05/06/2021
7966
Đức Cha Phêrô suy niệm CN LỄ MÌNH MÁU THÁNH CHÚA KITÔ


 














 

LỄ MÌNH MÁU THÁNH CHÚA KITÔ

Xh 24,3-8; Hr 9,11-15; Mc 14,12-16.22-28
 

GIAO ƯỚC THÁNH THỂ

 

 

1. Các bài đọc trong Thánh Lễ đều nói đến giao ước. Trong bài đọc 1, tác giả sách Xuất Hành kể lại việc Thiên Chúa ký kết giao ước với dân Israel. Ông Môsê đọc Sách giao ước cho dân nghe, lấy máu rẩy lên dân và nói: Đây là máu Giao ước Chúa đã lập với anh em, dựa trên những lời này (x. Xh 24,3-8).

Trong bài Tin Mừng, thánh Marcô tường thuật việc Chúa Giêsu lập Bí tích Thánh Thể. Ngài “cầm lấy bánh, dâng lời chúc tụng, rồi bẻ ra, trao cho các ông và nói: Các con hãy cầm lấy mà ăn, đây là mình Thầy. Và Ngài cầm chén rượu, dâng lời tạ ơn, rồi trao cho các ông, và tất cả các ông đều uống chén này. Ngài bảo các ông: Đây là Máu Thầy, Máu Giao ước, đổ ra vì muôn người” (Mc 14,22-24).

Bài đọc 2 trích Thư gửi tín hữu Do Thái là một suy tư thần học về Giao ước mới, được thực hiện nơi Đức Giêsu Kitô: “Đức Kitô là trung gian của Giao Ước mới, lấy cái chết của mình mà chuộc tội lỗi người ta đã phạm trong thời giao ước cũ, và đem lại cho những ai được Thiên Chúa kêu gọi quyền lãnh nhận gia nghiệp vĩnh cửu Thiên Chúa đã hứa” (Hr 9,15).

2. Quả thật, giao ước là chủ đề chính yếu trong toàn bộ Kinh Thánh Kitô giáo. Để cảm nhận phần nào ý nghĩa của giao ước và sống ý nghĩa ấy, xin mượn hình ảnh thân quen với hầu hết các tín hữu, là hình ảnh giao ước hôn nhân. Không có kinh nghiệm nhân sinh nào có thể diễn tả trọn vẹn những điều thuộc về Thiên Chúa, tuy nhiên trong Kinh Thánh, không ít lần tình yêu vợ chồng được vận dụng để diễn đạt mối quan hệ của Thiên Chúa với dân Ngài. Vì thế, dù giới hạn, hãy nhìn vào giao ước hôn nhân để suy nghĩ và sống giao ước với Thiên Chúa.

Đâu là những yếu tố căn bản trong giao ước hôn nhân? Chắc chắn trước hết phải nói đến tình yêu. Chính tình yêu liên kết hai người nam-nữ đến với nhau và hiến thân cho nhau, đến nỗi họ “không còn là hai nhưng là một xương một thịt” (Mt 19,6). Đồng thời trong tình yêu đã hàm chứa niềm tin, tin vào sự trung thực và chân thành của người bạn đời. Tình yêu và niềm tin ấy dẫn đôi bạn đến chỗ ký kết với nhau một giao ước, và trong giao ước hàm chứa lời cam kết một vợ một chồng, trung tín và chung thủy với nhau đến trọn đời: “Xin nhận anh/em làm chồng/vợ, hứa giữ lòng chung thủy với anh/em, khi thịnh vượng cũng như lúc gian nan, khi mạnh khỏe cũng như lúc đau yếu, để yêu thương và tôn trọng anh/em mọi ngày suốt đời tôi”.

Cũng vậy, khi chịu Phép Rửa tội, trở thành Kitô hữu là chúng ta ký kết giao ước với Thiên Chúa. Giao ước ấy khởi đi từ đức tin, không chỉ tin rằng Thiên Chúa hiện hữu nhưng còn tin rằng Ngài yêu thương tôi đến nỗi hiến mạng sống cho tôi (x. Gal 2,20). Vì tin vào tình yêu Thiên Chúa nên chúng ta ký kết giao ước với Ngài. Với dân Israel xưa, ký kết Giao ước hàm chứa lời cam kết tuân giữ Mười Điều Răn là những điều khoản của giao ước. Với chúng ta là các Kitô hữu, Chúa Giêsu cũng lặp lại Mười Điều Răn (x. Mc 10, 19) và tóm kết lại trong điều răn mới, điều răn yêu thương (x. Ga 15,12).

3. Khi thiết lập Bí tích Thánh Thể, Chúa Giêsu nói với các Tông đồ: “Hãy làm việc này mà nhớ đến Thầy” (Lc 22,19). Mỗi khi dâng Thánh Lễ là chúng ta “làm việc này để nhớ đến Chúa”, cũng có nghĩa là làm mới lại giao ước. Bằng cách nào?

Thánh Lễ bắt đầu với phần Sám hối. Trong đời sống hôn nhân, dù đã ký kết giao ước với nhau, không ít lần các đôi vợ chồng thiếu trung thành với lời đã cam kết. Trong tương quan với Thiên Chúa cũng thế, không ít lần chúng ta vi phạm giao ước đã ký kết với Chúa, vì thế phải sám hối.

Tiếp đến là Phụng vụ Lời Chúa. Cũng như ông Môsê đọc Sách giao ước cho dân nghe, các bài đọc Kinh Thánh giúp chúng ta nhớ lại những kỳ công Chúa thực hiện cho dân Ngài, và nhớ lại những cam kết trong đời sống Kitô hữu.

Rồi đến Phụng vụ Thánh Thể với tâm điểm là Lời Truyền Phép mà linh mục đọc với tư cách của Chúa Kitô (in persona Christi): “Đây là Mình Thầy… Đây là Máu Thầy, Máu Giao Ước mới, Giao Ước vĩnh cửu, sẽ đổ ra cho các con và nhiều người được tha tội”. Đây là lúc chúng ta làm mới lại giao ước đã ký kết với Chúa. Rước lễ trở thành lời tuyên xưng giao ước, để được chia sẻ cùng một sự sống, cùng một vận mệnh với Chúa.

Chuyện kể rằng thánh Tôma Aquinô khi viết Tổng luận thần học (Summa theologiae), ngài phải trình bày về Bí tích Thánh Thể và dù đã cố gắng hết sức, ngài vẫn cảm thấy không xứng đáng. Ngài đến trước Thánh Giá, đặt quyển sách dưới chân Thánh Giá và xin Chúa giúp đỡ. Chúa nói với thánh Tôma: con đã viết về Ta rất tốt, vậy Ta phải ban phần thưởng gì cho con đây? Thánh Tôma có xin địa vị, danh tiếng, quyền lực, tiền của không? Không, thánh nhân thưa lại: Non nisi Te, Domine – Lạy Chúa, con không mong điều gì khác hơn ngoài Chúa! Trong Bí tích Thánh Thể, Chúa Giêsu ban chính mình Ngài cho chúng ta. Còn điều gì lớn lao hơn để mong chờ?.

+ Gm. Phêrô Nguyễn Văn Khảm