26/02/2022
1657
Đức Cha Phêrô suy niệm CN VIII TN C 2022: VUN TRỒNG NỘI GIỚI


 














 


CHÚA NHẬT VIII THƯỜNG NIÊN

Hc 27,4-7; 1Cr 15,54-58; Lc 6,39-45  


VUN TRỒNG NỘI GIỚI

   

 

1. Leonardo Boff, nhà thần học người Brazil, kể về cuộc trò chuyện của ông với Dalai Lama, nhân vật tôn giáo có tầm ảnh hưởng lớn trên thế giới.

Ông hỏi: “Thưa ngài, tôn giáo nào là tốt nhất?”

Dalai Lama trả lời: “Tôn giáo tốt nhất là tôn giáo giúp bạn đến gần Thiên Chúa nhất. Đó là tôn giáo làm cho bạn thành người tốt hơn”.

Khi Leonardo Boff hỏi tiếp: “Điều gì khiến tôi nên tốt hơn?” Dalai Lama nói:

“Bất cứ điều gì làm cho bạn biết đồng cảm hơn,

tôn trọng lẽ phải hơn, siêu thoát hơn,

yêu thương hơn, nhân đạo hơn,

có trách nhiệm hơn, đạo đức hơn.

Tôn giáo nào mang lại những điều đó cho bạn thì đó là tôn giáo tốt nhất”.

Dalai Lama còn nói thêm: “Tôi không quan tâm đến tôn giáo của bạn hoặc bạn có tôn giáo hay không. Điều thực sự quan trọng đối với tôi là cách ứng xử của bạn với đồng nghiệp, gia đình, công việc, cộng đoàn, và thế giới”. 

Câu trả lời của Dalai Lama rất gần với giáo huấn của Chúa Giêsu: “Xem quả thì biết cây. Không có cây nào tốt mà lại sinh quả sâu, cũng chẳng có cây nào sâu mà lại sinh quả tốt. Ở bụi gai, làm sao bẻ được vả; trong bụi rặm, làm gì hái được nho” (Lc 6, 43-44). Tôn giáo chân chính không được đánh giá dựa trên cơ sở vật chất, tiềm lực kinh tế, kể cả khối lượng tri thức, nhưng dựa trên ảnh hưởng tinh thần và đạo đức như Dalai Lama kể ra: đồng cảm, tôn trọng lẽ phải, siêu thoát, yêu thương, nhân đạo, có trách nhiệm, đạo đức. Chúng ta cũng gặp những giá trị đạo đức này rất nhiều trong Kinh Thánh, và thánh Phaolô gọi là hoa quả của Thánh Thần (x. Gl 5, 22-23).

2. Chúa Giêsu không chỉ dừng lại ở đó nhưng Ngài còn chỉ cho chúng ta thấy đâu là cội nguồn của những hoa quả đạo đức thánh thiện: “Người tốt thì lấy ra cái tốt từ kho tàng của lòng mình; kẻ xấu thì lấy ra cái xấu từ kho tàng xấu. Vì lòng có đầy miệng mới nói ra” (Lc 6,45). Vì thế, để có quả tốt, cần vun trồng nội giới, thanh tẩy tâm hồn.

Bước đầu tiên và căn bản là phải “biết mình”. Vì không biết mình nên dễ rơi vào lối sống giả hình: “Hởi kẻ đạo đức giả! Lấy cái xà ra khỏi mắt ngươi trước đã, rồi sẽ thấy rõ để lấy cái rác trong con mắt người anh em” (Lc 6,42). Không biết mình nên dễ dàng xét đoán người khác: “Sao anh lại có thể nói với người anh em: Này anh, hãy để tôi lấy cái rác trong con mắt anh ra, trong khi chính mình lại không thấy cái xà trong con mắt của mình” (Lc 6,42).

3. Để biết mình, phải thường xuyên đối diện với chính mình, với Thiên Chúa, và với Chúa Giêsu. Đối diện với chính mình là tôi nhìn tôi. Tôi vừa là chủ thể nhìn vừa là đối tượng bị nhìn. Muốn nhìn một sự vật, cần một khoảng cách. Dí một quyển sách vào sát mắt thì không thấy gì và không đọc được gì. Cũng thế, để nhìn vào chính mình, cần một khoảng cách nội tâm. Khoảng cách ấy chỉ có thể hình thành trong cõi lặng. Cuộc sống hôm nay quá ồn ào, ồn ào bên ngoài và cả bên trong. Cuộc sống càng ồn ào, người môn đệ Chúa lại càng cần tập thói quen trở về cõi lặng, để có thể nhìn thấy mình rõ hơn.

Đối diện với chính mình mà thôi thì chưa đủ, bởi lẽ con người có khuynh hướng biện hộ cho mình. Trong khoa tâm lý, người ta nói đến “cơ chế tự vệ”, nghĩa là khuynh hướng tự nhiên trốn tránh nỗi đau bằng cách biện hộ cho mình. Cũng một tội nhưng nếu người khác phạm thì tôi lên án, còn nếu tôi phạm thì tôi tìm cách biện hộ. Cái rác trong con mắt của người anh em, tôi nhìn thấy rõ, còn cái xà trong mắt mình, tôi không thấy vì không muốn thấy. Chính vì thế, cần đối diện với Thiên Chúa, đối diện với chuẩn mực khách quan như tấm gương soi, để có thể chân thành khám phá cái xà trong mắt mình.

Cuối cùng là đối diện với Chúa Giêsu. Chúa Giêsu là hình ảnh hữu hình của Thiên Chúa vô hình, nên cũng là mô hình mẫu của loài người được tạo dựng theo hình ảnh Thiên Chúa. Đối diện với giáo huấn và cách sống của Chúa Giêsu không chỉ là phương thế giúp ta thấy con-người-mà-tôi-đang-là”, mà còn thấy đâu là con-người-mà-tôi-phải-trở-thành.

Biết mình là bước căn bản và cũng là bước thường xuyên, bởi lẽ cuộc sống cũng như dòng sông không ngừng chảy, nên phải xét mình hằng ngày để biết mình của ngày hôm nay như thế nào, nhờ đó biết sửa mình để nên giống Chúa Giêsu hơn, cũng có nghĩa là trở thành “người” hơn.

+ Gm. Phêrô Nguyễn Văn Khảm