16/07/2022
1234
Đức Cha Phêrô suy niệm CN XVI TN năm C 2022: HÀNH ĐỘNG VÀ CẦU NGUYỆN






 











CHÚA NHẬT XVI THƯỜNG NIÊN

St 18,1-10a; Cl 1,24-28; Lc 10,38-42

HÀNH ĐỘNG VÀ CẦU NGUYỆN

 

1. Chúa Nhật tuần trước, Tin Mừng Luca kể chuyện dụ ngôn Người Samari nhân hậu (Lc 10,25-37). Bối cảnh của dụ ngôn là cuộc đối thoại giữa Chúa Giêsu và người thông luật. Ông ta hỏi Chúa Giêsu: “Ai là người thân cận của tôi”? Thay vì đưa ra một định nghĩa, Chúa Giêsu kể câu chuyện về người Samari nhân hậu, rồi Ngài hỏi lại người thông luật: “Theo ông nghĩ, trong ba người đó (thầy tư tế, thầy Lêvi, người Samari), ai đã tỏ ra là người thân cận với người bị rơi vào tay kẻ cướp?”. Khi người thông luật trả lời: “Chính là người đã thực thi lòng thương xót đối với người ấy”, Chúa Giêsu mới nói: “Ông hãy đi và cũng hãy làm như vậy”. Như thế, rõ ràng là Chúa Giêsu muốn nhấn mạnh đến việc yêu thương bằng hành động chứ không chỉ là xót xa trong lòng hay trên môi miệng.

Thế nhưng trong bài Tin Mừng hôm nay (Lc 10,38-42), cũng là câu chuyện nối tiếp ngay sau dụ ngôn Người Samari nhân hậu, xem ra Chúa Giêsu lại phê bình hành động và đề cao việc lắng nghe Lời Chúa. Không những ngài không ca tụng cô Mácta khi thấy cô vất vả trong việc đón khách và đãi khách, mà lại còn có vẻ trách móc: “Matta, Matta ơi! Chị băn khoăn lo lắng nhiều chuyện quá!” (10,41). Và sau đó, Chúa lên tiếng khen ngợi Maria: “Chỉ có một chuyện cần thiết mà thôi. Maria đã chọn phần tốt nhất và sẽ không bị lấy đi” (10,42).

Hai câu chuyện nối tiếp nhau và dường như đối nghịch nhau, một bên đề cao hành động yêu thương, bên kia lại nhấn mạnh sự tĩnh lặng lắng nghe. Phải chăng Chúa Giêsu bất nhất trong giáo huấn của Ngài?

 

2. Nếu đọc kỹ bài Tin Mừng, chúng ta sẽ thấy hai câu chuyện bổ túc cho nhau chứ không tương phản và đối nghịch nhau. Cô Matta rất tốt lành. Như tổ phụ Abraham thịnh tình đón tiếp ba vị khách quý tại cụm sồi Mamrê trong bài đọc 1, Matta cũng hân hoan đón tiếp Chúa Giêsu đến nhà và chị chạy tới chạy lui để lo việc đón tiếp thật chu đáo. Vì “tất bật lo việc phục vụ” nên chị mệt quá và nhất là bực bội, khó chịu khi thấy cô em Maria cứ ngồi đó mà trò chuyện với khách. Rồi chị quay ra trách móc em, và hơn nữa, mắng khéo cả Thầy Giêsu nữa, dù nói rất lịch sự: “Thưa Thầy, em con để một mình con phục vụ mà Thầy không để ý tới sao? Xin Thầy bảo nó giúp con một tay” (10,40). Diễn tả cách bình dân thì chẳng khác gì nói với Chúa Giêsu và cô Maria rằng: Cứ ngồi đấy mà trò với chuyện, người ta mệt muốn chết đây này thì không để ý tới!

Chính ở đây, người đọc phát hiện ra điều quan trọng: cô Matta quý mến và phục vụ Chúa nhưng là theo ý mình chứ không phải theo ý Chúa. Và mỗi chúng ta cũng có thể thấy mình nơi nhân vật Matta này. Ngay trong đời sống cầu nguyện, phải chăng nhiều khi chúng ta cũng muốn uốn nắn Chúa theo ý mình chứ không phải để Chúa uốn nắn chúng ta theo thánh ý Ngài? Chúng ta cầu xin điều này điều khác theo tính toán và ước mong của mình chứ không phải để tìm thánh ý Chúa, còn cầu nguyện đích thực nhiều khi là cả một sự vật lộn với thánh ý Thiên Chúa, như Chúa Giêsu đã trải nghiệm trong Vườn Cây Dầu.

Trong các việc tông đồ, bác ái cũng thế. Chúng ta có thể có những dự tính rất tốt đẹp, nhưng vì thiếu cầu nguyện, những dự định tốt đẹp ban đầu dần dà bị biến mất: thay vì để làm sáng danh Chúa thì lại làm sáng danh bản thân mình; thay vì đi theo nẻo đường của Tin Mừng thì lại tính toán theo kiểu thế gian, và khi đó, những thành công bên ngoài chỉ còn là lớp vỏ che đậy sự mục rữa bên trong.

 

3. Khi ấy, hình ảnh cô Maria “ngồi bên chân Chúa mà nghe lời Người dạy” (10,39) là lời nhắc nhở hết sức cần thiết đến độ Chúa Giêsu gọi là “điều cần thiết duy nhất” (10,42). Đó là hình ảnh của người môn đệ đích thực, khiêm tốn lắng nghe và vâng theo lời Thầy chỉ dạy, để lời ấy dẫn lối và định hướng cho đời sống và mọi hoạt động của mình.

“Trong đời sống Kitô hữu, cầu nguyện và hành động phải liên kết với nhau cách sâu xa. Cầu nguyện mà không dẫn đến hành động cụ thể cho anh chị em mình – người nghèo, người bệnh, người cần trợ giúp, người đang gặp khó khăn – thì lời cầu nguyện ấy chưa đầy đủ và không sinh hoa trái. Cũng thế, nếu không dành giờ để trò chuyện với Chúa trong cầu nguyện, chúng ta có nguy cơ đánh mất mình. Chính nhờ cầu nguyện, nhờ sống thân tình với Chúa mà chúng ta có khả năng để sống và mang tình yêu, lòng thương xót, sự dịu dàng của Chúa đến cho người khác. Cũng vậy, những việc bác ái dẫn chúng ta đến với Chúa vì chính nơi những anh chị em đang thiếu thốn mà chúng ta thấy Chúa” (ĐGH Phanxicô, 21/7/2013).

+ Gm. Phêrô Nguyễn Văn Khảm