14/08/2021
1904
Đức Cha Phêrô suy niệm CN XX TN B 2021: HIỆP THÔNG THÁNH THỂ


 














 

CHÚA NHẬT XX THƯỜNG NIÊN

Cn 9,1-6; Ep 5,15-20; Ga 6,51-58  


HIỆP THÔNG THÁNH THỂ   



 

 

1. Trong phần lớn các tôn giáo, mối tương quan giữa các tín đồ và Đấng sáng lập là tương quan đồ đệ và sư phụ, người dân và nhà lãnh đạo. Trong Kitô giáo, tương quan giữa các Kitô hữu và Chúa Giêsu Kitô không chỉ là như thế nhưng còn đi xa hơn đến tương quan sự sống. Chúa Giêsu diễn tả tương quan này bằng hình ảnh đơn sơ nhưng hết sức thuyết phục: “Thầy là cây nho, anh em là cành. Ai ở lại trong Thầy và Thầy ở lại trong người ấy, thì người ấy sinh nhiều hoa trái, vì không có Thầy, anh em chẳng làm được gì. Ai không ở lại trong Thầy thì bị quăng ra ngoài và sẽ khô héo” (Ga 15,5-6).

Hơn ai hết, thánh Phaolô là người có kinh nghiệm sống động về mối tương quan sâu xa này. Khi Phaolô còn là Saulê hăng say đi lùng bắt những ai theo Đạo của ông Giêsu, một ngày kia, trên đường đi Damas, một luồng ánh sáng bao phủ ông, quật ông xuống đất, và ông nghe tiếng hỏi, “Saulê, tại sao ngươi bắt bớ Ta?”. Và khi ông hỏi lại “Ngài là ai”, thì nghe tiếng trả lời: “Ta là Giêsu mà ngươi đang bắt bớ” (x. Cv 9,1-5). Ông Giêsu đã chết rồi, còn Saulê có bắt là bắt những người tin vào ông Giêsu thôi, thế nhưng tiếng nói kia lại khẳng định: “Ta là Giêsu mà ngươi đang bắt bớ”. Kinh nghiệm ấy đã thay đổi toàn bộ cách nhìn, cách nghĩ của thánh Phaolô, và cung cấp cho ngài tầm nhìn hoàn toàn mới về Chúa Giêsu và Hội Thánh của Chúa.

2. Tin vào Chúa Giêsu không chỉ là lắng nghe và làm theo giáo huấn của Ngài, nhưng còn là bước vào mối hiệp thông sự sống với Chúa. Việc rước Mình Máu Thánh Chúa đưa chúng ta vào mối hiệp thông sự sống ấy, nghĩa là được ở lại trong Chúa, sống với Chúa và sống nhờ Chúa: “Ai ăn thịt và uống máu Ta thì ở lại trong Ta và Ta ở lại trong người ấy” (Ga 6,56);  “Như Chúa Cha là Đấng hằng sống đã sai Ta và Ta sống nhờ Chúa Cha, thì kẻ ăn Ta cũng sẽ nhờ Ta mà được sống như vậy” (Ga 6,57).

Chính vì thế, Hội Thánh luôn khuyến khích các tín hữu rước lễ khi tham dự Thánh Lễ: “Việc tham dự Thánh Lễ cách hoàn hảo được nồng nhiệt khuyến khích, đó là sau khi vị chủ tế rước lễ, các tín hữu cũng rước Mình Thánh Chúa trong cùng một hy tế” (SGLHTCG 1388). Đồng thời, vì ý thức sự cao cả của Mình Máu Thánh Chúa, Hội Thánh khuyên nhủ con cái mình phải chuẩn bị tâm hồn cho xứng đáng: “Để dọn mình đón nhận Bí Tích này cách xứng đáng, các tín hữu phải giữ chay theo quy định của Hội Thánh. Thái độ bên ngoài (cử chỉ, ăn mặc) phải biểu lộ lòng tôn kính, sự trang trọng và niềm vui của giây phút được đón Chúa là thượng khách của chúng ta” (Ibid., 1387).

3. Vì tương quan giữa Chúa Giêsu và các tín hữu là tương quan sự sống nên Kitô giáo không chỉ là một hệ tư tưởng, và Hội Thánh của Chúa cũng không chỉ là một tổ chức hữu hình nhưng là Thân Thể Đức Kitô: “Bằng việc truyền thông Thần Khí của Người, Chúa Giêsu đã thiết lập các anh em Người, được triệu tập từ muôn dân, thành Thân Thể của Người cách mầu nhiệm” (Hiến chế Lumen Gentium, số 7).

Trong Thân Thể ấy, Đức Kitô là Đầu của Thân Thể, nghĩa là Đầu của Hội Thánh (x. Cl 1,18), và mọi chi thể liên kết chặt chẽ với Chúa và với nhau, vì “Chỉ có một tấm bánh và tất cả chúng ta cùng chia sẻ một tấm bánh, nên tuy nhiều người, chúng ta cũng chỉ là một thân thể” (1Cr 10,16-17); “Bất cứ ai trong anh em được thanh tẩy để thuộc về Đức Kitô, đều mặc lấy Đức Kitô; không còn phân biệt Do Thái hay Hi Lạp, nô lệ hay tự do, đàn ông hay đàn bà, nhưng tất cả anh em chỉ là một trong Đức Kitô” (Gl 3,28-28).

Cũng vì vậy, chuẩn mực để đánh giá sự phát triển của Hội Thánh không phải là những số liệu thống kê nhưng là sự sống bên trong: “Hội Thánh là một thực tại lớn hơn nhiều so với những gì bạn có thể kê ra trong các bản thống kê hoặc thực hiện bằng các quyết định. Hội Thánh là một cơ thể sống, và sự sống của cơ thể ấy phát xuất từ chính Chúa Kitô” (Joseph Ratzinger, God and the World, Ignatius Press 2002, 343).

Hiệp thông Thánh Thể thực sự là nguồn mạch và chóp đỉnh của đời sống Kitô hữu, vì thế là phương thế tốt nhất để vun trồng sự sống Đức Kitô nơi chúng ta và góp phần xây dựng Hội Thánh từng ngày.

+ Gm. Phêrô Nguyễn Văn Khảm