18/07/2020
1525
Đức Cha Phêrô suy niệm CN XVI TN A: LÚA VÀ CỎ LÙNG


 














 

LÚA VÀ CỎ LÙNG

Chúa nhật XVI thường niên – Kn 12,13.16-19; Rm 8,26-27; Mt 13,24-43 

 

 

1. Chương 13 trong Tin Mừng Matthêu là một tập hợp các dụ ngôn về Nước Trời. Nước Trời là lời rao giảng đầu tiên của Chúa Giêsu, “Anh em hãy sám hối vì Nước Trời đã đến gần” (Mt 4,17), cũng là sứ điệp trung tâm của lời rao giảng, vì thế khi sai các môn đệ đi truyền giáo, Chúa Giêsu căn dặn : “Dọc đường hãy rao giảng rằng Nước Trời đã đến gần” (Mt 10,7).

Thế nhưng Chúa Giêsu và các môn đệ rao giảng Nước Trời đã lâu mà xem ra vẫn chưa thấy tới. Nước Trời được mô tả là “vương quốc đầy tràn sự thật và sự sống, đầy tràn ân sủng và thánh thiện, đầy tràn tình thương, công lý và bình an” (Kinh Tiền tụng lễ Chúa Kitô Vua), vậy mà đã 20 thế kỷ qua, thế gian vẫn đầy tội lỗi, bất công, chiến tranh, đau khổ! Mà không chỉ thế gian nhưng ngay trong lòng Hội Thánh cũng không thiếu những scandals kể cả từ cấp cao, cũng như những tranh chấp và xung đột giữa các cộng đoàn tín hữu.

Chúa Giêsu đã thấy trước tất cả những vấn nạn đó nên Ngài kể cho chúng ta nghe dụ ngôn hôm nay, ở đó giáo huấn về Nước Trời được trình bày qua hình ảnh thửa đất có cỏ lùng chen lẫn với lúa.

 

2. Hội Thánh được mô tả là Dân Thiên Chúa và dân ấy đang trên đường hành hương hướng tới Nước Trời. Vì vẫn còn trong tình trạng hành hương nên Hội Thánh là thửa đất có cả lúa và cỏ lùng. Chúa Giêsu gieo hạt giống tốt nhưng ma quỷ luôn tìm cách phá hoại công trình của Thiên Chúa, nên “khi mọi người đang ngủ thì kẻ thù lẻn vào gieo thêm cỏ lùng giữa lúa, rồi đi mất” (Mt 13,26).

Đối diện với thực tế đó, phản ứng của các tôi tớ ông chủ trong dụ ngôn là “Ông có muốn chúng tôi nhổ cỏ lùng không?” (13,28). Đó cũng là phản ứng của tiên tri Giôna không muốn đi giảng cho dân Ninivê, vì sợ người ta ăn năn sám hối rồi Chúa lại tha cho họ (x. Giôna 4,1-3)! Đó cũng là phản ứng của các môn đệ Chúa Giêsu : “Thầy có muốn chúng con lấy lửa từ trời xuống thiêu hủy chúng nó không? (Lc 9,54).

Thế nhưng Thiên Chúa phản ứng khác hẳn cách suy nghĩ và hành xử của con người : “Cứ để cả hai cùng lớn lên cho tới mùa gặt. Đến ngày mùa, tôi sẽ bảo thợ gặt gom cỏ lùng lại, bó thành bó mà đốt đi, còn lúa thì thu vào kho lẫm cho tôi”. Nước Trời chỉ hoàn thành trong ngày chung thẩm, ngày “Con Người ngự đến trong vinh quang, có tất cả các thiên sứ theo hầu”; bấy giờ, “các dân thiên hạ sẽ được tập họp trước mặt Ngài. Ngài sẽ tách biệt họ với nhau, như mục tử tách biệt chiên với dê” (Mt 25,31-32), và sẽ có phán quyết tối hậu về từng người. Còn trong hiện tại, “cứ để cả hai cùng lớn lên”.

Thiên Chúa hành xử như thế vì Ngài là Đấng toàn năng và cũng là Cha giàu lòng thương xót như tác giả Sách Khôn Ngoan trình bày rất sâu sắc : “Vì Chúa làm bá chủ vạn vật nên Chúa nương tay với muôn loài…Chúa xử khoan hồng vì Ngài làm chủ được sức mạnh. Ngài lấy lượng từ bi cao cả mà cai quản chúng con, và có thể sử dụng quyền năng bất cứ khi nào Ngài muốn” (Bài đọc 1). Cũng vì quyền năng của Chúa là quyền năng của tình yêu nên Ngài kiên nhẫn để cho mọi người có thời giờ sám hối : “Ngài cho con cái niềm hi vọng tràn trề là người có tội được Ngài ban ơn sám hối”. Chính vì thế, lời đáp ca trong Thánh Lễ là lời tụng ca tình yêu và lòng thương xót của Thiên Chúa : “Phần Ngài, muôn lạy Chúa, Ngài là Thiên Chúa nhân hậu từ bi, giàu tình thương và lòng thành tín” (Tv 85,15).

 

3. Cách hành xử của Thiên Chúa soi sáng cách ứng xử của chúng ta với nhau trong cuộc sống vốn pha trộn ánh sáng và bóng tối, thánh thiện và tội lỗi, tốt đẹp và xấu xa.

Trước hết, phải ý thức rằng quyền xét xử tối hậu là của Thiên Chúa chứ không phải của chúng ta : “Chỉ có một Đấng ra Lề Luật và xét xử, đó là Đấng có quyền cứu thoát và tiêu diệt. Còn anh là ai mà dám xét đóan người thân cận?” (Giac 4,12). Đồng thời, phải ý thức rằng tâm hồn và cuộc đời mỗi người đều có cả lúa và cỏ lùng. Không ai là thiên thần, cũng không ai là ma quỷ, nhưng tất cả đều là những con người có cả ưu điểm lẫn khuyết điểm, cái tốt lẫn cái xấu.

Vì thế, thay vì đòi nhổ cỏ lùng nơi người khác mà quên cỏ lùng trong thửa đất của mình, thì hãy cộng tác với ơn Chúa để chăm sóc mảnh đất tâm hồn mình, để lúa mạnh lên thay vì cỏ lùng phát triển. Hãy bắt đầu bằng những việc nhỏ bé, như hạt cải “là loại nhỏ nhất trong tất cả các hạt giống, nhưng khi lớn lên, lại là thứ rau lớn nhất” (Mt 13,32). Hãy chân thành đồng hành với tha nhân nếu thấy những gì sai trái, để sửa đổi thay vì tiêu diệt. Những hành động tốt đẹp đó, dù nhỏ bé, nhưng là “nắm men được vùi vào ba thúng bột, làm cho bột dậy men” (x. Mt 13,33).

+ Gm. Phêrô Nguyễn Văn Khảm