21/08/2021
2343
Đức Cha Phêrô suy niệm CN XXI TN B 2021: CHỌN CHÚA


 














 

CHÚA NHẬT XXI THƯỜNG NIÊN

Gs 24,1-2a.15-18; Ep 5,12-32; Ga 6,54a.60-69  


CHỌN CHÚA   

 

 

1. Đức tin vừa là một ơn ban vừa là chọn lựa tự do. Là ơn ban vì Chúa Giêsu nói: “Không ai đến được với Ta, nếu Chúa Cha không ban ơn ấy cho” (Ga 6,65); đồng thời các bài đọc Kinh Thánh hôm nay lại làm nổi bật đức tin như chọn lựa tự do của mỗi người.

Bài đọc 1 trích từ sách Giôsuê, ghi lại diễn từ của ông Giôsuê trong đại hội Sikhem. Ông nói với dân Israel: “Nếu anh em không bằng lòng phụng thờ Chúa thì hôm nay anh em cứ tùy ý chọn thần mà thờ… Về phần tôi và gia đình tôi, chúng tôi sẽ phụng thờ Chúa”. Ông đặt dân Israel trước một chọn lựa tự do và dứt khoát, và dân đáp lại: “Chúng tôi không hề có ý lìa bỏ Chúa để phụng thờ các thần khác” (Ga 24,15-16).

Trong bài Tin Mừng, khi nghe Chúa Giêsu giảng về Bánh hằng sống, không những người ngoài mà ngay cả một số môn đệ Chúa cũng lấy làm khó chịu, họ nói với nhau: “Lời này chướng tai quá, ai mà nghe nổi!” và sau đó, nhiều người bỏ đi, không theo Chúa Giêsu nữa. Lúc ấy, Ngài hỏi Nhóm Mười Hai: “Cả anh em nữa, anh em cũng muốn bỏ đi chứ?” (Ga 6,67). Nghĩa là Chúa Giêsu đặt Nhóm Mười Hai trước một chọn lựa hoàn toàn tự do, theo Chúa hay bỏ đi, điều đó hoàn toàn tùy thuộc quyết định của các ông.

Đức tin vừa là ơn ban vừa là chọn lựa tự do, cho nên trong đức tin có sự kết hợp hài hòa giữa tác động của ân sủng và quyết định tự do của con người: “Chúa Thánh Thần đánh động và quy hướng con tim về cùng Thiên Chúa, Ngài mở mắt lý trí và cho mọi người cảm thấy dịu ngọt khi ưng thuận và tin vào chân lý” (SGLHTCG 153).

2. Khi chịu Phép Rửa, mỗi Kitô hữu đã chọn Chúa và từ bỏ ma quỷ, thể hiện qua lời tuyên xưng đức tin. Có thể nói chọn lựa đó là chọn lựa căn bản, làm nền tảng cho những chọn lựa khác trong đời. Về mặt lý thuyết, nếu chúng ta thực sự chọn Chúa thì chọn lựa ấy sẽ âm thầm chi phối, định hướng, soi sáng, thúc đẩy những chọn lựa khác trong đời sống theo thánh ý Chúa, nhất là những chọn lựa trước những biến cố quan trọng.

Tuy nhiên trong thực tế, vì những lý do khác nhau, nhiều khi chọn lựa của chúng ta không những không thể hiện mà còn đi ngược lại chọn lựa căn bản là chọn Chúa. Hãy lấy một ví dụ cụ thể: Khi nhiều môn đệ bỏ đi, không theo Chúa Giêsu nữa, Ngài hỏi Nhóm Mười Hai: “Cả anh em nữa, anh em cũng muốn bỏ đi chứ?” Thánh Phêrô đã thay mặt Nhóm Mười Hai trả lời: “Thưa Thầy, bỏ Thầy thì chúng con biết đến với ai? Thầy mới có những lời ban sự sống đời đời”. Thật tuyệt vời lời tuyên xưng của thánh Phêrô, lời tuyên xưng sẽ còn vang vọng mãi đến tận thế. Nhưng nhìn lại thực tế đời sống của Phêrô thì sao? Ngài đã chối Thầy trong lúc nguy nan, không chỉ một lần nhưng là ba lần! May là thánh Phêrô đủ khiêm tốn để nhận ra lầm lỗi của mình và “khóc lóc thảm thiết” (Lc 22,62).

Lại chẳng phải là kinh nghiệm của mỗi người chúng ta đó sao? Lại chẳng có những lúc, vì những lý do khác nhau và trong hoàn cảnh khác nhau, chúng ta đã có những chọn lựa đi ngược lại chọn lựa căn bản của mình là chọn Chúa sao? Bài học của thánh Phêrô vừa là lời nhắc nhở sống khiêm tốn vừa là tiếng gọi hoán cải, để dù có lúc yếu lòng, chúng ta vẫn biết quay về với Chúa.

3. Việc chọn Chúa trở thành một thách thức lớn trong thời đại ngày nay. Theo thánh Gioan, khi nghe Chúa Giêsu giảng về Bánh hằng sống, không chỉ người ngoài mà ngay cả một số môn đệ Chúa cũng phản ứng: “Lời này chướng tai quá, ai mà nghe nổi?” (Ga 6,60). Và họ bỏ đi, không theo Chúa nữa. Ngày nay chúng ta cũng có thể thấy những phản ứng tương tự, không chỉ với Bí tích Thánh Thể nhưng với Lời Chúa nói chung.

Tháng 8 năm 2019, Pew Research Center công bố kết quả thăm dò ý kiến về người Công giáo tại Hoa Kỳ. Kết quả cho thấy 69% người Công giáo Mỹ không tin Chúa Giêsu thực sự hiện diện trong Bí Tích Thánh Thể, mà chỉ cho là biểu tượng thôi. Một thăm dò khác cho thấy số người được gọi là nones (không theo tôn giáo nào) ngày càng gia tăng tại Hoa Kỳ, trong đó phần đông là người trẻ. Không thể không nhìn thấy ở đây những thách đố của văn hóa thời đại đối với đức tin tôn giáo nói chung và Kitô giáo nói riêng.

Khi còn là Tổng trưởng Bộ Giáo lý đức tin, Đức Bênêđitô XVI từng chia sẻ là trước đây, người ta bảo rằng những gì xảy ra trong Giáo Hội Pháp thì cũng sẽ xảy ra tại những nơi khác, nhưng bây giờ phải nói là những gì xảy ra trong Giáo Hội Hoa Kỳ cũng sẽ xảy ra ở các nơi khác. Có lẽ là do ảnh hưởng văn hóa Mỹ quá lớn, nhất là trong thời toàn cầu hóa (x. God and the World, 448). Nếu đây là nhận xét chính xác thì thiết tưởng những thăm dò trên cũng là dự báo phải quan tâm, khi nghĩ đến tương lai của Giáo Hội tại Việt Nam để chuẩn bị những gì có thể.

Vì đức tin vừa là ơn ban vừa là chọn lựa tự do nên để sống đức tin, chúng ta không chỉ cần đến sự sáng suốt của lý trí và nghị lực của ý chí, mà còn cần cầu nguyện: “Lạy Chúa, con tin, nhưng xin Chúa thêm đức tin cho con”.

+ Gm. Phêrô Nguyễn Văn Khảm