16/05/2020
1242
Đức Cha Phêrô suy niệm CN VI Phục Sinh: THẦN KHÍ SỰ THẬT


 














 

THẦN KHÍ SỰ THẬT

Chúa nhật VI Phục sinh – Cv 8,5-8.14-17; 1Pr 3,15-18; Ga 14,15-21  



 

Theo thánh Luca, sau khi sống lại, Chúa Giêsu còn ở trần gian 40 ngày (x. Cv 1,3), rồi Người lên trời và Thánh Thần được ban xuống trên các môn đệ. Vì thế, vào thời điểm những ngày cuối của Mùa Phục sinh, các bài đọc trong Thánh Lễ nói về sự ra đi của Chúa Giêsu : “Chẳng bao lâu nữa, thế gian sẽ không còn thấy Thầy”, và về Chúa Thánh Thần : “Thầy sẽ xin Chúa Cha và Người sẽ ban cho anh em một Đấng Bảo Trợ khác đến ở với anh em luôn mãi. Đó là Thần Khí sự thật” (Ga 14,16-17). Chúa Thánh Thần được giới thiệu là Thần Khí sự thật, danh xưng đó có nghĩa gì và tác động thế nào đến đời sống Kitô hữu?

 

1. Chúa Thánh Thần là Thần Khí sự thật vì Ngài giúp cho các Kitô hữu nhận biết sự thật. Người ta nói nhiều đến sự thật nhưng xem ra biết sự thật không phải là điều dễ dàng. Suốt tuần qua, dư luận ồn ào về vụ án Hồ Duy Hải ở Thủ Thừa, Long An; án mạng xảy ra từ 12 năm trước, xử án nhiều lần vẫn chưa xong. Ngày 8/5/2020, Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao tuyên bố bác kháng nghị của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, và giữ y án tử hình đối với Hồ Duy Hải. Thế nhưng nhiều người - ngay cả một vài đại biểu Quốc hội và một số luật sư, vẫn đặt vấn đề về quyết định trên có đúng đắn hay không.

Một vụ án mạng đã xảy ra trong đời thực, các cơ quan có thể sử dụng những phương pháp khoa học để điều tra tìm ra sự thật, nhưng hơn 12 năm mà vẫn chưa thuyết phục được mọi người. Đối với một sự việc cụ thể mà còn khó khăn như thế, huống chi nói về những sự thật vượt lên trên thế giới hiện tượng này thì phải tìm ở đâu? Đó là những câu hỏi ở chiều sâu và xuất hiện rõ nét hơn trong giai đoạn dịch bệnh coronavirus : con người là gì? đâu là ý nghĩa của đau khổ và sự chết? tiến bộ khoa học có giải quyết được mọi thứ chăng? sau cuộc sống trần thế này là gì? Đâu là những câu trả lời đúng cho những vấn nạn trên?

Với các Kitô hữu, Chúa Giêsu chính là Đường, Sự Thật và Sự Sống. Người là Đấng duy nhất có thể mặc khải cho nhân loại sự thật về Thiên Chúa và về con người : “Mầu nhiệm về con người chỉ thực sự được sáng tỏ trong mầu nhiệm Ngôi Lời nhập thể…Khi mặc khải về Chúa Cha và tình yêu của Ngài, Chúa Kitô cũng giúp con người hiểu biết đầy đủ về chính mình và nhận ra ơn gọi cao quý của mình” (GS 22). Chúa Thánh Thần là Thần Khí sự thật vì Ngài giúp các Kitô hữu nhận biết Chúa Giêsu là Sự Thật trọn vẹn.

 

2. Không chỉ nhận biết sự thật, Chúa Thánh Thần còn giúp các Kitô hữu sống theo sự thật. Biết sự thật đã khó nhưng sống theo sự thật còn khó hơn, vì nhiều khi sống theo sự thật đòi hỏi sự can đảm phi thường và những hi sinh rất lớn. Trong vụ án Chúa Giêsu, Philatô biết rõ Chúa Giêsu không phạm tội như ông nói với người Do Thái, “Ta không tìm thấy lý do nào để kết án ông ấy” (Ga 18,38); nhưng cuối cùng ông vẫn tuyên án tử cho Chúa Giêsu (Ga 19,16) vì áp lực của người Do Thái, vì sợ mất ghế : “Nếu ngài tha cho nó, ngài không phải là bạn của hoàng đế, ai xưng mình là vua, thì chống lại hoàng đế” (Ga 19, 12).

Philatô biết sự thật nhưng không dám hành động theo sự thật. Nếu xét mình cách chân thành, mỗi chúng ta thấy mình cũng không hơn gì Philatô : biết là đúng nhưng không làm, biết là sai mà vẫn làm! Vì nếu làm theo sự thật thì phải chịu thiệt, còn làm điều sai thì được lợi, dù chỉ là cái lợi trước mắt. Thế nên để sống theo sự thật, cần phải có sự can đảm và sức mạnh nội tâm đến độ dám trả giá bằng cả mạng sống. Chính Thánh Thần là Đấng ban cho các môn đệ Chúa sức mạnh nội tâm đó.

 

3. Chúa Thánh Thần được ban xuống để giúp các Kitô hữu biết và sống theo sự thật, và hơn nữa, còn làm chứng cho sự thật. Chúa Giêsu khẳng định sứ mạng của Người là làm chứng cho sự thật : “Tôi đã sinh ra và đến thế gian nhằm mục đích này, là làm chứng cho sự thật. Ai đứng về phía sự thật thì nghe tiếng tôi” (Ga 18,37). Là môn đệ Chúa Giêsu, người Kitô hữu có trách nhiệm làm chứng cho sự thật, nhưng phải làm chứng thế nào cho đúng nghĩa? Có người biết một sự thật không tốt về người khác và dùng sự thật đó để khống chế người khác, bắt họ làm theo ý mình. Có người lấy danh nghĩa là nói sự thật nhưng mục đích là để bôi nhọ, hủy hoại thanh danh người khác. Như thế có phải là làm chứng cho sự thật, hay chỉ là nói hành nói xấu và lỗi phạm đức bác ái?

Chúa Thánh Thần là Thần Khí sự thật và Ngài cũng là Thánh Thần tình yêu, vì thế làm chứng cho sự thật phải đi đôi với tình yêu : chân lý trong tình yêu và tình yêu trong chân lý. Chính vì thế thánh Phêrô mới khuyên bảo các tín hữu : “ Hãy luôn sẵn sàng trả lời cho bất cứ ai chất vấn về niềm hi vọng của anh em. Nhưng phải trả lời cách hiền hòa và với sự kính trọng” (1Pr 3,14-15). Cho dù sự hiền hòa đó khiến chúng ta phải chịu thiệt thì cũng chấp nhận, bởi lẽ “thà chịu khổ vì làm việc lành, nếu đó là ý của Thiên Chúa, còn hơn là vì làm điều ác” (1Pr 3,17). Chúa Thánh Thần là Đấng ban sức mạnh để người Kitô hữu có đủ can đảm làm chứng cho sự thật bằng nẻo đường yêu thương như thế.

Trong một thời đại mà gian dối và bạo lực lên ngôi, người môn đệ Chúa lại càng cần phải là người chứng của sự thật và tình yêu. Đây là sứ mạng cao quý và cũng là thách đố lớn, nhưng tin tưởng vào Thần Khí sự thật mà Chúa Kitô Phục sinh hứa ban, chúng ta vững vàng bước tới.

+ Gm. Phêrô Nguyễn Văn Khảm