29/08/2020
1591
Đức Cha Phêrô suy niệm CN XXII TN A: THÂN PHẬN NGÔN SỨ


 














 

THÂN PHẬN NGÔN SỨ

Chúa nhật XXII thường niên – Gr 20,7-9; Rm 12,1-2; Mt 16, 21-27




 

Nghe các bài đọc Kinh Thánh hôm nay, tôi nghĩ đến ba cuộc khổ nạn : một là cuộc khổ nạn của tiên tri Giêrêmia trong bài đọc 1, “Suốt ngày con đã nên trò cười cho thiên hạ, để họ nhạo báng con”; hai là cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu như Ngài loan báo trong bài Tin Mừng, “Ngài phải đi lên Giêrusalem, phải chịu nhiều đau khổ…rồi bị giết chết”; thứ ba là cuộc khổ nạn của thánh Gioan Tẩy giả vì mới hôm qua 29 tháng 8 là lễ Thánh Gioan bị trảm quyết.

Chúa Giêsu, tiên tri Giêrêmia và thánh Gioan Tẩy giả là ba khuôn mặt lớn trong Kinh Thánh, và cả ba vị đều phải chịu khổ nạn. Câu hỏi đặt ra là tại sao các ngài phải chịu khổ nạn, và các ngài phản ứng ra sao khi đối diện với những đau khổ đó?

 

1. Tiên tri Giêrêmia loan báo Chúa sẽ dùng đế quốc Babylon mà trừng phạt dân Israel vì họ bỏ Chúa để chạy theo các thần ngoại giáo. Lời loan báo này thật khó nghe đối với những người lãnh đạo dân Chúa lúc đó, nên họ bắt Giêrêmia thả xuống giếng cạn cho chết, sau đó vì có sự can thiệp khác nên tiên tri được kéo lên và nhốt trong tù. Những lời tiên báo của Giêrêmia đã thành sự thật khi Israel bị đem đi lưu đầy bên Babylon năm 586 trước Chúa Giêsu. Tóm lại như tiên tri Giêrêmia nói: “Vì Lời Chúa mà con đây bị sỉ nhục và chế giễu suốt ngày”.

Trong lời tiên báo cuộc thương khó sẽ tới, Chúa Giêsu nói rõ là Ngài phải chịu nhiều đau khổ “do các kỳ mục, các thượng tế và kinh sư gây ra”, là những người lãnh đạo tôn giáo thời đó (Mt 16,21). Họ lên án Chúa Giêsu nói phạm thượng và tìm cách giết chết Ngài, nhưng vì không có quyền lên án tử hình nên họ nộp Chúa Giêsu cho Philatô với cáo trạng về tội chính trị, và gây áp lực để Philatô phải lên án tử hình, dù ông không thấy Chúa Giêsu có tội gì. Như thế lý do Chúa Giêsu phải chịu khổ nạn cũng là vì Ngài rao giảng Lời Chúa nhưng lại chạm đến quyền lợi của người ta nên người ta tìm cách hãm hại.

Về cuộc khổ nạn của Thánh Gioan Tẩy giả, lý do là vì thánh Gioan ngăn cản vua Hêrôđê không được lấy bà Hêrôđia, là vợ của Philipphê, anh của nhà vua. Nhà vua ra lệnh giam Gioan trong tù và trong một dịp lễ, theo lời xúi giục của bà Hêrôđia, ông ra lệnh chặt đầu thánh Gioan (x. Mc 6,17-29).

Tóm lại, cả ba vị đều chịu khổ nạn vì Lời Chúa, Lời mà các ngài rao giảng nhân danh Chúa nhưng lại không đẹp lòng người đời, nhất là những người có quyền thế, vì vậy họ tìm cách tiêu diệt các ngài.

 

2. Khi đối diện với những đe dọa, đau khổ và chết chóc, các ngài có thái độ nào? Là con người, các ngài cũng sợ hãi và tìm cách tránh né, nhưng lại có một động lực rất lớn bên trong thúc đẩy nên cuối cùng các ngài vượt qua nỗi sợ hãi và chấp nhận chịu đau khổ vì Lời Chúa.

Tiên tri Giêrêmia diễn tả rất hay và sâu sắc sự giằng co nội tâm này. Một đàng vì quá đau khổ,  Giêrêmia tự nhủ, “tôi sẽ không nghĩ đến Chúa nữa, cũng chẳng nhân danh Chúa mà nói nữa”. Nhưng đàng khác ngài lại cảm nhận sự thôi thúc bên trong rất mãnh liệt, “Lời Chúa cứ như ngọn lửa bừng cháy trong tim, âm ỉ trong xương cốt. Con nén chịu đến phải hao mòn, nhưng làm sao nén được”.

Chúa Giêsu trong thân phận con người cũng sợ hãi trước cuộc khổ nạn sắp tới và Ngài xin Chúa Cha “cất chén đắng này xa con”; đàng khác lại kêu lên “đừng theo ý Con, nhưng xin theo ý Cha” (Lc 22,42).

Về phần Thánh Gioan, ngài biết rằng ngăn cản vua Hêrôđê là sẽ gặp nguy hiểm nhưng vẫn can ngăn vì Lời Chúa. Quả là hành động can đảm! Thế nhưng khi bị giam trong tù, Thánh Gioan lại sai các môn đệ đến hỏi Chúa Giêsu, “Thầy có phải là Đấng phải đến chăng, hay chúng tôi còn phải đợi Đấng khác?” Câu hỏi thoáng chút nghi nan vì mong chờ được giải thoát mà không thấy!

Tất cả đều diễn tả sự giằng co, cuộc đấu tranh nội tâm giữa một bên là Lời Chúa cần phải rao giảng, và một bên là sự thoái thác Lời Chúa để được yên thân. Cuối cùng Lời Chúa chiến thắng như tiên tri Giêrêmia diễn tả : “Lời Chúa như ngọn lửa bừng cháy trong tim, âm ỉ trong xương cốt. Con nén chịu đến phải hao mòn, nhưng làm sao nén được”.

 

3. Chắc chắn chúng ta chưa đến nỗi phải chịu tù đầy và bắt bớ vì rao giảng Lời Chúa, nhưng ngay trong đời sống đức tin thường ngày, người môn đệ Chúa Giêsu cũng có trải nghiệm về những khó khăn khi muốn sống theo Lời Chúa.

Cuộc sống con người được đan kết bằng những chọn lựa lớn nhỏ, và chọn lựa nào cũng hàm nghĩa từ bỏ, chọn cái này thì phải bỏ cái khác. Khi chọn sống theo Lời Chúa, Kitô hữu phải chấp nhận từ bỏ nhiều thứ mà người đời đề cao và bản thân cũng mong muốn, chẳng hạn những điều mà người xưa gọi là danh, lợi, thú. Khi đó trong tâm hồn ta diễn ra cuộc đấu tranh âm thầm và vô hình nhưng rất mãnh liệt.

Cuộc khổ nạn của tiên tri Giêrêmia, thánh Gioan Tẩy giả, nhất là của Chúa Giêsu, vừa là ánh sáng soi rọi cuộc đấu tranh nội tâm của chúng ta, vừa là nguồn trợ lực để giúp ta vượt qua cuộc đấu tranh đó để tiến về phía sự sống, vì “Ai muốn cứu mạng sống mình thì sẽ mất, còn ai mất mạng sống mình vì Thầy, thì sẽ tìm được mạng sống ấy” (Mt 16,25).

+ Gm. Phêrô Nguyễn Văn Khảm