01/05/2021
1612
Đức Cha Phêrô suy niệm CN V PS B: HIỆP THÔNG SỰ SỐNG


 














 

CHÚA NHẬT V PHỤC SINH

Cv 9,26-31; 1Ga 3,18-24; Ga 15,1-8  


HIỆP THÔNG SỰ SỐNG 


 

 

1. Bài đọc 1 ghi lại một sự kiện quan trọng trong đời sống Hội Thánh thưở ban đầu, sự kiện có khả năng định hình và định hướng sứ vụ của Hội Thánh trong lịch sử. Đó là việc Saulê được Tông đồ đoàn đón nhận và “kể từ đó, ông cùng với các Tông đồ đi lại hoạt động tại Giêrusalem” (Cv 9,27). Cần phải đặt mình vào bối cảnh cụ thể lúc đó mới có thể hiểu tại sao đây lại là sự kiện quan trọng. Quả thật, không dễ để đón nhận và cộng tác với Saulê vì quá khứ bất hảo của ông như chính sách Công Vụ ghi nhận: “Mọi người vẫn sợ ông vì họ không tin ông là một môn đệ Chúa”. Làm sao không nghi ngờ được con người chỉ mới đây thôi đã tán thành việc ném đá thánh Têphanô đến chết (x. Cv 8,1), sau đó lại còn xin thượng tế cho thư giới thiệu để đi Damas, thấy ai theo Đạo thì bắt trói giải về Giêrusalem (x. Cv 9,1). Chính con người đó bây giờ lại xin theo Đạo, xưng mình là môn đệ Chúa! Âm mưu gì đây? Nằm vùng chăng? Một Giuđa nữa chăng?

Trong thực tế, Tông đồ đoàn đã đón nhận Saulê cách chân thành. Saulê của quá khứ đã trở thành Phaolô mạnh dạn rao giảng nhân danh Chúa và nhiệt thành làm chứng về Đức Kitô Phục sinh, đến nỗi ngài trở thành đối tượng người Do Thái muốn tiêu diệt (x. Cv 9,30). Điều gì đã tạo nên bước ngoặt quan trọng này? Phải chăng chỉ cần ông Barnaba đứng ra bảo lãnh là mọi sự sẽ xong (x. Cv 9,27)? Chắc chắn sự giới thiệu của thánh Barnaba là quan trọng nhưng thiết nghĩ còn có điều gì đó sâu xa hơn, đó là chính niềm tin và sự gắn bó với Chúa Giêsu.

Các Tông đồ yêu mến Chúa Giêsu hết lòng, thể hiện qua lời thánh Phêrô: “Thưa Thầy, Thầy biết hết mọi sự, Thầy biết con yêu mến Thầy”. Thánh Phaolô cũng yêu mến Chúa Giêsu không kém, đến nỗi ngài dám nói: “Tôi coi mọi sự là thua lỗ bất lợi so với cái lợi tuyệt vời là được biết Chúa Kitô và thuộc về Người”; “Tôi sống nhưng không phải là tôi sống, mà là chính Chúa Kitô sống trong tôi”. Chính niềm tin và tình yêu tha thiết dành cho Chúa Giêsu đã giúp các ngài – từng là đối thủ của nhau - vượt lên trên những tính toán quen thuộc, những nghi ngờ sợ hãi, để dấn thân cho sứ vụ chung là làm cho Danh Chúa được nhiều người nhận biết.

2. Như thế, sự gắn bó cá nhân với Chúa Giêsu chính là cốt lõi của đời sống đức tin Kitô giáo. Với Kitô hữu, theo Đạo không chỉ là tin theo một nhà tư tưởng và hệ tư tưởng của người đó, dù hấp dẫn đến mấy. Cũng không chỉ là tin theo một nhà mô phạm, một tấm gương đạo đức. Nhưng theo Đạo là bước vào mối hiệp thông sự sống với Chúa Giêsu, được Chúa Giêsu diễn tả bằng hình ảnh đơn sơ mà vô cùng sâu sắc: “Thầy là cây nho, anh em là cành. Ai ở lại trong Thầy và Thầy ở lại trong người ấy, thì người ấy sinh nhiều hoa trái, vì không có Thầy, anh em chẳng làm gì được” (Ga 15,5). Chính vì thế, đời sống đức tin của người Công giáo không chỉ là học Lời Chúa, ăn ngay ở lành, nhưng còn là cử hành các bí tích, nhất là Bí tích Thánh Thể: “Ai ăn Thịt và uống Máu tôi thì ở trong tôi và tôi ở trong kẻ ấy”.

3. Để sự sống thiêng liêng tăng trưởng, phải gắn bó với Chúa Giêsu vì “cũng như cành nho không thể tự mình sinh hoa trái, nếu không gắn liền với cây nho, anh em cũng thế, nếu không ở lại trong Thầy” (Ga 15,4). Hơn thế nữa, phải chịu cắt tỉa vì “Cha Thầy là người trồng nho. Cành nào gắn liền với Thầy mà không sinh hoa trái thì Người chặt đi; còn cành nào sinh hoa trái thì Người cắt tỉa cho nó sinh nhiều hoa trái hơn” (Ga 15,2). Cắt tỉa hàm nghĩa đau đớn. Đau đớn vì phải chấp nhận từ bỏ ý riêng để sống theo Thánh Ý, như Chúa Giêsu trong Vườn Ghetsemani. Đau đớn vì phải khổ luyện nhân đức trên đường theo Chúa. Đau đớn còn vì phải chấp nhận những thử thách trong đời, khám phá ở đó không chỉ là thất bại hay hình phạt, nhưng là sự cắt tỉa của Cha trên trời để cành nho cuộc đời sinh nhiều hoa trái hơn.

+ Gm. Phêrô Nguyễn Văn Khảm