31/07/2021
6171
Đức Cha Phêrô suy niệm CN XVIII TN B 2021: BÁNH LỜI CHÚA


 














 

CHÚA NHẬT XVIII THƯỜNG NIÊN

Xh 16,2-4,12-15; Ep 4,17.20-24; Ga 6,24-35  


BÁNH LỜI CHÚA   


 

1. Khi những người đã chứng kiến dấu lạ hóa bánh ra nhiều đến tìm Chúa Giêsu, Ngài nói với họ: “Thật, Tôi bảo thật các ông, các ông đi tìm Tôi không phải vì các ông đã thấy dấu lạ, nhưng vì các ông đã được ăn bánh no nê” (Ga 6,26). Điều đó có nghĩa là họ đã không hiểu ý nghĩa thực sự của dấu lạ.

Phép lạ hóa bánh ra nhiều được cả bốn sách Tin Mừng kể lại nhưng chỉ một mình thánh Gioan gọi là “dấu lạ” (semeion), và đó là nét đặc trưng của Tin Mừng Gioan. Vấn đề là phải khám phá ý nghĩa dấu lạ vì nói như học giả Kinh Thánh N.T. Wright: “Dấu lạ là những tấm bảng chỉ đường. Những tấm bảng đó quan trọng nhưng nó không phải là điểm đến”. Những người Do Thái tìm gặp Chúa Giêsu hôm ấy đã chỉ dừng lại ở tấm bảng chỉ đường là “ăn bánh no nê” nhưng không khám phá ra điểm đến. Vậy điểm đến là gì?

Điểm đến là chính Chúa Giêsu. Trong Tin Mừng Gioan, gắn với các dấu lạ là các diễn từ: dấu lạ hóa bánh ra nhiều (Ga 6, 1-15) gắn với diễn từ về Bánh hằng sống (Ga 6, 22-58);  dấu lạ chữa lành người mù từ thưở mới sinh gắn với diễn từ về Ánh sáng thế gian (Ga 9, 1-41); dấu lạ phục sinh Ladarô gắn với diễn từ về Sự sống và sự sống lại (Ga 11,1-44). Cách nào đó, chúng ta có thể nghĩ đến việc cử hành Bí tích: lời đọc diễn tả ý nghĩa của hành động, và hành động thực hiện ý nghĩa của lời đọc. Vì thế Bí tích được định nghĩa là signum efficax (dấu chỉ hữu hiệu).

Các diễn từ đều hướng về Đức Giêsu Nadarét, và Đức Giêsu ấy không chỉ là một con người như người ta thấy nhưng là Thiên Chúa hiện thân. Vì thế đỉnh cao của các diễn từ là lời tuyên bố “Ta là”(ego eimi): “Ta là bánh hằng sống từ trời xuống” (Ga 6,51); “Ta là ánh sáng thế gian” (Ga 9,5); “Ta là sự sống lại và là sự sống” (Ga 11,25). Lời tuyên bố “Ta là” (ego eimi) làm vọng lại lời Thiên Chúa nói với Môsê khi ông xin Ngài cho biết danh tánh, Chúa nói: “Ta là Đấng Ta là” (YHWH) (Xh 3:14). Rồi Chúa phán tiếp: “Ngươi nói với con cái Israel thế này: Đấng Ta là sai tôi đến với anh em”. Hiểu như thế, trong lời tuyên bố “Ta là” của Chúa Giêsu, người đọc hiểu rằng chính Thiên Chúa đang ngỏ lời.

2. Cùng với bài Tin Mừng, Hội Thánh mời các tín hữu nghe bài đọc 1 kể chuyện Chúa ban Manna nuôi dân. Câu chuyện này diễn ra trong bối cảnh hành trình sa mạc, hành trình của một dân từ vòng nô lệ đến miền đất tự do. Đó là hành trình kéo dài 40 năm, đầy gian khó, nhiều thử thách, cụ thể là đói khát đến nỗi dân muốn nổi loạn (x. Xh 16,2-3). Chính trong bối cảnh đó, Thiên Chúa ban manna nuôi dân: “Đó là bánh Chúa ban cho anh em làm của ăn” (Xh 16,15).

Hành trình ấy là hình ảnh của một hành trình khác, không chỉ liên hệ đến dân Israel nhưng là toàn nhân loại, và là hành trình quan trọng hơn nhiều: hành trình tiến đến Vương quốc của chân lý và tình yêu. Dĩ nhiên đây cũng là một hành trình rất dài, nhiều gian khó và thử thách, từ trong lòng người đến ngoại cảnh.

Nếu manna là tấm bánh cho dân Israel trong hành trình sa mạc thì Chúa Giêsu là Bánh cho hành trình tiến đến và xây dựng Vương quốc của tình yêu và chân lý. Vậy, bằng cách nào để có tấm bánh Giêsu?

3. Trước khi công bố Tin Mừng Gioan trong Thánh lễ hôm nay, cộng đoàn phụng vụ hát lên: “Alleluia, Alleluia. Người ta sống không chỉ nhờ cơm bánh, nhưng còn nhờ lời miệng Thiên Chúa phán ra” (Đnl 8,3; Mt 4,4b). Vâng, Lời Chúa chính là tấm bánh Giêsu cho chúng ta trong hành trình cuộc đời. Chúa Giêsu đã trả lời như thế khi tên cám dỗ đề nghị Ngài hãy truyền cho những hòn đá thành bánh mà ăn (x. Mt 4,1-4). Câu trả lời ấy không phủ nhận nhu cầu cơm bánh của con người tự nhiên, nhưng cũng nhấn mạnh đó không phải là nhu cầu duy nhất thiết yếu cho con người.

Khi con người chỉ thấy nhu cầu và mục đích duy nhất của mình là của cải vật chất thì người ta sẵn sàng dùng mọi thủ đoạn, gian dối và bạo lực để chiếm hữu và thỏa mãn, và cuộc sống chung sẽ trở thành cuộc chiến thảm khốc. Còn nếu con người không chỉ thấy nhu cầu cơm bánh nhưng còn nhìn nhận sự cần thiết của những giá trị tinh thần, thì chính những giá trị tinh thần sẽ điều phối mọi hoạt động làm ra của cải vật chất, để của cải vật chất được hưởng dùng trong tình liên đới, chia sẻ, yêu thương…và cùng nhau xây dựng Vương quốc của tình yêu và chân lý.

Câu trả lời của Chúa Giêsu phải là tâm niệm của mỗi môn đệ Chúa trong hành trình tiến đến Vương quốc của tình yêu và chân lý: “Người ta sống không chỉ bằng cơm bánh, nhưng còn nhờ mọi lời Thiên Chúa phán ra”.

+ Gm. Phêrô Nguyễn Văn Khảm