03/09/2022
1847
Đức Cha Phêrô suy niệm CN XXIII TN năm C 2022: CHỌN LỰA VÀ TỪ BỎ























 

CHÚA NHẬT XXIII THƯỜNG NIÊN

Kn 9,13-18; Plm 9b-10. 12-17; Lc 14,25-33

CHỌN LỰA VÀ TỪ BỎ

 

1.Có nhà lãnh đạo nào muốn người ta theo mình mà lại tuyên bố: “Ai không vác thập giá mình mà đi theo tôi, thì không thể làm môn đệ tôi được” (Lc 14,27)? Có nhà thuyết giảng nào muốn người ta theo mình mà lại đòi hỏi: “Ai đến với tôi mà không dứt bỏ cha mẹ, vợ con anh em, chị em, và cả mạng sống mình nữa, thì không thể làm môn đệ tôi được” (14,26)?

Chúa Giêsu rõ ràng là nhà lãnh đạo không giống ai, chẳng trách Đường Phúc Âm của Ngài là “con đường ít ai đi”! Thực tế đó cho thấy Chúa Giêsu nhấn mạnh đến phẩm chất hơn số lượng. Khi Chúa trút hơi thở cuối cùng trên thập giá, chỉ còn một nhóm rất nhỏ tin vào Ngài. Thế nhưng chính nhóm nhỏ ấy, trong tác động của Thánh Thần, đã làm thay đổi cả đế quốc Rôma. Còn sau nhiều thế kỷ, khi Kitô giáo trở thành tôn giáo lớn trên thế giới, cách riêng tại châu Âu, chúng ta lại đang chứng kiến làn sóng rời bỏ Hội Thánh, và nhà thờ ngày càng vắng bóng người, nhất là người trẻ. Phẩm chất quan trọng hơn số lượng. Thực tế đó cũng mời gọi chúng ta suy nghĩ về cách làm mục vụ của mình: phải nhắm đến chất lượng hay số lượng? phải làm gì để vun trồng phẩm chất Tin Mừng nơi người Kitô hữu?

 

2. Chúa Giêsu đòi hỏi phải từ bỏ rất nhiều: không chỉ là của cải vật chất nhưng còn là những quan hệ máu mủ thân thiết “cha mẹ, vợ con, anh em, chị em”, và “cả mạng sống mình”. Câu hỏi đặt ra là Ngài là ai mà có thể đòi hỏi người ta nhiều như thế? Một nhà tư tưởng kêu lên: “Đức Giêsu là ai, nếu không phải là một tên điên, mà lại dám đòi hỏi cả nhân loại phải từ bỏ những quan hệ tình cảm thân thiết như thế chỉ để gắn bó với Ngài?”

Thế nhưng chính những đòi hỏi quyết liệt ấy lại bộc lộ căn tính sâu xa đích thực của Chúa Giêsu. Ngài không chỉ là một rabbi hay vĩ nhân nào đó nhưng là chính Thiên Chúa làm người đang ở giữa chúng ta. Đúng như thế, chỉ có Thiên Chúa mới có quyền đòi hỏi nơi con người như thế. Nói theo cách diễn tả của Sách Khôn Ngoan trong bài đọc 1, Chúa Giêsu chính là Đức Khôn Ngoan của Thiên Chúa: “Ý định của Chúa, nào ai biết được, nếu tự chốn cao vời, chính Ngài chẳng ban Đức Khôn Ngoan, chẳng gửi thần khí thánh…Chính vì thế mà con người được dạy cho biết những điều đẹp lòng Ngài, và nhờ Đức Khôn Ngoan mà được cứu độ” (Kn 9,17-18).

Nếu chúng ta thực sự tin nhận Chúa Giêsu là Đức Khôn Ngoan của Thiên Chúa, thì những đòi hỏi của Ngài hoàn toàn hữu lý và hữu ích cho phần rỗi của mình. Từ bỏ bao giờ cũng gắn với chọn lựa. Cuộc sống là sự chọn lựa liên lỉ, chọn điều này thì phải bỏ điều kia, và việc chúng ta chọn lựa điều này và từ bỏ điều kia là tùy vào thang giá trị về đời sống nơi mỗi người. Tại sao một ông vua nước Anh từ bỏ ngai vàng để cưới một góa phụ? Vì với ông, tình yêu dành cho người phụ nữ ấy lớn hơn ngai vàng! Tại sao các vị tử đạo thà chết hơn là phải chối Chúa? Vì với các ngài, Thiên Chúa và Nước Trời mới là kho tàng quý giá nhất!

Tương tự như thế, trở thành Kitô hữu là đặt Chúa Kitô và Tin Mừng của Ngài ở bậc cao nhất trong thang giá trị đời sống của mình. Thánh Phaolô viết:“Mặc dù người ta cho là có những thần ở trên trời hay dưới đất – quả thật, thần cũng lắm mà chúa cũng nhiều – nhưng đối với chúng ta, chỉ có một Thiên Chúa là Cha, Đấng tạo thành vạn vật và là cùng đích của chúng ta; và cũng chỉ có một Chúa là Đức Giêsu Kitô, nhờ Người mà vạn vật được tạo thành, và nhờ Người mà chúng ta được hiện hữu” (1Cr 8,4). Nếu các Kitô hữu thực sự tin nhận Chúa như thánh Phaolô, thì trong thang giá trị của họ, đương nhiên Thiên Chúa là giá trị cao cả nhất, và vì thế khi cần thiết, họ chấp nhận từ bỏ những giá trị thấp kém hơn.

 

3. Khi Chúa Giêsu đòi hỏi phải từ bỏ “cha mẹ, vợ con, anh em, chị em và cả mạng sống mình”, điều đó không có nghĩa là ghét bỏ hay phủ nhận nhưng là đặt những con người ấy và những mối quan hệ ấy vào đúng chỗ trong thang giá trị của đời sống: Thiên Chúa trên hết, và yêu mến cha mẹ, vợ con, anh em, chị em của mình trong ánh sáng của Chúa. Đừng quên rằng Chúa Giêsu vẫn tôn trọng Mười Điều Răn Đức Chúa Trời như Ngài nói với chàng thanh niên nêu câu hỏi phải làm gì để được sống đời đời (x. Mc 10,17-22). Đừng quên rằng chính Chúa Giêsu cũng là người con hiếu thảo hết mực, hằng vâng phục cha mẹ (x. Lc 2,51). Chúa không mời gọi chúng ta bẻ gẫy những quan hệ nhân sinh thánh thiêng như lòng hiếu thảo, nghĩa vợ chồng, tình huynh đệ, nhưng Ngài mời gọi chúng ta hãy đặt những quan hệ ấy trong tình yêu tuyệt đối dành cho Thiên Chúa, và chắc chắn điều đó sẽ làm cho những quan hệ trên càng đẹp đẽ và phong phú hơn.

 

+ Gm. Phêrô Nguyễn Văn Khảm