11/09/2021
4240
Đức Cha Phêrô suy niệm CN XXIV TN B 2021: LỘI NGƯỢC DÒNG


 














 

CHÚA NHẬT XXIV THƯỜNG NIÊN

Is 50,5-9a; Gc 2,14-18; Mc 8,27-35  


LỘI NGƯỢC DÒNG   

  

 

1. Trong một huấn từ dành cho giáo dân Giáo phận Rôma, Đức Giáo hoàng Phanxicô nói: “Trong thời đại ngày nay, nếu không phải là nhà cách mạng thì không thể là Kitô hữu” (Ecclesial Convention of the Diocese of Rome, 17/06/2013). Dịch từ “revolutionary” thành “cách mạng” là đúng, tuy nhiên từ “cách mạng” ngày nay  thường mang đậm nội hàm chính trị, vì thế xin diễn đạt bằng một từ khác: lội ngược dòng.

Lời mời gọi “lội ngược dòng” xuất hiện rõ nét trong trình thuật Tin Mừng Mc 8,27-35. Ngay trong cách kể chuyện của thánh Marcô đã có sự đảo ngược ngoạn mục. Khi Chúa Giêsu hỏi: “Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai?”, thánh Phêrô trả lời: “Thầy là Đấng Kitô” (Mc 8,29). Lời tuyên xưng chính xác và tuyệt vời! Chính vì thế thánh Matthêu kể thêm Chúa Giêsu khen ngợi Phêrô hết lời: “Này anh Simon con ông Giôna, anh thật là người có phúc, vì không phải phàm nhân mặc khải cho anh điều ấy, nhưng là Cha của Thầy, Đấng ngự trên trời” (Mt 16, 17). Nhưng chỉ ngay sau đó, khi thánh Phêrô tìm cách can gián Chúa Giêsu, Chúa đã quở trách Phêrô hết sức nặng nề: “Satan! Lui lại đằng sau Thầy”. Bị gọi là Satan thì có gì khác với tên cám dỗ, với ma quỷ đã cám dỗ Chúa trong hoang địa (x. Mt 4, 1-11)! Quả là một sự đảo ngược không ngờ.

2. Sự đảo ngược trong cách kể chuyện hàm chứa những đảo ngược lớn lao hơn nhiều, tức là đảo ngược quan niệm về căn tính, về phương thế cứu độ của Chúa, và về chính Đạo Kitô.

Đảo ngược quan niệm về căn tính của Chúa: Chúa Giêsu đúng là Đấng Kitô (Mêsia) như thánh Marcô đã khẳng định ngay trong câu mở đầu sách Tin Mừng: “Khởi đầu Tin Mừng Đức Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa” (Mc 1,1), thế nhưng Ngài không phải là Đấng Mêsia như người ta quen nghĩ và mong chờ, mà là Người Tôi Tớ đau khổ trong Isaia 50, 5-9a (bài đọc 1). Vì thế Chúa luôn cấm ngặt các môn đệ không được nói với ai về Ngài (Mc 8,30), điều mà các học giả Kinh Thánh gọi là “bí mật mêsia”.

Đảo ngược về phương thế cứu độ: Chúa Giêsu không cứu độ nhân loại bằng quyền lực quân sự như vua Đavít, hay bằng của cải giàu sang như tên cám dỗ đề nghị (x. Mt 4,1-11), nhưng bằng thập giá: “Con Người phải chịu đau khổ nhiều, bị các kỳ mục, thượng tế và kinh sư loại bỏ, bị giết chết và sau ba ngày sẽ sống lại” (Mc 8,31).

Đảo ngược về Đạo Kitô: Đạo là đường đi và con đường Chúa Giêsu mời gọi các môn đệ bước theo là nẻo đường ngược đời: “Ai muốn cứu mạng sống mình thì sẽ mất; còn ai liều mạng sống mình vì Ta và vì Tin Mừng, thì sẽ cứu được mạng sống” (Mc 8, 35).

3. Chính vì thế, theo Đạo Kitô là phải chấp nhận lội ngược dòng: “Ai muốn theo Ta, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo” (Mc 8,34).

Từ bỏ chính mình: Thế gian lấy cái tôi làm trung tâm và mọi sự quay chung quanh cái tôi. Còn Kitô hữu đích thực lấy Đức Kitô làm trung tâm và mọi sự quay chung quanh Ngài. Đúng là một cuộc cách mạng Copernic trong đời sống thiêng liêng và thánh Augustinô diễn tả cách hình tượng: “Hai thành đô được hình thành bởi hai tình yêu: thành đô trần thế được hình thành bằng tình yêu bản thân đến độ khinh chê Thiên Chúa; còn thành đô thiên quốc được hình thành bằng tình yêu Thiên Chúa đến độ khinh chê bản thân. Tắt một lời, thành đô trần thế tôn vinh chính nó, còn thành đô thiên quốc tôn vinh Thiên Chúa” (Thánh Augustinô, City of God, 14.28).

Vác thập giá: Thế gian đề cao khoái lạc và hưởng thụ, lấy hưởng thụ làm tiêu chuẩn đo lường giá trị và thước đo hạnh phúc của con người. Còn Kitô hữu lấy tình yêu hi sinh và cho đi làm tiêu chuẩn đánh giá: “Không có tình yêu nào cao cả hơn tình yêu của người dám hi sinh mạng sống vì bạn hữu mình” (Ga 15,13).

Theo Chúa: Phêrô muốn dẫn đường cho Chúa thay vì theo Thầy nên “kéo riêng Người ra và bắt đầu trách Người” (Mc 8,32). Hội Thánh của Chúa và mỗi Kitô hữu cũng nhiều lúc như thế, muốn làm kẻ dẫn đường thay vì làm môn đệ, muốn thay đổi Lời Chúa vì nghĩ rằng Lời Chúa đã lỗi thời, cần phải đổi mới và thỏa hiệp với thời đại để mọi người dễ đón nhận hơn.

Chắc chắn Chúa Giêsu là Thiên Chúa toàn năng nhưng xem ra Ngài rất kém về quảng cáo sản phẩm (marketing)! Muốn có nhiều người theo Đạo, lẽ ra Chúa phải hứa hẹn với người ta là theo Chúa thì sẽ được giàu sang phú quý, bổng lộc và chức tước, đằng này lại yêu cầu bỏ mình, vác thập giá… thì ai theo? Phải chăng vì thế mà thánh Phêrô muốn sửa sai cho Thầy? Phải chăng vì thế mà vị đại pháp quan trong tác phẩm Anh em nhà Kamarazov của Dostoievski phải sửa sai cho Chúa? Phải chăng vì thế mà có phong trào ở thế kỷ này muốn sửa sai cho Chúa bằng cách rao giảng Tin Mừng thịnh vượng (Prosperity Gospel)! Thế nhưng Chúa Giêsu đã nói rất rõ với Phêrô và với mỗi chúng ta: “Satan! Hãy lui ra đằng sau Thầy!” Đừng tưởng mình là thầy nhưng hãy nhớ mình chỉ là môn đệ! Đừng đòi làm kẻ dẫn đường cho Thầy nhưng hãy theo Thầy.

+ Gm. Phêrô Nguyễn Văn Khảm