06/02/2021
1684
Đức Cha Phêrô suy niệm CN V TN B: ĐAU KHỔ


 














 

CHÚA NHẬT V THƯỜNG NIÊN

G 7,1-4.6-7; 1Cr 9,16-19.22-23; Mc 1,29-30  


ĐAU KHỔ 



 

 

1. “Đời là bể khổ!” Người Việt Nam vẫn nói như thế và nhận định ấy hoàn toàn trùng khớp với tâm tư của ông Gióp trong bài đọc 1: “Cuộc sống con người nơi dương thế, chẳng phải là thời khổ dịch sao?...Gia tài của tôi là những tháng vô vọng, số phận của tôi là những đêm thất vọng ê chề”. Thế nhưng nếu coi nhận định và tâm tư này là sứ điệp chính yếu của sách Gióp trong Kinh Thánh thì e rằng đã hiểu sai ý hướng của tác giả. Cần phải đặt nhận định này trong bối cảnh sách Gióp để không những nhìn vào thực tế đau khổ, mà còn tìm hiểu xem đâu là cội nguồn của đau khổ và tìm cách vượt qua.

 

Đúng là sách Gióp đã trình bày nhân vật chính như hiện thân của đau khổ, nhưng sách Gióp cũng khẳng định ngay từ đầu kẻ gây ra đau khổ là ma quỷ. Nó thưa với Thiên Chúa: “Có phải Gióp kính sợ Thiên Chúa mà không cầu lợi chăng?...Chúa cứ thử giơ tay đánh vào mọi tài sản của nó xem, chắc chắn là nó nguyền rủa Ngài thẳng mặt” (1,9-11). Và sau đó ông Gióp mất hết: mất tài sản, mất tôi tớ, mất con cái. Nhưng ông vẫn một niềm tín thác vào Chúa: “Thân trần truồng sinh từ lòng mẹ, tôi sẽ trở về đó cũng trần truồng. Chúa đã ban cho, Chúa lại lấy đi, xin chúc tụng Danh Chúa” (1,21).

 

Ma quỷ vẫn chưa chịu thua, nó lại thưa với Chúa: “Da đổi da! Tất cả những gì người ta có, người ta sẵn sàng cho đi để cứu mạng sống mình. Chúa cứ thử giơ tay đánh vào xương vào thịt nó xem, chắc chắn nó sẽ nguyền rủa Ngài thẳng mặt” (2,4-5). Sau đó, ông Gióp mắc chứng ung nhọt ác tính từ chân đến đầu, đau khổ tột cùng. Con cái đã mất, chỉ còn bà vợ, bây giờ bà vợ cũng mỉa mai: “Ông còn tin Chúa đến bao giờ nữa? Hãy nguyền rủa Thiên Chúa và chết đi cho rồi” (2,9)!

 

2. Như thế đã rõ, ma quỷ chính là tác giả gây nên đau khổ cho con người. Thiên Chúa có thể cho phép để thanh luyện niềm tin của ông Gióp nhưng chính ma quỷ là tác giả. Khẳng định này quan trọng vì nhiều khi người ta nhân danh sự dữ trong cuộc sống cá nhân cũng như trong thế giới để chối bỏ Thiên Chúa, như bà vợ ông Gióp mỉa mai ông: “Ông còn tin Chúa đến bao giờ nữa? Hãy nguyền rủa Thiên Chúa và chết đi cho rồi” (2,9)! Và cũng là tâm trạng của nhiều người ngày nay: “Chủ nghĩa vô thần thường phát sinh do sự phản kháng mãnh liệt đối với sự dữ trong thế giới” (Hiến chế mục vụ, 10).

 

Thiên Chúa không gây ra đau khổ cho con người, đúng hơn Ngài là Đấng chữa lành mọi thương tích. Hình ảnh vị Thiên Chúa chữa lành đó thể hiện rõ nét nơi Chúa Giêsu. Trong bài Tin Mừng, thánh Marcô kể lại một ngày sống của Chúa Giêsu, ngày sống tràn ngập các hoạt động chữa lành, trừ quỷ, và rao giảng Nước Trời. Chúa Giêsu không chỉ chữa lành những đau khổ thể xác, Ngài còn trừ quỷ vì ma quỷ là kẻ gây ra tội lỗi và đau khổ cho con người, đồng thời Ngài rao giảng Tin Mừng để chỉ đường cho con người tiến đến sự sống và hạnh phúc đích thực, lâu dài.

 

3. Như thế, Lời Chúa chứa đựng nhiều bài học quý giá cho đời sống đức tin của chúng ta.

Bài học thứ nhất là sự tín thác vào Chúa trong mọi hoàn cảnh. Giữa khổ đau ngút ngàn, chắc chắn ông Gióp cũng có những lúc buồn phiền và thất vọng: “Ngày đời tôi thấm thoát tựa thoi đưa, và chấm dứt không một tia hi vọng…cuộc đời tôi chỉ là hơi thở, mắt tôi sẽ chẳng thấy hạnh phúc bao giờ” (7,6-7. Thế nhưng tâm tư cuối cùng của ông vẫn là phó thác: “Thân trần truồng sinh từ lòng mẹ, tôi sẽ trở về đó cũng trần truồng. Chúa đã ban cho, Chúa lại lấy đi, xin chúc tụng Danh Chúa” (1,21).

 

Bài học thứ hai là sự chữa lành. Theo gương Chúa Giêsu, các Kitô hữu được mời gọi trở thành những người chữa lành đau khổ thể xác và tinh thần của anh chị em chung quanh. Một ánh mắt cảm thông, một lời nói động viên, một cử chỉ chia sẻ, tất cả đều ở trong tầm tay chúng ta và có thể góp phần vào sứ vụ chữa lành của Chúa Giêsu.

 

Bài học thứ ba là cầu nguyện. Thánh Marcô kể lại: “Sáng sớm, lúc trời còn tối, Chúa Giêsu đã dậy, đi ra một nơi hoang vắng và cầu nguyện”. Nguồn sức mạnh cho đời sống yêu thương, phục vụ là ở đây. Theo gương Chúa Giêsu, chúng ta cũng phải dành ưu tiên cho việc cầu nguyện, những giây phút sống thân tình với Chúa. Đó chính là nguồn sức mạnh giúp ta tín thác nơi Chúa trong mọi hoàn cảnh, và thi hành sứ vụ chữa lành những người đau khổ.

+ Gm. Phêrô Nguyễn Văn Khảm