11/07/2020
1432
Đức Cha Phêrô suy niệm CN XV TN A: GIEO HẠT


 














 

GIEO HẠT

Chúa nhật XV thường niên – Is 55,10-11; Rm 8,18-23; Mt 13,1-23 

 

 

Mọi Kitô hữu, dù ở bậc sống nào, cũng đều có hai bổn phận là đón nhận Lời Chúa và gieo vãi Lời Chúa. Đón nhận Lời Chúa để Lời Chúa thực sự “là ngọn đèn soi cho con bước, là ánh sáng chỉ đường con đi” (Tv 118,105). Gieo vãi Lời Chúa để góp phần vào sứ mạng loan báo Tin Mừng Chúa Giêsu đến tận cùng trái đất. Các bài đọc Kinh Thánh hôm nay soi sáng cả hai bổn phận trên.

 

1. Trước hết là việc đón nhận Lời Chúa. Kinh Thánh Kitô giáo bắt đầu bằng trình thuật Thiên Chúa tạo dựng trời đất bằng Lời quyền năng của Ngài (x. St 1,1-2,4a). Lời Thiên Chúa là Lời quyền năng, Lời hiệu nghiệm, và một lần nữa Thiên Chúa khẳng định điều đó qua miệng tiên tri Isaia trong bài đọc 1 : “Một khi xuất phát từ miệng Ta, lời của Ta sẽ không trở về với Ta nếu chưa đạt kết quả, chưa thực hiện ý muốn của Ta, chưa chu toàn sứ mạng Ta giao phó”.

Thế nhưng vấn đề được đặt ra là tại sao trong cộng đoàn, mọi người cùng lắng nghe Lời Chúa mà nơi người này thì có tác dụng, nơi người khác thì không? Câu trả lời là xét về mặt khách quan, Lời Thiên Chúa thực sự là Lời hiệu nghiệm, nhưng Lời đó có phát huy tác dụng hay không còn tùy vào sự đón nhận của mỗi người. Nói theo ngôn ngữ của dụ ngôn, hạt giống có sinh hoa kết quả hay không còn tùy thuộc mảnh đất đón nhận là vệ đường hay nơi sỏi đá hay bụi gai hay nơi đất tốt. Đó là một thực tế hiển nhiên đến nỗi triết học kinh viện có một định đề : Quiquid recipitur ad modum recipientis recipitur (Điều được đón nhận thì được đón nhận theo tình trạng của cái đón nhận nó).

Để đón nhận Lời Chúa cách hiệu quả, các tín hữu phải đón nhận bằng cả con người của mình, tức là bằng lý trí, ý chí, và hành động. Đón nhận bằng lý trí là học hỏi, tìm hiểu, vì “nghe lời rao giảng Nước Trời mà không hiểu thì quỷ dữ đến cướp đi điều đã gieo trong lòng người ấy”. Đón nhận bằng ý chí vì “nghe mà không đâm rễ sâu, chỉ nông nổi nhất thời, nên khi gặp gian nan hay bị ngược đãi vì Lời thì vấp ngã ngay”. Đón nhận bằng hành động là đem ra thực hành, dù phải chấp nhận những hi sinh và từ bỏ vì nhiều khi “nghe nhưng nỗi lo lắng sự đời và bả vinh hoa phú quý bóp nghẹt Lời”. Đón nhận Lời Chúa bằng cả con người như thế là dọn mảnh đất màu mỡ để hạt giống Lời Chúa có thể sinh hoa kết quả dồi dào.

 

2. Không chỉ đón nhận Lời Chúa, người môn đệ Chúa Giêsu còn có bổn phận gieo vãi Lời Chúa ngay trong cuộc sống hằng ngày của mình: trong gia đình, nơi làm việc, ngoài xã hội. Chúng ta hiểu điều đó nhưng có một thực tế là nhiều khi chúng ta cố gắng hết sức nhưng vẫn không mang lại kết quả như mong ước, có khi còn ngược lại. Thực tế đó khiến người gieo hạt Lời Chúa sinh ra chán nản, thất vọng, tự trách bản thân và đôi khi trách cứ cả Thiên Chúa nữa! Chẳng hạn có những bậc cha mẹ chăm sóc con cái hết mực, dạy dỗ con những điều tốt lành, canh chừng con từng bước đi, thế mà có đứa con vẫn sa vào tệ nạn xã hội, làm cho cả gia đình phải đau khổ.

Những lúc đó, hãy nhớ lại hình ảnh người gieo giống trong dụ ngôn Tin Mừng hôm nay. Người gieo giống trong dụ ngôn đã làm hết sức, nhưng có những hạt rơi xuống vệ đường, bụi gai, hoặc sỏi đá, nên không sinh hoa kết quả. Ngay cả Chúa Giêsu, bậc thầy tuyệt hảo về mọi mặt, đã tận tình dạy dỗ các môn đệ không chỉ bằng lời nói mà còn bằng gương sống và sự đồng hành, thế nhưng trong số các môn đệ vẫn có Giuđa! Thê thảm hơn nữa, khi Chúa chịu chết trên Thánh Giá, trong số các môn đệ, chỉ còn lại một môn đệ là Gioan có mặt dưới chân Thánh Giá, cùng với Đức Mẹ.

Chúng ta không thể nắm chắc kết quả 100% khi gieo vãi Lời Chúa. Có những yếu tố bên ngoài chi phối như môi trường xã hội, trào lưu văn hóa, nhất là có một yếu tố hoàn toàn ở ngoài tầm kiểm soát của chúng ta, đó là sự tự do của mỗi người mà ngay cả Thiên Chúa cũng tôn trọng.

Vì thế hãy cứ cố gắng thi hành bổn phận gieo hạt Lời Chúa. Mùa gặt sẽ tới với sự phong phú không ngờ. Câu kết của dụ ngôn diễn tả niềm vui rất lớn của người gieo vì kết quả gấp nhiều lần kết quả bình thường khi trồng lúa ở Palestine, “hạt được gấp trăm, hạt được sáu chục, hạt được ba chục”. Hãy chiêm ngắm Chúa Giêsu cô đơn trên Thánh Giá nhưng mùa gặt phong phú sẽ đến, là Tin Mừng được loan báo khắp nơi.

 

3. Đón nhận Lời Chúa và gieo vãi Lời Chúa là hai bổn phận của Kitô hữu và hai bổn phận đó đan kết chặt chẽ với nhau, tác động hỗ tương lên nhau. Càng đón nhận Lời Chúa sâu sắc bao nhiêu, chúng ta càng có khả năng gieo vãi Lời Chúa cách phong phú bấy nhiêu. Càng nhiệt tâm gieo vãi Lời Chúa, chúng ta càng cảm nghiệm sự phong phú của Lời Chúa và thêm can đảm để thưa với Chúa : “Này, con đây, xin Chúa sai con” (Is 6, 8).

+ Gm. Phêrô Nguyễn Văn Khảm