25/07/2020
1601
Đức Cha Phêrô suy niệm CN XVII TN A: KIÊN TRÌ TRONG CHỌN LỰA


 














 

KIÊN TRÌ TRONG CHỌN LỰA

Chúa nhật XVII thường niên – 1V 3,5.7-12; Rm 8,28-30; Mt 13,44-52 

   

 

Trong Thánh Lễ hôm nay, Hội Thánh tiếp tục mời các tín hữu lắng nghe và suy niệm các dụ ngôn về Nước Trời. Cùng với các dụ ngôn này, bài đọc 1 ghi lại lời cầu nguyện tuyệt vời của vua Salomon, và cuộc đời của vị vua này có thể là minh họa cụ thể cho giáo huấn phong phú của các dụ ngôn.

 

1. Chúa Giêsu kể: “Nước Trời giống như chuyện kho báu chôn giấu trong ruộng…, như chuyện một thương gia đi tìm ngọc đẹp”. Mục đích của hai dụ ngôn này là giúp người nghe khám phá giá trị cao cả tuyệt đối của Nước Trời, đến nỗi khi khám phá ra, người ta vui mừng bán đi tất cả những gì mình có để mua cho bằng được.

Salomon là người đã hiểu được đâu là điều cần thiết nhất cho ông trong tư cách là người lãnh đạo đất nước. Ông nối nghiệp vua cha Đavít khi tuổi đời còn trẻ, non trong hiểu biết, non trong kinh nghiệm. Vì thế ông nài xin Chúa “ban cho tôi tớ Chúa đây một tâm hồn biết lắng nghe, để cai trị dân Chúa và phân biệt phải trái”.

Lời cầu xin của Salomon đẹp lòng Chúa vì ông không xin những gì các vua chúa khác thường xin cho bản thân họ, nào là giàu có, nào là quyền lực, nào là trường thọ. Thay vào đó, Salomon xin ơn khôn ngoan để phục vụ dân Chúa cách tốt đẹp nhất. Chúa đã hứa ban cho ông “tâm hồn khôn ngoan minh mẫn, đến nỗi trước ngươi, chẳng một ai sánh bằng, và sau ngươi, cũng chẳng có ai bì kịp”. Thực sự là thế, Salomon là vị vua nổi tiếng khôn ngoan không những trong dân Israel nhưng còn vang xa khắp nơi. Cùng với sự khôn ngoan đó là những thành công tột bậc trong việc cai quản đất nước. Ông cũng là vị vua đã xây đền thờ Giêrusalem, rước Hòm Bia về Đền thờ, hoàn tất ước mơ “xây nhà cho Chúa” mà vua cha Đavít dự tính nhưng chưa thực hiện được.

 

2. Đã tìm được ngọc quý, nhưng có biết trân trọng mãi không? Đã tìm ra kho báu, nhưng có giữ gìn được chăng? Đã tìm ra lý tưởng sống, nhưng liệu có trung thành với lý tưởng? Đây là những câu hỏi rất cụ thể trong đời sống.

Chúa Giêsu không chỉ kể hai dụ ngôn về ngọc quý và kho báu trong ruộng, Ngài còn kể tiếp dụ ngôn khác về “Nước Trời giống như cái lưới thả xuống biển, gom được đủ thứ cá. Khi lưới đầy, người ta kéo lên bãi, rồi ngồi nhặt cá tốt cho vào giỏ, còn cá xấu thì vứt ra ngoài”. Rõ ràng dụ ngôn này mang viễn tượng cánh chung: “Đến ngày tận thế, các thiên sứ sẽ xuất hiện và tách biệt kẻ xấu ra khỏi hàng ngũ những người công chính, rồi quăng chúng vào lò lửa”. Vấn đề không chỉ là chọn lựa điều tốt trong một lúc, nhưng còn là có trung thành với chọn lựa đó đến cùng không.

Cuộc đời của vua Salomon cũng là một minh họa cho thực tế này. Ông đã có chọn lựa đúng đắn và tuyệt hảo khi xin Chúa ban cho ông ơn khôn ngoan, và ông đã thành công rực rỡ, cả trên bình diện cá nhân lẫn bình diện đất nước. Thế nhưng ông đã không bền vững đến cùng. Quyền lực và sự thành công đã làm ông bị tha hóa, ông xa rời Thiên Chúa, Đấng mà ông nhìn nhận là đã “đặt ông lên ngôi kế vị Đavít”, Đấng mà ông nài xin Ngài ban cho ông “tâm hồn biết lắng nghe để cai trị dân Chúa và phân biệt phải trái”. Cụ thể là ông xa rời lề luật Chúa, cưới nhiều bà vợ ngoại giáo, rồi để làm vui lòng họ, ông dựng các nơi cao để tôn thờ các thần ngoại giáo (x. 1V 11). Hậu quả là trong những năm cuối đời, vương triều Salomon chìm vào bóng tối, lòng dân ly tán, dẫn đến các cuộc ly khai chính trị và tôn giáo sau khi ông qua đời.

 

3. Từ những ghi nhận trên, có thể rút ra những bài học cụ thể cho đời sống đức tin.

Đâu là chọn lựa nền tảng của tôi? Cuộc sống mỗi người đan kết bằng những chọn lựa lớn, nhỏ; nhưng có một chọn lựa ở nền tảng, âm thầm chi phối và tác động lên những chọn lựa khác. Là Kitô hữu, chắc chắn chọn lựa nền tảng của chúng ta phải là Thiên Chúa và Vương quốc của Ngài; nếu không, sẽ chỉ là Kitô hữu “hữu danh vô thực”, hoặc nói như một nhà thần học, là “Kitô hữu vô thần”.

Chọn lựa đã có nhưng còn phải làm mới lại chọn lựa đó hằng ngày, phải trung thành với chọn lựa đó đến cùng. Đây là thách đố thường xuyên trong đời sống đức tin, vì có rất nhiều cám dỗ lôi kéo chúng ta xa rời Thiên Chúa. Bằng chính kinh nghiệm bản thân, thánh Tông đồ Phêrô khuyên nhủ các tín hữu: “Anh em hãy sống tiết độ và tỉnh thức vì ma quỷ, thù địch của anh em, như sư tử gầm thét, rảo quanh tìm mồi cắn xé” (1P 5,8). Nhờ đó trong ngày tận thế, chúng ta được xếp vào hàng ngũ người công chính, thay vì bị “quăng vào lửa, ở đó sẽ phải khóc lóc nghiến răng” (Mt 13,50).

+ Gm. Phêrô Nguyễn Văn Khảm