09/05/2020
1396
Đức Cha Phêrô suy niệm CN V Phục Sinh: XAO XUYẾN VÀ ÂU LO


 














 

XAO XUYẾN VÀ ÂU LO

Chúa nhật V Phục sinh – Cv 6,1-7; 1Pr 2,4-9; Ga 14,1-12
  


 

1. UCA News mới kể câu chuyện thương tâm về một cô gái trẻ người Thái tự tử và để lại thư tuyệt mệnh : “Tôi không có tiền để mua sữa cho con. Mọi sự đều quá mắc mỏ. Tôi làm việc suốt 12 tiếng/ngày như nhân viên bảo vệ, mà chẳng có gì…Các bạn đã thấy ai chọn cái chết vì không còn chỗ nào để đi nữa chăng?”

Cô gái trẻ tự tử chỉ là một trong nhiều trường hợp tự tử đang gia tăng ở Thái Lan, do tình trạng phong tỏa xã hội để ngăn chặn sự lây lan của coronavirus, khiến cả triệu người mất việc làm, rơi vào tình trạng hết sức khó khăn. Tình trạng này cũng không chỉ xảy ra ở Thái Lan nhưng còn ở nhiều nơi trên thế giới. Nếu chưa đến nỗi tự tử thì lại sa vào nghiện rượu, ma túy, phim khiêu dâm, rồi bạo hành gia đình…tất cả đều phản ánh sự bế tắc về mặt tinh thần : âu lo, sợ hãi, chán nản, tuyệt vọng. Người ta e rằng những vấn đề này có lẽ còn kéo dài vì dù dịch bệnh qua đi, nhưng những hệ lụy về kinh tế và xã hội vẫn còn rất nặng nề.

Người Công giáo có bị ảnh hưởng như thế không? Có âu lo, sợ hãi, chán nản, tuyệt vọng không? Giả như bị rơi vào tình trạng đó thì phải làm gì? Lời Chúa hôm nay soi sáng điều gì cho chúng ta?

 

2. Tin Mừng Ga 14,1 ghi lại những lời đầy an ủi của Chúa Giêsu nói với các môn đệ: “Anh em đừng xao xuyến. Hãy tin vào Thiên Chúa và tin vào Thầy”. Thánh Gioan đặt những lời này vào phần “Diễn từ từ biệt”, nghĩa là sau bữa Tiệc Ly và ngay trước khi Chúa Giêsu bước vào cuộc thương khó. Trước viễn tượng đó, làm sao các môn đệ không cảm thấy hoang mang sợ hãi? Chính lúc ấy, Chúa Giêsu trấn an và khích lệ các ông : “Anh em đừng xao xuyến….Thầy là đường, là sự thật và sự sống”, con đường Thầy đi là con đường của sự thật, đúng theo thánh ý Chúa Cha, và chắc chắn con đường ấy sẽ dẫn đến sự sống chứ không phải sự chết.

Hội Thánh cho chúng ta đọc lại những lời này trong mùa Phục sinh chứ không phải mùa Chay, mùa thương khó, để thấy sức thuyết phục của Lời Chúa. Đúng là Chúa Giêsu đã bị người ta giết chết trên thập giá, nhưng Người đã sống lại và trở thành Đấng hằng sống! Còn Philatô, Hêrôđê, các thượng tế - những người có trách nhiệm trực tiếp trong vụ án Giêsu, các ông đang ở đâu hiện nay, và trong lịch sử nhân loại? Nhân loại suốt 20 thế kỷ qua nhớ đến các ông để ca ngợi sự khôn ngoan, tài đức của các ông, hay để miệt thị, khinh chê và nguyền rủa? Con đường gian dối và bạo lực các ông đi có dẫn các ông đến sự sống chăng hay chỉ đưa đến sự chết?

 

3. Ngày nay Chúa Giêsu cũng nói với chúng ta như đã nói với các môn đệ ngày xưa : “Các con đừng xao xuyến, hãy tin vào Thiên Chúa và tin vào Thầy”. Nhưng tin vào Chúa thì được cái gì? Người tin Chúa cũng như bao người khác, sống trong xã hội thì phải làm việc mới có cái ăn, cuộc sống cũng có những lúc khó khăn thử thách, cũng âu lo sợ hãi trước bệnh tật và cái chết…chỉ có điều là người tin Chúa cố gắng tìm một phản ứng, thái độ khác.

Bài đọc 1 cống hiến một minh họa cụ thể. Bài này được trích ra từ sách Tông đồ công vụ, chương 6,1-7 về đời sống của cộng đoàn tín hữu đầu tiên ở Giêrusalem. Trước đó, chương 4 và 5 kể chuyện các Tông đồ bị bắt ra tòa và bị giam giữ, rồi ngay sau bài đọc hôm nay là chuyện thánh Têphanô bị bắt và bị ném đá đến chết (6,8-60). Nghĩa là những người tin Chúa lúc đó đâu được sống trong cảnh thái bình, nhưng toàn là bắt bớ và bách hại.

Trong hoàn cảnh khó khăn như thế, họ đã làm gì, phản ứng ra sao? Bài đọc kể lại hai việc chính : thứ nhất là các Tông đồ “chuyên lo cầu nguyện và phục vụ Lời Thiên Chúa” (6,4); thứ hai là cộng đoàn bầu ra bảy người để lo việc phục vụ người nghèo trong cộng đoàn (6,5-6). Và ngay giữa những bắt bớ, bách hại, Lời Chúa vẫn được rao giảng và “số các môn đệ tăng thêm rất nhiều” (6,7).

Đây cũng phải là chọn lựa của chúng ta ngày nay. Trong những lúc khó khăn thử thách, thay vì tuyệt vọng, sa vào rượu chè, bài bạc, ma túy, bạo hành…thì phải lắng nghe Lời Chúa để biết Chúa muốn chúng ta sống ra sao, đồng thời cầu nguyện để xin Chúa ban sức mạnh cho ta can đảm sống theo Lời Chúa.

Đồng thời phải biết quan tâm đến nhau và nâng đỡ nhau trong những lúc khó khăn. Giả như cô gái trẻ người Thái là người Công giáo trong một giáo xứ, nếu mọi người biết cô lâm vào tình trạng khó khăn cùng cực như thế, liệu chúng ta có bỏ rơi cô không? Tôi tin là không! Và đó là dấu chỉ về một cộng đoàn Kitô hữu chân chính.

Lạy Chúa Kitô Phục sinh, trong những lúc khó khăn thử thách, xin cho chúng con biết nhớ lại Lời Chúa : “Các con đừng xao xuyến. Hãy tin vào Thiên Chúa và tin vào Thầy”, để chúng con can đảm đi tới. Và ước gì chúng con cũng biết nói với anh chị em chúng con như thế, “Đừng xao xuyến”, không chỉ bằng lời nói nhưng còn bằng sự chia sẻ nâng đỡ nhau trong lúc khó khăn. Nhờ đó chúng con trở nên cộng đoàn môn đệ đích thực của Chúa.
 

+ Gm. Phêrô Nguyễn Văn Khảm