01/07/2022
12006
Đức Cha Phêrô suy niệm CN XIV TN năm C 2022: NHƯ CHIÊN GIỮA BÀY SÓI


 














 


CHÚA NHẬT XIV THƯỜNG NIÊN

Is 66,10-14c; Gl 6,14-18; Lc 10,1-12.17-20  


NHƯ CHIÊN GIỮA BÀY SÓI

 


 

1. “Này Thầy sai anh em đi như chiên con đi vào giữa bày sói” (Lc 10,3). Khi sai các môn đệ đi rao giảng Tin Mừng Nước Trời, Chúa Giêsu không giấu giếm những nguy hiểm và đe dọa đang chờ đợi các ông trên đường sứ vụ. “Chiên giữa bày sói” là hình ảnh sống động và cụ thể về những bách hại mà các môn đệ Chúa phải đối diện. Những cuộc bách hại này không chỉ xảy ra vào thời các thánh Tông đồ trong đế quốc Roma hoặc thời các thánh Tử đạo tại Việt Nam, nhưng tình trạng ấy vẫn tiếp tục diễn ra trong suốt chiều dài lịch sử Hội Thánh và ngay cả ngày nay trong một thế giới được cho là văn minh tiến bộ.

Cách cụ thể, đầu năm 2022, Tổ chức quốc tế về Tự do tôn giáo (Open Doors International) công bố Danh sách lưu ý năm 2022 (World Watch List) cho biết việc bách hại tôn giáo tiếp tục gia tăng trên khắp thế giới, nhất là tại các nước Á châu và Phi châu. Hơn 360 triệu người (1/7 dân số thế giới) phải chịu bách hại hoặc kỳ thị vì lý do tôn giáo. Trong số đó, có 5.898 Kitô hữu bị giết, 5.110 nhà thờ bị tấn công hoặc phải đóng cửa, 6.175 Kitô hữu bị bắt giam mà không được xử án, và 3.829 người bị bắt cóc.

Ngoài ra, còn phải nghĩ đến sự bách hại tôn giáo ở một bình diện khác: không chỉ là bắt bớ, đánh đập, tù tội nhưng là cả bầu khí văn hóa chống tôn giáo. Trước đây tại phương Tây, người ta nói đến văn hóa hậu-Kitô nhưng bây giờ là văn hóa chống-Kitô, văn hóa thù nghịch với Kitô giáo, không chỉ đối nghịch về mặt tư duy mà còn tấn công và triệt hạ bằng nhiều cách (nói khác đi thì bị bịt miệng, mất việc, bị mọi người cười chê….). Nói tóm lại như Đức Giáo hoàng Phanxicô, ngày nay chúng ta sống trong nền văn hóa thế tục, cá nhân chủ nghĩa, và chống Kitô giáo. Trong môi trường văn hóa đó, sống đức tin Kitô giáo và loan báo những giá trị Tin Mừng là cả một thách thức lớn, như chiên giữa bày sói.

2. Trong bối cảnh đó, các môn đệ Chúa phải ứng xử ra sao? Chúa Giêsu sai các môn đệ đi để đem bình an đến cho mọi người: “Vào bất cứ nhà nào, trước tiên hãy nói: Bình an cho nhà này” (Lc 10,5); để chữa lành những thương tích: “Hãy chữa những người đau yếu trong thành”; để loan báo Triều đại Thiên Chúa: “Hãy nói với họ: Triều đại Thiên Chúa đã đến gần các ông” (Lc 10,9).

Vì loan báo bình an và ơn chữa lành nên cách ứng xử của các môn đệ cũng phải thể hiện sự bình an ấy. Thánh Phaolô trải nghiệm đủ thứ gian nan thử thách khi rao giảng Tin Mừng và bằng chính kinh nghiệm bản thân, ngài nhắn nhủ người môn đệ là Timôthê: “Người tôi tớ Chúa thì không được cãi cọ nhưng phải dịu dàng với mọi người, có khả năng giảng dạy, biết chịu đựng đau khổ. Người ấy phải lấy sự hiền hòa mà giáo dục những kẻ chống đối, biết đâu Thiên Chúa lại chẳng ban cho họ ơn sám hối để nhận biết chân lý” (2Tm 2,24-25). Thánh Phêrô cũng thế, ngài sống vào thời Kitô giáo bị bách hại dữ dội nhưng chính ngài khuyên dạy các tín hữu: “Hãy luôn luôn sẵn sàng trả lời cho bất cứ ai chất vần về niềm hi vọng của anh em. Nhưng phải trả lời cách hiền hòa và với sự kính trọng. Hãy giữ lương tâm ngay thẳng, khiến những kẻ phỉ báng anh em vì anh em ăn ở ngay thẳng trong Đức Kitô, thì chính họ phải xấu hổ vì những điều họ vu khống” (1Pet 3,15-16).

Cùng với cách ứng xử hiền hòa và nhân hậu là thái độ siêu thoát được Chúa Giêsu diễn tả cụ thể: “Đừng mang theo túi tiền, bao bị, giày dép” (10,4). Lời nhắn nhủ này cảnh báo các môn đệ về nguy cơ thi hành sứ vụ bằng đường lối thế gian, theo những tính toán thế gian. Đường lối ấy có thể đem lại những thành quả trước mắt (nhiều người theo đạo) nhưng về lâu về dài là sự thất bại, và ở chiều sâu, có thể là mất phẩm chất Tin Mừng và bản sắc của Đạo.

3. Hơn ai hết, Chúa Giêsu là Đấng được Chúa Cha sai đến thế gian như chiên đi vào giữa bày sói. Ngài đến để bày tỏ tình yêu Thiên Chúa cho thế gian và hòa giải thế gian với Thiên Chúa. Nhưng bày sói không ngừng tấn công Ngài bằng đủ mọi cách: quyến rũ, lôi kéo, đe dọa, vu khống, hành hạ…và cuối cùng đóng đinh Ngài vào thập giá.

Khi nói với các môn đệ: “Này Thầy sai anh em đi như chiên đi vào giữa bày sói”, Chúa Giêsu không đưa ra một mệnh lệnh lý thuyết nhưng là truyền tải kinh nghiệm sống. Chúa Giêsu là mô hình lý tưởng cho tất cả chúng ta trên đường thi hành sứ vụ. Chúa không chỉ nêu gương nhưng còn đồng hành và là nguồn trợ lực cho chúng ta: “Này đây Thầy ở với anh em mọi ngày cho đến tận thế”. Vì vậy, đừng sợ hãi nhưng hãy phấn khởi gieo bước hành trình.

+ Gm. Phêrô Nguyễn Văn Khảm