04/07/2020
1622
Đức Cha Phêrô suy niệm CN XIV TN A: QUYỀN NĂNG CỦA TÌNH YÊU


 














 

QUYỀN NĂNG CỦA TÌNH YÊU

Chúa nhật XIV thường niên – Dcr 9,9-10; Rm 8,9.11-13; Mt 11,25-30 


 

1. Khi nhận định về hiện tượng vô thần trong thế giới ngày nay, hiến chế Vui Mừng & Hi Vọng viết : “Có thể các tín hữu phải chịu phần trách nhiệm không nhỏ trong việc làm nẩy sinh chủ thuyết vô thần, hoặc bởi xao lãng việc giáo dục đức tin, hoặc vì trình bày sai lạc về giáo lý, hoặc do những thiếu sót trong đời sống tôn giáo, đạo đức và xã hội; có thể nói lúc đó họ che giấu hơn là bày tỏ bộ mặt đích thực Thiên Chúa và tôn giáo” (số 19). Nhận định này hàm chứa hai điều : (1) các tín hữu tin Chúa nhưng Đấng mà họ nghĩ rằng họ tin không hẳn là Thiên Chúa đích thực như được mặc khải nơi Chúa Giêsu Kitô; (2) vì hiểu sai về Thiên Chúa và sống không đúng với niềm tin nên các tín hữu có thể trở thành nguyên cớ khiến người khác phủ nhận Thiên Chúa.

Như thế, một câu hỏi tưởng là lý thuyết nhưng lại rất quan trọng vẫn cần được đặt ra cho các tín hữu : Thiên Chúa là ai? Đây là câu hỏi quan trọng vì quan niệm và hình ảnh chúng ta có về Thiên Chúa sẽ chi phối và định hướng cách sống đạo của mình, như một tác giả đã nói : “Hãy nói cho tôi biết Thiên Chúa là ai đối với bạn, tôi sẽ cho bạn biết bạn là ai?” Mỗi người đều có thể hình dung Thiên Chúa theo suy luận và trí tưởng tượng của mình, chỉ có Chúa Giêsu mới bày tỏ khuôn mặt đích thực của Thiên Chúa : “Không ai biết rõ Chúa Cha, trừ Người Con và kẻ mà Người Con muốn mặc khải cho”. Vậy, Chúa Giêsu mặc khải dung nhan Thiên Chúa ra sao cho những kẻ tin Ngài? Dung nhan ấy tác động trên đời sống đức tin ra sao?

 

2. Trong bài Tin Mừng, Chúa Giêsu cất tiếng nói : ”Lạy Cha là Chúa tể trời đất, con xin ngợi khen Cha vì Cha đã giấu không cho bậc khôn ngoan thông thái biết mầu nhiệm Nước Trời, nhưng lại mặc khải cho những người bé mọn”.

Chúa Giêsu xưng tụng Chúa Cha là Chúa tể trời đất, nghĩa là Chúa tể của toàn bộ công trình tạo dựng, của tất cả những gì hiện hữu, của mọi loài thụ tạo thiêng liêng và vật chất (x. SGLHTCG 326-327). Ở trần thế này, nhân vật nào có quyền lực lớn lắm cũng chỉ là người đứng đầu một cường quốc hay một đế quốc là cùng, chứ không thể là Chúa tế cả cõi đất, huống chi “cả trời và đất”! Vì thế danh hiệu “Chúa tể trời đất” diễn tả quyền năng tuyệt đối của Thiên Chúa, Đấng gọi mọi sự từ hư vô đi vào hiện hữu, quyền năng của Ngài bao trùm vũ trụ.

Thế nhưng Đấng được xưng tụng là Chúa tể trời đất lại là Đấng chăm sóc và gần gũi những kẻ bé mọn : “Cha đã giấu không cho bậc khôn ngoan thông thái biết mầu nhiệm Nước Trời nhưng lại mặc khải cho những người bé mọn”. Cũng thế trong bài đọc 1 tiên tri Dacaria loan báo về Đức Vua được gọi là Đấng chính trực, Đấng toàn thắng, thống trị từ biển này qua biển nọ, nhưng vị vua uy quyền ấy lại “khiêm tốn ngồi trên lưng lừa, một con lừa con vẫn còn theo mẹ”. Hình ảnh này được thể hiện cách sống động nơi Chúa Giêsu khi Ngài ngồi trên lưng lừa, vào thành Giêrusalem trong vinh quang (Mt 21,6-7). Và vị vua hiền lành ấy cất tiếng kêu gọi : “Hãy học cùng Ta vì Ta hiền hậu và khiêm nhường trong lòng”.

Quả là hình ảnh hoàn toàn đối nghịch với những gì chúng ta thường hình dung về vua chúa và về quyền lực. Nói đến vua chúa là nói đến quyền lực và quyền lực đó thường gắn với kiêu căng, tàn bạo. Hình ảnh của Nêrô, Tần Thủy Hoàng, Hiltler, Staline vẫn còn in đậm trong lịch sử. Còn ở đây, Thiên Chúa vừa tỏ mình ra là “Chúa tể trời đất” lại vừa bày tỏ sự khiêm tốn gần gũi với dân nghèo, những kẻ bé mọn, và kêu gọi sống theo gương Ngài : “Hãy học cùng Ta vì Ta hiền hậu và khiêm nhường trong lòng”.

 

3. Làm thế nào để giải thích sự tương phản đó? Hãy nhìn vào đời sống gia đình. Trong gia đình, người có quyền lớn nhất là cha mẹ, và các bậc cha mẹ làm gì để thể hiện quyền lực của mình? Thưa, không phải bằng sự tàn bạo và kiêu căng nhưng bằng sự phục vụ : làm việc quần quật để con cái đủ ăn đủ mặc, về đến nhà lại lo cơm nước cho con, giặt giũ cho con, hầu hạ con như người tôi tớ. Chỉ có tình thương mới giải thích được sự đối nghịch đó : người có quyền lực nhất lại là người phục vụ.

Cũng thế, chỉ có tình thương mới giúp chúng ta hiểu được thế nào là quyền năng của Thiên Chúa. Đúng, Thiên Chúa là Chúa tể trời đất, quyền năng của Ngài là quyền năng tuyệt đối, nhưng đó là quyền năng của tình yêu, tình yêu đi đến cùng, đến nỗi chấp nhận chết vì người mình yêu.

Tin vào Thiên Chúa như thế mời gọi các tín hữu mang lấy ách của Chúa (Mt 11,29). Ách ở đây là lề luật của Chúa. Đã gọi là ách thì phải nặng nề nhưng đây lại là ách êm ái, vì Chúa không ban lề luật để áp bức nhưng để dẫn lối vào đời sống tốt lành. Cũng như các bậc cha mẹ dạy con cái phải giữ kỷ luật trong gia đình, không phải vì hận thù hay ghét bỏ nhưng vì muốn điều tốt cho con.

Đồng thời, hãy theo gương Chúa để cư xử với nhau bằng sự hiền hòa và khiêm nhường, sự khiêm nhường phát xuất từ trong tâm hồn chứ không chỉ là nhún nhường xã giao bên ngoài. Lối sống đó sẽ đem lại sự thư thái bình an cho tâm hồn, và làm cho niềm bình an đó lan tỏa đến những người khác trong môi trường người tín hữu sinh sống và làm việc.

+ Gm. Phêrô Nguyễn Văn Khảm