17/10/2020
3088
Đức Cha Phêrô suy niệm CN XXIX TN A: CAESAR VÀ THIÊN CHÚA


 














 

CAESAR VÀ THIÊN CHÚA

Chúa Nhật XXIX – Is 45,1.4-6; 1Tx 1,1-5; Mt 22,15-21

 

 

1. “Khi ấy những người Pharisêu đi bàn bạc với nhau, tìm cách làm cho Chúa Giêsu phải lỡ lời mà mắc bẫy” (Mt 22,15). Để hiểu được cái bẫy họ giăng, phải đặt mình vào bối cảnh lịch sử Do Thái thời Chúa Giêsu. Từ năm 6 AD, Giuđê là một tỉnh thuộc đế quốc Rôma, có tổng trấn Rôma cai trị, ở thời điểm Chúa Giêsu chịu chết là tổng trấn Philatô. Vì là một tỉnh trong đế quốc Rôma nên người Do Thái phải đóng thuế cho đế quốc. Dân không muốn đóng thuế vì hai lý do: thứ nhất, đóng thuế cho đế quốc là đồng lòng với sự thống trị của nó và chấp nhận tình trạng lệ thuộc của mình; thứ hai, đồng tiền đóng thuế có in hình và danh hiệu của Caesar với nội dung “Tiberius Caesar, con của Augustus thần thánh, thượng tế”, và người Do Thái coi đây là ngẫu tượng.

Trong bối cảnh đó, câu hỏi người Pharisêu và nhóm Hêrôđê đặt ra đúng là một cái bẫy: “Xin Thầy cho biết ý kiến: có được phép nộp thuế cho Caesar hay không?” Có thể dịch sát hơn, “Nộp thuế cho Caesar có hợp với Lề luật không?” Đây là cái bẫy tinh vi và độc ác vì trả lời cách nào cũng nguy hiểm. Nếu Chúa Giêsu bảo là phải nộp thuế thì dân sẽ phản ứng, bảo là không nộp thì Rôma sẽ bắt và kết tội xúi dân làm loạn. Vậy, Chúa Giêsu hành xử ra sao?

 

2.“Của Caesar, trả về Caesar; của Thiên Chúa, trả về Thiên Chúa”, Chúa Giêsu trả lời như thế. Phải hiểu thế nào về lời tuyên bố nổi tiếng này của Chúa Giêsu?

“Của Caesar, trả về Caesar”: vì đồng tiền đóng thuế có hình và danh hiệu Caesar, hãy trả về cho Cesar; là công dân thì phải thi hành bổn phận công dân theo pháp luật, để có sự hài hòa ổn định trong xã hội.

“Của Thiên Chúa, trả về Thiên Chúa”: con người chúng ta được tạo dựng theo hình ảnh Thiên Chúa, nghĩa là hình ảnh Chúa ghi khắc trên con người chúng ta, vậy hãy trả về cho Chúa tất cả những gì chúng ta có và tất cả những gì chúng ta là.

Chúa Giêsu đã sống như thế. Ngài không chủ trương lật đổ chính quyền như nhiều người Do Thái mong muốn. Khi người Do Thái nộp Chúa Giêsu cho Tổng trấn Philatô, họ tố cáo Ngài tội chính trị nhưng chính Philatô biết Chúa Giêsu không có tội gì như ông nói: “Các ngươi cứ đem ông này đi mà đóng đinh vào thập giá, phần ta, ta không tìm thấy lý do gì để kết tội ông ấy” (Ga 19,6).

Đồng thời cả con người và cuộc đời Chúa Giêsu thuộc về Thiên Chúa Cha: “Lương thực của Ta là thi hành ý muốn của Đấng đã sai Ta, và hoàn tất công trình của Ngài” (Ga 4,34). Ngài cho thấy Thiên Chúa ở trên tất cả khi nói với Philatô: “Ngài không có quyền gì đối với tôi nếu Trời chẳng ban cho ngài” (Ga 19,11).

 

3. Giáo huấn của Chúa Giêsu soi sáng và hướng dẫn những chọn lựa của người tín hữu trong đời sống xã hội, đồng thời giáo huấn đó cũng truyền cảm hứng cho những suy tư về tương quan giữa Nước Trời và trần thế, giữa tôn giáo và Nhà nước.

Chúa Giêsu không chỉ nói, “của Caesar, trả về Caesar” nhưng còn nói thêm “của Thiên Chúa, trả về Thiên Chúa”. Vì thế không quyền lực trần thế nào có quyền trên toàn bộ đời sống con người vốn là những hữu thể xác-hồn. Đúng hơn, quyền lực trần thế cần được thi hành theo những chuẩn mực đạo đức mà Thiên Chúa ban cho con người, cụ thể là tiếng lương tâm và luật tự nhiên. Tuyên bố của Chúa Giêsu “là sự khước từ chủ nghĩa toàn trị và là sự khai mở tự do” (Alan Richardson, The Political Christ, London, SCM Press, 1973, p.47).

Đồng thời, Chúa Giêsu cũng không chỉ nói, “của Thiên Chúa, trả về Thiên Chúa” nhưng còn thêm, “của Caesar, trả về Caesar”. Do đó các tôn giáo phải tôn trọng quyền bính chính danh trong xã hội, góp phần xây dựng xã hội ổn định, bình an, phát triển. “Tin Mừng không bàn đến bình diện tổ chức của chính trị, tức là những hình thức hay hệ thống chính quyền, các phong trào giải phóng… Đúng hơn, Tin Mừng liên quan đến bình diện truyền cảm hứng cho chính trị, nghĩa là quan tâm đến những động lực và thái độ đưa đến quyết định chính trị, cụ thể là Tin Mừng đề nghị sự phục vụ hơn là thống trị, trung thành với sự thật hơn là tráo trở, liêm khiết hơn là tham lam, yêu thương thay vì hận thù” (Nil Guillemette, Heart Burning, p. 136).

+ Gm. Phêrô Nguyễn Văn Khảm