04/09/2021
3562
Đức Cha Phêrô suy niệm CN XXIII TN B 2021: CÂM VÀ ĐIẾC, NÓI VÀ NGHE


 














 

CHÚA NHẬT XXIII THƯỜNG NIÊN

Is 35,4-7a; Gc 2,1-5; Mc 7,31-37  


CÂM VÀ ĐIẾC, NÓI VÀ NGHE   

  

 

1. Trong bài Tin Mừng, Thánh Marcô kể chuyện Chúa Giêsu chữa lành người câm điếc, đang khi chúng ta lại không bị câm điếc, vậy câu chuyện này liên quan gì đến chúng ta? Thế nhưng câu hỏi đặt ra là có thật chúng ta không bị câm điếc?

Chúa Giêsu từng mắng các môn đệ của Ngài: “Anh em ngu muội thế sao? Anh em có mắt mà không thấy, có tai mà không nghe ư? Anh em không nhớ sao, khi Thầy bẻ năm chiếc bánh cho năm ngàn người ăn, anh em đã thu lại bao nhiêu thúng đầy mẩu bánh?” (Mc 8,18-19). Liệu chúng ta có thuộc loại “có mắt mà không thấy, có tai mà không nghe”? Thế rồi, khi những người Pharisêu tranh luận với Chúa Giêsu về việc Ngài chữa lành người mù trong ngày Sabát, Chúa Giêsu nói với họ rằng: “Nếu các ông đui mù thì các ông chẳng có tội. Nhưng giờ đây các ông nói rằng ‘chúng tôi thấy’ nên tội các ông vẫn còn! (Ga 9,41). Liệu chúng ta có ở lại trong tội vì chủ quan cho rằng mình sáng mắt? Ngoài ra trong đời sống Giáo Hội, trước đây khi cử hành Bí tích Rửa Tội, linh mục sờ vào tai người chịu Phép Rửa và lấy nước miếng bôi vào lưỡi họ, tức là làm lại cử chỉ của Chúa Giêsu khi Ngài chữa lành cho người câm điếc (x. Mc 7,33). Như thế, Giáo Hội đã khám phá trong câu chuyện Tin Mừng một ý nghĩa biểu tượng phong phú cho đời sống đức tin, chứ không chỉ là chuyện thầy lang chữa bệnh.

Tất cả những ghi nhận trên đều mời gọi chúng ta đọc bài Tin Mừng hôm nay không chỉ như câu chuyện kể về việc chữa bệnh câm điếc thể xác, nhưng còn lắng nghe tiếng gọi cho đời sống đức tin. Nếu thế, việc Chúa Giêsu chữa lành người câm điếc có thể hàm chứa bài học nào cho đời sống đức tin?

2. Trước hết là bài học lắng nghe Lời Chúa. Khi tìm hiểu về các trẻ khuyết tật thính giác, người ta thấy đa số trẻ bị điếc cũng thường bị câm, tức là các cháu không nói được vì không nghe được. Một ghi nhận khác liên hệ về việc học ngoại ngữ là một người nước ngoài học tiếng Việt ở đâu (Hà Nội, Huế, hay Sài Gòn) thì sẽ nói tiếng Việt theo giọng của miền đó. Như thế, “nghe” là điều rất quan trọng, nghe được thì mới nói được, nghe thế nào sẽ nói thế ấy.

Ghi nhận trên cũng cần được áp dụng cho đời sống đức tin. Để có thể nói Lời Chúa – nói bằng lời và bằng ngôn-ngữ-không-lời tức là hành động, thì điều quan trọng là phải tập nghe. Đó là lý do thánh Augustinô nhắc nhở những người có nhiệm vụ rao giảng Lời Chúa rằng: “Người giảng dạy Lời Thiên Chúa bên ngoài mà không nghe Lời ấy ở bên trong thì không thể mang lại hoa trái” (Augustinô, Sermo 179).

Để lắng nghe, cần phải có sự thinh lặng nội tâm. Khi kể lại việc Chúa Giêsu chữa lành người câm điếc, thánh Marcô viết: “Người kéo riêng anh ta ra khỏi đám đông” (Mc 7, 33). Ngày nay cũng thế và hơn thế, cần ra khỏi đám đông vì quá ồn ào, và sự ồn ào đó nhận chìm tiếng gọi thầm kín của Lời Chúa khiến ta không nghe được.

3. Bài học thứ hai là về sự hiệp thông. Lời nói là phương thế diễn tả tâm tư, tình cảm, suy nghĩ của mình với những người khác, nhờ đó kiến tạo tương quan hiệp thông qua sự hiểu biết lẫn nhau, làm cho đời sống nên phong phú. Đây chính là sự thiệt thòi lớn nhất đối với người câm điếc. Người mù vẫn có thể trò chuyện với người khác, nghe Radio, nghe giảng bài, nghe thuyết trình, kể cả đọc sách bằng chữ nổi (Braille). Thế nhưng người câm điếc thì không thể, họ nhìn thấy người khác nhưng không hiểu người ta nói gì và bản thân cũng không nói được để diễn tả tâm tư tình cảm của mình, vì thế họ như thể bị nhốt trong một thế giới đóng kín! Nếu có dịp đến thăm các cháu câm điếc ở trường khuyết tật, chúng ta sẽ hiểu và thương các cháu hơn, vì những gì chúng ta cho là bình thường thì đối với các cháu lại hết sức khó khăn, và dù cố gắng tập luyện đến đâu, các cháu cũng không thể nghe và nói như những người bình thường khác.

Đồng thời chính khiếm khuyết của người câm điếc lại trở thành lời tra vấn chúng ta về việc sử dụng miệng lưỡi. Trong thực tế, chúng ta dùng tai và miệng để làm gì, nghe điều gì và nói những gì? Để kiến tạo hiệp thông và chia sẻ yêu thương hay để gieo rắc hận thù, bất hòa và chia rẽ? Thánh Giacôbê nhấn mạnh đặc biệt đến tầm quan trọng của lời nói: “Chúng ta dùng lưỡi mà chúc tụng Chúa là Cha chúng ta, ta cũng dùng lưỡi mà nguyền rủa người khác là con người đã được tạo dựng theo hình ảnh Thiên Chúa. Từ cùng một cái miệng phát xuất lời chúc tụng và lời nguyền rủa! Thưa anh em, như vậy thì không được. Chẳng lẽ một mạch nước lại có thể phun ra từ một nguồn cả nước ngọt lẫn nước phèn sao?” (2 Giacôbê 3,9-10).

Epphata, Hãy mở ra. Hãy mở tai ra để lắng nghe Lời Chúa. Hãy mở lòng ra để đến với mọi người trong tình hiệp thông. Hãy mở miệng ra để chia sẻ chân lý Tin Mừng cho mọi người chúng ta gặp gỡ.

+ Gm. Phêrô Nguyễn Văn Khảm