28/08/2021
3767
Đức Cha Phêrô suy niệm CN XXII TN B 2021: VUN TRỒNG NỘI GIỚI


 














 

CHÚA NHẬT XXII THƯỜNG NIÊN

Đnl 4,1-2.6-8; Gc 1,17-18.21b.22-27; Mc 7,1-8a.14-15.21-23  


VUN TRỒNG NỘI GIỚI   

   

 

1. Thánh Marcô kể chuyện Chúa Giêsu tranh luận với người Pharisêu và các kinh sư về chuyện rửa tay trước khi ăn! Tưởng tranh luận về chuyện gì lớn lao chứ về chuyện rửa tay thì quả là xa lạ với người thời nay. Ngày nay nếu người ta có quan tâm đến chuyện rửa tay là quan tâm về mặt vệ sinh, còn ở đây lại là chuyện nghi thức và tập tục, thật là vô bổ và xa lạ! 

Thế nhưng giáo huấn của Chúa Giêsu nhân cuộc tranh luận này lại là giáo huấn vẫn luôn mới mẻ và cần thiết cho mọi người ở mọi nơi và mọi thời: “Không có cái gì từ bên ngoài vào trong con người lại có thể làm cho con người ra ô uế, nhưng chính cái từ con người xuất ra mới là cái làm cho con người ra ô uế… Vì từ bên trong, từ lòng người phát xuất những ý định xấu: tà dâm, trộm cắp, giết người, ngoại tình, tham lam, độc ác, xảo trá, trác táng, ganh tị, phỉ báng, kiêu ngạo, ngông cuồng. Tất cả những điều xấu xa đó đều từ bên trong xuất ra và làm cho con người ra ô uế” (Mc 7,15. 21-23). Lời tuyên bố này chỉ rõ đâu là cội rễ của sự ô uế cũng như của cái ác đang lan tràn trong đời sống nhân loại. 

Vì những điều xấu xa đều bắt nguồn từ trong lòng người nên điều quan trọng là phải thanh tẩy nội giới, thanh tẩy con người bên trong, và đó là chức năng đặc thù của tôn giáo. Điều đáng tiếc là nhiều khi chính tôn giáo lại không đủ xác tín vào chức năng đặc thù của mình và chạy theo những mục đích khác, kể cả những mục đích được cho là tốt nhưng vẫn là thứ yếu so với mục đích chính. Nhận xét sau đây của một tác giả đáng cho chúng ta quan tâm: “Trong những năm gần đây, chúng ta ngày càng biết rõ hơn tầm quan trọng của những vấn đề về môi sinh. Đôi khi Hội Thánh nhấn mạnh đến sự sạch sẽ của môi sinh hơn là sự thanh khiết của tâm hồn, và như thế là quên mất rằng Chúa Giêsu nhấn mạnh đến cái bên trong nhiều hơn. Điều đáng nói là một người có tâm hồn thánh thiện cũng sẽ là người tôn trọng môi trường. Nếu chúng ta tận tâm cho việc sống thánh thiện và giúp người khác sống thánh thiện thì rồi chuyện môi trường sống lành mạnh sẽ đến thôi” (Richard Niell Donovan). 

2. Để thanh tẩy và vun trồng nội giới, cần phải xét xem chúng ta đón nhận và tiếp thu những gì vào trong tâm hồn mình. Bởi lẽ nội giới như thế nào là tùy vào việc người ta đón nhận những thứ thực phẩm nào để nuôi dưỡng tâm hồn. 

Về thể lý, thân xác con người khỏe mạnh hoặc đau yếu một phần lớn tùy thuộc vào thực phẩm chúng ta ăn. Có những thực phẩm tốt mang lại chất bổ dưỡng cho cơ thể, nhưng cũng có những thực phẩm tuy ngon miệng mà lại độc hại. Về mặt tinh thần và thiêng liêng cũng thế, những gì chúng ta nhận vào trong tâm trí mình sẽ có thể bổ dưỡng hoặc gây tổn thương cho đời sống tinh thần. 

Vì thế, phải tự hỏi xem chúng ta đã hấp thụ loại thực phẩm nào khiến lòng mình chất đầy những ý định xấu mà Chúa Giêsu liệt kê: “tà dâm, trộm cắp, giết người, ngoại tình, tham lam, độc ác, xảo trá, trác táng, ganh tị, phỉ báng, kiêu ngạo, ngông cuồng”? Phải tự hỏi xem những phim ảnh khiêu dâm và bạo lực, những chất gây nghiện như ma túy và rượu bia, đã tác động ra sao trên đời sống tinh thần của giới trẻ? Phải tự hỏi xem con cái chúng ta đang hấp thụ những loại thức ăn nào cho đời sống tinh thần? “Biển cả mà con người ngày nay đang bơi trong đó đầy rẫy những ô nhiễm tinh thần, nhưng xem ra chúng ta ít nói về những điều này. Chúng ta ngại ngùng khi phải trình bày giáo huấn về những tội tà dâm, sắc dục, sát nhân, trộm cắp, lừa đảo, kiêu ngạo, ngông cuồng…còn Chúa Giêsu thì không” (Donovan). 

3. Với các Kitô hữu, thức ăn bổ dưỡng tinh thần tốt nhất là Lời Chúa như thánh Giacôbê kêu gọi trong bài đọc 2: “Anh em hãy khiêm tốn đón nhận lời đã được gieo vào lòng anh em; lời ấy có sức cứu độ linh hồn anh em” (Gc 1,21). Thật vậy, Lời Chúa là “kho tàng quý giá đối với các nền văn hóa,” vì Lời Chúa “làm phát sinh các giá trị đạo đức căn bản, những cách thức diễn tả nghệ thuật chọn lọc và các kiểu sống mẫu mực,” đồng thời “bất cứ nền văn hóa chân chính nào, để thực sự phục vụ con người, đều phải mở ra với siêu việt và cuối cùng với Thiên Chúa” (Tông huấn Verbum Domini, số 109-110). 

Nói như thế không có nghĩa là các Kitô hữu chỉ cần đọc Kinh Thánh và không cần tìm hiểu thêm điều gì khác trong kho tàng tri thức nhân loại, nhưng muốn nói rằng Lời Chúa là ánh sáng soi đường và là chuẩn mực giúp chúng ta nhận định, phán đoán và chọn lọc những thức ăn thực sự bổ dưỡng cho tâm hồn. Với thực phẩm bổ dưỡng đích thực ấy, tâm hồn chúng ta thay vì tràn ngập những ý định xấu như “tà dâm, trộm cắp, giết người, ngoại tình, tham lam, độc ác, xảo trá, trác táng, ganh tị, phỉ báng, kiêu ngạo, ngông cuồng”, thì sẽ đong đầy những ý định tốt lành như thanh khiết, chính trực, tôn trọng sự sống, chung thủy, chia sẻ, hiền hòa, ngay thẳng, chân thực, tiết độ, yêu thương, khiêm tốn, hiền hòa. Và đời sống chung trong xã hội sẽ hạnh phúc biết bao cho tất cả mọi người.

+ Gm. Phêrô Nguyễn Văn Khảm