21/05/2022
6915
Đức Cha Phêrô suy niệm CN VI PS năm C 2022: THÁNH THẦN TRONG HỘI THÁNH


 














 


CHÚA NHẬT VI PHỤC SINH

Cv 15,1-2.22-29; Kh 21,10-14.22-23; Ga 14,23-29  


THÁNH THẦN TRONG HỘI THÁNH



 

1. Bài đọc 1 kể lại một sự kiện quan trọng thời Hội Thánh sơ khai, sự kiện có tính quyết định cho tương lai của Kitô giáo lúc ấy còn non trẻ. Các Tông đồ là người Do Thái, những người đầu tiên nghe các ngài rao giảng và tin vào Chúa Giêsu cũng là người Do Thái. Tuy nhiên theo thời gian, đã có những người thuộc “dân ngoại” cũng xin chịu Phép Rửa và gia nhập Hội Thánh. Vấn đề đặt ra là những người này có phải chịu phép cắt bì theo tục lệ Môsê không? Nếu họ cũng phải chịu phép cắt bì như người Do Thái thì ơn cứu độ là do việc cắt bì hay do đức tin vào Chúa Giêsu Kitô? Sách Công Vụ ghi nhận rằng cộng đoàn Kitô hữu ở Antiochia tranh luận về vấn đề này rất gay go. Vậy, vấn đề đã được giải quyết ra sao?

Theo sách Công Vụ, cộng đoàn ở Antiochia “đã cử ông Phaolô, Barnaba và một vài người khác lên Giêrusalem gặp các Tông đồ và kỳ mục để bàn về vấn đề này” (15,2). Khi phái đoàn đến Giêrusalem và trình bày vấn đề thì cuộc tranh luận lại tiếp tục ở Giêrusalem. Sau khi các Tông đồ và kỳ mục ở Giêrusalem xem xét vấn đề, thánh Phêrô chính thức lên tiếng, khẳng định rằng: “Chính nhờ ân sủng của Chúa Giêsu mà chúng ta tin mình được cứu độ, cùng một cách như dân ngoại” (15,11). Sau đó, ngài và các Tông đồ đưa ra quyết định, rồi cử một vài người cùng đi với phái đoàn về Antiochia và thông báo chính thức: “Thánh Thần và chúng tôi đã quyết định không đặt lên vai anh em một gánh nặng nào khác ngoài những điều cần thiết này là kiêng ăn những đồ đã cúng cho ngẫu tượng, kiêng ăn tiết, ăn thịt loài vật không cắt tiết, và tránh gian dâm” (15,28). Nếu không có quyết định này, liệu Kitô giáo có mở ra và phát triển như đã thấy trong lịch sử không, hay cũng chỉ là tôn giáo riêng của dân Do Thái?

2. Nhìn lại diễn tiến giải quyết vấn đề, có thể thấy những giai đoạn chính. Đầu tiên là tranh luận: tại Antiochia cũng như tại Giêrusalem đều xảy ra cuộc tranh luận sôi nổi và gay gắt về vấn đề này, vì đó là vấn đề chạm tới nền tảng của đức tin cũng như cuộc sống riêng của mỗi người.

Sau đó, các Tông đồ và các kỳ mục xem xét. Ở đây xuất hiện vai trò lãnh đạo của Thánh Phêrô khi ngài tuyên bố: “Ngay từ những ngày đầu, Thiên Chúa đã chọn tôi giữa anh em, để các dân ngoại được nghe lời Tin Mừng từ miệng tôi và tin theo” (15, 7). Tiếng nói của Phêrô có tính quyết định. Hội Thánh là một cộng đoàn có phẩm trật do chính Chúa thiết lập, với người đứng đầu là Phêrô, để phục vụ công cuộc loan báo Tin Mừng cho muôn dân.

Trong quyết định của các Tông đồ, vai trò của Chúa Thánh Thần được làm nổi bật: “Thánh Thần và chúng tôi đã quyết định…” (15,28). Chúng ta còn gặp công thức “Thánh Thần cùng với chúng tôi” ở nhiều nơi khác. Khẳng định đó hiện thực hóa lời của Chúa Giêsu nói với các môn đệ trong bữa Tiệc Ly: “Đấng Bảo Trợ là Thánh Thần Chúa Cha sẽ sai đến nhân danh Thầy, Đấng đó sẽ dạy anh em mọi điều và sẽ làm cho anh em nhớ lại mọi điều Thầy đã nói với anh em” (Ga 14,26). Thật vậy, Chúa Thánh Thần luôn hiện diện và hoạt động trong Hội Thánh và qua Hội Thánh. Đối diện với những vấn đề mới, chưa xảy ra khi Chúa Giêsu còn tại thế, Thánh Thần giúp Hội Thánh “nhớ lại” và đào sâu Lời Chúa để tìm ra cách giải quyết phù hợp với thánh ý Thiên Chúa.

3. Phương cách làm việc thời các Tông đồ vẫn tiếp diễn trong lịch sử Hội Thánh, cụ thể là qua các Công đồng chung, cách riêng trong những ngày này khi chúng ta nói về Hội Thánh hiệp hành, nghĩa là mọi người cùng đi với nhau trên đường tiến đến Nước Trời.

Việc “cùng đi với nhau” được thực hiện cách cụ thể qua sự gặp gỡ, lắng nghe, và phân định; xin được gọi là linh đạo hiệp hành. Gặp gỡ để biết nhau hơn và kết mối tương giao chứ không chỉ là những con số trên bản thống kê. Lắng nghe nhau vì cuộc sống rất đa dạng và phức tạp, và mỗi người chỉ nhìn thấy một góc cạnh. Phân định để dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần, Đấng làm cho Hội Thánh “nhớ lại” lời của Chúa Giêsu, chúng ta có thể nhận ra đâu là thánh ý Thiên Chúa khi phải giải quyết rất nhiều vấn đề trong một thế giới không ngừng biến chuyển.

Phương cách làm việc trên không chỉ áp dụng cho Hội Thánh ở cấp độ hoàn vũ nhưng còn phải được bắt đầu từ cấp độ nhỏ là giáo xứ, cộng đoàn dòng tu, hội đoàn tông đồ. Phương cách ấy sẽ giúp chúng ta đón nhận niềm bình an mà Chúa Giêsu ban tặng: “Thầy để lại bình an cho anh em, Thầy ban cho anh em bình an của Thầy” (15,27).

+ Gm. Phêrô Nguyễn Văn Khảm