dân. Nhưng giữa các con thì không được như vậy: ai muốn làm lớn giữa các con thì phải làm người phục vụ các con; ai muốn làm đầu các con thì phải làm đầy tớ mọi người” (Mc 10,43).

Sự phục vụ đích thực như thế chỉ có thể phát xuất từ tình yêu, một tình yêu cho đi và hiến dâng đến cả mạng sống mình: “Con Người đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ và hiến mạng sống làm giá chuộc muôn người” (Mc 10,45).

+ Gm. Phêrô Nguyễn Văn Khảm