14/05/2022
6147
Đức Cha Phêrô suy niệm CN V PS năm C 2022: ĐIỀU RĂN MỚI


 














 


CHÚA NHẬT V PHỤC SINH

Cv 14,21b-27; Kh 21,1-5a; Ga 13,31-33a.34-35  


ĐIỀU RĂN MỚI

 

 

1. Đã gần đến lễ Chúa Giêsu lên trời và chúng ta nghe Chúa nói với các môn đệ: ”Hỡi anh em là những người con bé nhỏ của Thầy, Thầy còn ở với anh em một ít lâu nữa thôi” (Ga 13,33). Trong khung cảnh đó, có thể coi bài Tin Mừng hôm nay như di chúc tinh thần Chúa để lại cho các môn đệ: ”Thầy ban cho anh em một điều răn mới là anh em hãy yêu thương nhau” (Ga 13,34).

Phản ứng tự nhiên của con người ngày nay là: Tại sao yêu thương lại có thể là điều răn và mệnh lệnh? Tình yêu là cảm xúc tự nhiên và tôi muốn yêu ai thì yêu, tại sao lại ra lệnh cho tôi phải yêu người này người khác, cũng như làm sao có thể bắt người khác yêu tôi được? Phản ứng trên hoàn toàn có thể hiểu được vì quan niệm thông thường là coi tình yêu chỉ là cảm tính, cảm xúc. Cứ nhìn vào thực tế thì thấy, tình yêu là từ ngữ quen thuộc nhất trong đời sống cũng như trong âm nhạc, thi ca, văn chương, và tình yêu được diễn tả ở đó đều mang nặng cảm xúc. Nói đến tình yêu là nói đến những tình cảm nồng nàn, cháy bỏng, làm say đắm lòng người. Thế nhưng tình yêu (agape) mà Chúa Giêsu nói đến ở đây không phải là tình cảm nhưng trước hết là ý chí mong muốn tìm kiếm và thực hiện điều tốt lành cho người khác. Ý muốn ấy có thể kèm theo tình cảm và cảm xúc tự nhiên nhưng điều cốt lõi vẫn là mong muốn đem lại điều tốt lành nhất cho người khác. Chính vì thế, yêu thương trở thành điều răn, lệnh truyền: Anh em hãy yêu thương nhau, hãy tìm kiếm và đem lại cho nhau những gì tốt đẹp nhất.

2. Để cụ thể hóa điều răn ấy, Chúa Giêsu nói thêm: “Anh em hãy yêu thương nhau…như Thầy đã yêu thương anh em” (Ga 13,34). Điều răn này được gọi là điều răn mới là ở chỗ này đây: “yêu như Thầy yêu”. Để hiểu thế nào là “yêu như Thầy yêu”, cách tốt nhất là hãy đọc lại lệnh truyền này trong bối cảnh bữa Tiệc Ly, khi Chúa Giêsu ban bố điều răn yêu thương.

Trước hết, đó là tình yêu tự hạ. Chúa Giêsu ban bố điều răn yêu thương sau khi Người rửa chân cho các môn đệ (Ga 13,5). Rửa chân cho người khác là công việc của hàng tôi tớ, thế nhưng nhiều khi người lớn cũng rửa chân cho người nhỏ, như cha mẹ rửa chân cho con. Tôi tớ phải rửa chân cho chủ vì sợ hãi hoặc để kiếm sống, nhưng cha mẹ rửa chân cho con cái không phải vì sợ hãi mà vì tình yêu, chính tình yêu là động lực thúc đẩy cha mẹ làm công việc của người tôi tớ. Cũng vậy, chính tình yêu thúc đẩy Chúa Giêsu rửa chân cho các môn đệ: “Người vẫn yêu thương những kẻ thuộc về mình còn ở thế gian, và Người yêu thương họ đến cùng” (Ga 13,1). Tình yêu đến cùng ấy đã thúc đẩy Chúa Giêsu không chỉ rửa chân cho các môn đệ nhưng còn “hạ mình, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự” (Pl 2,8). Tình yêu đích thực luôn hàm chứa trong nó sự bỏ mình, vì phải vét cạn chính mình thì mới có thể đón nhận người khác, có chỗ cho người khác. Tình yêu ấy khác hẳn với quan niệm quen thuộc của văn hóa ngày nay cho rằng yêu là chiếm hữu và thụ hưởng.

Kế đến, đó là tình yêu hành động. Trước khi ban bố điều răn yêu thương, Chúa Giêsu đã rửa chân cho các môn đệ và sau đó Người nói: “Nếu Thầy là Chúa, là Thầy, mà còn rửa chân cho anh em, thì anh em cũng phải rửa chân cho nhau” (13,14). Một học giả Kinh Thánh ghi nhận rằng trong các sách Phúc Âm, động từ “yêu” được dùng 62 lần; còn danh từ “tình yêu” chỉ xuất hiện 9 lần. Thế nên “yêu” trong Phúc Âm nhấn mạnh đến hành động chứ không chỉ là tư tưởng trừu tượng hoặc lời lẽ xuông. Tình yêu cần được cụ thể hóa bằng hành động phục vụ.

Cuối cùng, đó là tình yêu bao dung. Hỏi rằng Chúa Giêsu có biết Giuđa sẽ phản bội không? Chúa biết vì chính Ngài đã nói với các môn đệ: “Thầy chấm bánh đưa cho ai thì chính là kẻ ấy, rồi Người chấm một miếng bánh và trao cho Giuđa”. Sau đó, Ngài còn nói thêm: “Anh làm gì thì làm mau đi” (Ga 13, 26-27). Hỏi rằng Chúa có biết Phêrô sẽ chối thấy không? Chúa biết chứ vì Ngài đã cảnh báo Phêrô: “Anh thí mạng vì Thầy ư? Thật, Thầy bảo thật cho anh biết: gà chưa gáy, anh đã chối Thầy ba lần” (Ga 13,38). Chúa biết, nhưng Người vẫn rửa chân cho họ… và sẵn sàng tha thứ khi họ ăn năn hối cải.  Tình yêu đích thực luôn bao dung vì không tìm lợi ích cho mình nhưng tìm ích lợi cho người khác.

3. Tình yêu ấy chính là dấu chỉ cụ thể về người môn đệ của Chúa: “Mọi người sẽ nhận biết các con là môn đệ của Thầy ở điểm này: là các con có lòng yêu thương nhau” (13,35). Lịch sử Hội Thánh làm chứng về điều này, từ kinh nghiệm của cộng đoàn tín hữu sơ khai được ghi lại trong sách Công Vụ đến kinh nghiệm của cộng đoàn tín hữu đầu tiên tại Thăng Long ở Việt Nam. Yêu thương là chứng từ thuyết phục nhất về Đạo Kitô. Ngày nay, liệu những người ngoài Hội Thánh có thấy được chứng từ này nơi cộng đoàn của chúng ta không?

+ Gm. Phêrô Nguyễn Văn Khảm