20/06/2020
1342
Đức Cha Phêrô suy niệm CN XII TN A: ĐỪNG SỢ


 














 

ĐỪNG SỢ

Chúa nhật XII thường niên – Gr 20,10-13; Rm 5,12-15; Mt 10,26-33  

   

Chỉ trong bài Tin Mừng ngắn (Mt 10,26-33) mà 3 lần Chúa Giêsu lặp lại câu “Đừng sợ”. Sẽ ngạc nhiên hơn nữa nếu biết rằng trong toàn bộ Kinh Thánh, lệnh truyền “đừng sợ” được nói tới 365 lần! Tại sao lệnh truyền này lại được nhấn mạnh như thế? Đừng sợ ai? Đừng sợ cái gì? Động lực nào có thể giúp người môn đệ Chúa Giêsu vượt qua sự sợ hãi? Hãy lắng nghe các bài đọc Kinh Thánh hôm nay trả lời ra sao.

 

1. Bài đọc 1 là trích đoạn trong sách Giêrêmia, khi tiên tri bày tỏ tâm sự về việc thi hành sứ mạng rao giảng Lời Chúa. Giêrêmia được Chúa gọi và sai đi : “Trước khi cho ngươi thành hình trong lòng mẹ, Ta đã biết ngươi; trước khi ngươi lọt lòng mẹ, Ta đã thánh hóa ngươi. Ta đặt ngươi làm tiên tri cho chư dân…Ta sai ngươi đi đâu, ngươi cứ đi; Ta truyền cho ngươi nói gì, ngươi cứ nói” (Gier 1,5-7). Giêrêmia nhiệt thành thi hành sứ mạng được trao phó, thế nhưng khi ông loan báo Lời Chúa thì không những không được đón nhận mà còn gặp biết bao chống đối, sỉ vả, thậm chí âm mưu giết hại ông, đến nỗi ông kêu lên : “Suốt ngày con đã nên trò cười cho thiên hạ, để họ nhạo báng con”, và ông chán nản đến mức nguyền rủa cả ngày chào đời của mình : “Thật đáng nguyền rủa ngày tôi được sinh ra, ngày mẹ sinh tôi ra đời không đáng được chúc phúc” (20,14).

Tâm sự của tiên tri Giêrêmia cho thấy rao giảng Lời Chúa không phải là một sứ mạng dễ dàng, vì người rao giảng phải đối diện với nhiều chống đối khi Lời Chúa chất vấn quan niệm, lối sống, quyền lợi của người đời. Sự chống đối có thể leo thang tới mức đe dọa mạng sống, khiến người rao giảng sợ hãi, chán nản, bỏ cuộc. Khi đó sẽ hiểu tại sao “Đừng sợ” là lệnh truyền cần thiết và quan trọng trong Kinh Thánh.

 

2. Đây cũng là lý do Chúa Giêsu trấn an các môn đệ khi sai các ông đi loan báo Tin Mừng. Bài Tin Mừng trong Thánh Lễ là một trích đoạn trong bài giảng của Chúa Giêsu về sứ mạng truyền giáo. Chúa Giêsu sai các môn đệ đi rao giảng (x. Mt 10,1-5), và trước khi các môn đệ lên đường, Chúa đưa ra những chỉ thị cho việc truyền giáo. Ngài không che giấu những nguy hiểm đang chờ đợi các môn đệ trên đường sứ vụ: “Thầy sai anh em đi như chiên đi vào giữa bày sói… Hãy coi chừng người đời. Họ sẽ nộp anh em cho các hội đồng, và sẽ đánh đập anh em trong các hội đường của họ” (10,16-17). Đồng thời Ngài trấn an và khích lệ các môn đệ: “Đừng sợ những kẻ giết được thân xác mà không giết được linh hồn, nhưng hãy sợ Đấng có thể tiêu diệt cả hồn lẫn xác trong hỏa ngục” (10,28).

Những gì Chúa Giêsu báo trước đã trở thành hiện thực trong suốt chiều dài lịch sử Hội Thánh. Ngay từ những ngày đầu, các Tông đồ đã gặp sự chống đối quyết liệt của các lãnh đạo tôn giáo đương thời. Họ điệu các ngài ra Thượng hội đồng, tống giam trong ngục, ra lệnh không được giảng về Danh Chúa Giêsu nữa, nhưng các Tông đồ trả lời: “Phải vâng lời Thiên Chúa hơn là vâng lời các ông!” (Cv 4,18-19). Thực tế đó vẫn tiếp tục diễn ra trong suốt lịch sử Hội Thánh, đến tận hôm nay, trong thời đại được coi là văn minh tiến bộ, và quyền tự do tôn giáo được chính thức nhìn nhận trong Hiến Pháp của nhiều đất nước.

 

3. Sống Lời Chúa và loan báo Tin Mừng là sứ mạng không dễ dàng, đòi hỏi phải dũng cảm. Trong thời đại ngày nay, có lẽ các Kitô hữu không phải chịu bách hại theo nghĩa là bắt bớ, tù đày, đánh đập, nhưng có thứ bách hại âm thầm mà không kém phần quyết liệt, đó là sự thay đổi trong văn hóa và lối sống của con người thời đại. Chẳng hạn, cách đây vài chục năm, ly dị, phá thai, hôn nhân đồng tính là những chuyện hiếm thấy, nhưng ngày nay những chuyện đó trở thành bình thường, ở nhiều nơi, còn được hợp pháp hóa – hơn nữa, còn được cổ võ! Đức Bênêđictô XVI hoàn toàn có lý khi dùng cụm từ ‘sự độc tài của chủ nghĩa tương đối’ để mô tả bầu khí văn hóa thời đại hiện nay. Trong bối cảnh đó, sống theo Lời Chúa quả là lội ngược dòng, và nếu kêu gọi người ta đừng phá thai, đừng ly dị, đừng ủng hộ hôn nhân đồng tính… không chừng sẽ bị cho là quê mùa, lạc hậu, có khi còn bị kết tội “hate speech” (phát biểu thù ghét) theo pháp luật.

Chính lúc đó, Kitô hữu mới cảm nhận lời kêu gọi “đừng sợ” của Chúa Giêsu cụ thể và gần gũi ra sao: “Nếu chúng ta không bao giờ trải nghiệm sự vất vả và hi sinh khi tuyên xưng và sống đức tin, nếu chúng ta không bao giờ phải ‘tuyên xưng Chúa Giêsu’ theo nghĩa là phải có lập trường khác với đám đông, thì liệu chúng ta đã thực sự lắng nghe Tin Mừng mà chúng ta lãnh nhận khi chịu Phép Rửa chưa?” (Brendan Byrne, SJ). Cũng vậy, sứ giả Tin Mừng cần phải dũng cảm khi thi hành sứ mạng : “Hãy rao giảng Lời Chúa, hãy lên tiếng, lúc thuận lợi cũng như lúc không thuận lợi… Sẽ đến thời người ta không còn chịu nghe giáo lý lành mạnh, nhưng theo những dục vọng của mình mà tìm kiếm những kẻ làm cho họ vui tai và thỏa mãn tình tư dục. Phần anh, hãy thận trọng trong mọi sự, hãy chịu đựng đau khổ, làm công việc của người loan báo Tin Mừng và chu toàn chức vụ của mình” (2Tm 4,2-5).

Động lực lớn nhất giúp Kitô hữu vượt qua nỗi sợ hãi là niềm xác tín rằng chính Thiên Chúa mới là Chủ của sự sống và lịch sử. Vì thế, “Đừng sợ những kẻ giết được thân xác mà không giết được linh hồn, nhưng hãy sợ Đấng có thể tiêu diệt cả hồn lẫn xác trong hỏa ngục” (10,28). Chính niềm xác tín đó ban tặng sức mạnh để môn đệ Chúa Giêsu vượt qua nỗi sợ hãi và chu toàn sứ mạng làm chứng và loan báo Tin Mừng cho đến tận cùng bờ cõi trái đất.

+ Gm. Phêrô Nguyễn Văn Khảm