12/09/2020
1390
Đức Cha Phêrô suy niệm CN XXIV TN A: THA THỨ


 














 

THA THỨ

Chúa nhật XXIV – Hc 27,30-28,7; Rm 14,7-9; Mt 18,21-35





 

Trong bài giảng của Chúa Giêsu về đời sống cộng đoàn, tiếp theo giáo huấn về sửa lỗi huynh đệ là giáo huấn về việc tha thứ cho nhau. Đây cũng là chủ đề Hội Thánh muốn nhấn mạnh hôm nay qua các bài đọc Kinh Thánh : tha thứ đến bảy mươi lần bảy, nghĩa là tha thứ không giới hạn. Không người Công giáo nào không biết Chúa dạy phải tha thứ nhưng trong thực tế, tất cả chúng ta đều cảm nhận rất khó tha thứ, ngay cả đối với người trong cùng gia đình, cùng cộng đoàn. Tại sao lại khó như thế, và làm thế nào để có thể biết tha thứ theo Lời Chúa dạy?

 

1. Trong ánh sáng Lời Chúa, có thể nghĩ đến hai lý do. Thứ nhất là vì con người nói chung thường chỉ nghĩ đến món nợ của người khác đối với mình, mà quên mất món nợ của mình đối với Chúa và tha nhân.

Dụ ngôn Chúa Giêsu kể là một minh họa sống động cho thực tế này khi Ngài nói đến hai món nợ : một là “tên đầy tớ mắc nợ nhà vua mười ngàn yến vàng”, hai là “đồng bạn của tên đầy tớ nợ y một trăm quan tiền”. Một nhà chú giải Kinh Thánh tính theo thời giá ngày nay là 255 triệu USD so với 16 ngàn USD. Quả là sự cách biệt đến khó tin, nhưng dụ ngôn muốn làm nổi bật khoảng cách giữa hai món nợ để nhắc nhở rằng chúng ta mắc nợ Chúa và tha nhân nhiều lắm, lại là những món nợ không thể trả : món nợ sự sống, món nợ ơn cứu độ mà Chúa Giêsu phải trả bằng giá máu!  Những món nợ ấy lớn hơn rất nhiều so với những gì người khác mắc nợ chúng ta; cho nên chúng ta được tha thứ nhiều lắm, hơn là những gì chúng ta tha thứ cho người khác. Thế nhưng vì tính ích kỷ, người ta thường nhớ rất lâu và rất kỹ món nợ của người khác, và dễ quên món nợ của mình với người khác; nhớ rất lâu sự xúc phạm của người khác với mình, nhưng không nhớ những điều mình làm tổn thương người khác. Cũng vì thế mà khó tha thứ, còn nếu nhớ rằng mình được tha thứ, sẽ dễ tha thứ hơn.

 

2. Lý do thứ hai khiến chúng ta khó tha thứ là vì chỉ thấy sự thiệt thòi khi phải tha thứ mà chưa khám phá được sự tích cực của việc tha thứ. Trong thời đại ngày nay, tấm gương của Nelson Mandela đáng được đề cao. Ông được cả thế giới kính trọng không phải vì ông là Tổng thống Nam Phi nhưng vì nhân cách cao quý của ông. Vì đấu tranh chống chủ nghĩa phân biệt chủng tộc Apartheid, ông bị bắt và cầm tù, suốt 27 năm bị giam trong căn phòng nhỏ và hằng ngày phải làm việc trên công trường nắng cháy. Khi được tha, ông tiếp tục đấu tranh, trở thành Tổng thống Nam Phi. Khi làm Tổng thống, thay vì trả thù những người đã cầm tù ông, ông chủ trương hòa giải. Khi được hỏi, ông trả lời : “Khi tôi bước khỏi cánh cửa dẫn đến cổng nhà tù để được tự do, tôi biết rằng nếu tôi không để lại sau lưng những cay đắng và hận thù, thì tôi vẫn bị giam giữ trong tù”. Đúng là một câu nói để đời, xứng đáng là danh ngôn! 

Chính sự tha thứ giải thoát chúng ta. Nếu còn giữ lòng hận thù, chính chúng ta là người chịu thiệt hại trước hết, về cả tinh thần lẫn thể xác. Norman Vincent Peale đã chứng minh điều đó trong tác phẩm Tư duy tích cực (The Power of Positive Thinking), một quyển sách được bán hơn 20 triệu bản và dịch ra 41 thứ tiếng, đến nay vẫn tiếp tục được phổ biến. Nguyên tắc căn bản ở đây là tầm nhìn về con người duy nhất xác-hồn, tinh thần và thể xác. Những gì diễn ra trong tư tưởng và tâm hồn đều tác động lên sức khỏe thể xác và cuộc sống, cho nên “Thay đổi tư duy của bạn, thế giới của bạn sẽ thay đổi”. Nếu không biết tha thứ, chính chúng ta là người chịu thiệt hại nhiều nhất vì tâm hồn lúc nào cũng giận dữ, buồn phiền, rồi sinh ra những tác động tiêu cực cho sức khỏe thể xác và cuộc sống.

 

3. Ý thức rằng mình được tha thứ nhiều hơn là mình tha thứ cho người khác, và ý thức rằng việc tha thứ mang lại nhiều ích lợi cho đời sống, đó là những lý do thúc đẩy chúng ta tha thứ cho người khác. Với người Kitô hữu, còn có một động lực sâu xa và mạnh mẽ khác là đối diện với án xử của Thiên Chúa : “Cha của Thầy ở trên trời cũng sẽ đối xử với các con như thế, nếu mỗi người trong các con không hết lòng tha thứ cho anh em mình” (Mt 18,35). Bài đọc 1 trích sách Huấn Ca cũng dạy như vậy : “Hãy bỏ qua điều sai trái của kẻ khác, thì khi bạn cầu khẩn, tội lỗi bạn sẽ được tha. Người với người cứ nuôi lòng hờn giận, sao có thể xin Chúa chữa lành!” Nói như thế không có nghĩa là lòng Thiên Chúa cũng chật hẹp như lòng chúng ta, nhưng là vì biết tha thứ là dấu chỉ của một người thực sự bước đi trong quỹ đạo của Thiên Chúa, quỹ đạo của tình thương tha thứ.

Lời kinh quen thuộc nhất với người Công giáo là Kinh Lạy Cha, trong đó chúng ta thưa với Cha trên trời : “Xin Cha tha nợ cho chúng con như chúng con cũng tha kẻ có nợ chúng con”. Hãy đọc Kinh Lạy Cha mỗi khi trong tâm hồn xuất hiện tư tưởng oán thù, để xin Chúa dẫn ta vào quỹ đạo của tình thương tha thứ, cũng là quỹ đạo của ơn giải thoát, hôm nay và mãi mãi.

+ Gm. Phêrô Nguyễn Văn Khảm