01/04/2022
4583
Đức Cha Phêrô suy niệm CN V MC năm C 2022: THIÊN CHÚA CỦA TƯƠNG LAI


 














 


CHÚA NHẬT V MÙA CHAY

Is 43,16-21; Pl 3,8-14; Ga 8,1-11  


THIÊN CHÚA CỦA TƯƠNG LAI



 

1. Nhiều học giả Kinh Thánh cho rằng câu chuyện về người nữ ngoại tình (Ga 8,1-11) không phải của thánh Gioan nhưng chỉ được thêm vào sau này, thậm chí có người còn không nhìn nhận trình thuật này thuộc thư quy. Hội Thánh Công giáo vẫn giữ và trong Thánh Lễ Chúa nhật V Mùa Chay, cùng với câu chuyện này, các bài đọc được Hội Thánh chọn đều làm nổi bật dung mạo Thiên Chúa, Đấng không ngừng mở cánh cửa cho con người đi về phía tương lai.

“Đây là lời Đức Chúa, Đấng đã vạch một con đường giữa đại dương, một lối đi giữa sóng nước oai hùng, Đấng đã cho xuất trận nào chiến xa chiến mã, nào tướng mạnh binh hùng: tất cả đã nằm xuống và không còn trỗi dậy, đã bị giập đi, tắt ngấm như tim đèn” (Is 43,16-17). Lúc ấy dân Israel đang sống cảnh lưu đày và những lời này nhắc nhở cho họ biết Thiên Chúa của họ là ai, là Thiên Chúa của biến cố xuất hành và ơn giải thoát, và vị Thiên Chúa ấy sẽ mở cho họ một cánh cửa đi về phía tương lai của tự do và hạnh phúc: “Này Ta sắp làm một việc mới, việc đó manh nha rồi, các ngươi không nhận thấy sao?” (Is 43,19).

2. Dung mạo Đấng Thiên Chúa của tương lai được thể hiện rõ nét và sinh động qua cách ứng xử của Chúa Giêsu với người nữ phạm tội ngoại tình. Đối diện với cùng một trường hợp nhưng có hai cách xét xử khác nhau, qua đó cũng bày tỏ quan niệm khác nhau về Thiên Chúa.

Các kinh sư và Pharisêu đòi ném đá nhân danh luật Môsê: “Trong sách Luật, ông Môsê truyền cho chúng tôi phải ném đá hạng đàn bà đó” (Ga 8,5). Nhân danh luật Môsê cũng là nhân danh Thiên Chúa, Đấng ban Luật cho dân Israel qua Môsê. Thực ra vấn đề ở đây không chỉ là Luật nhưng còn là cách giải thích và áp dụng Luật. Họ nói rằng đã bắt quả tang người nữ đang ngoại tình. Ngoại tình với ai? Chẳng lẽ ngoại tình một mình? Nếu thế, tại sao chỉ tố cáo một mình người phụ nữ? Điều luật Môsê họ nói tới được ghi chép trong sách Levi 20,10, nhưng mục đích chính của việc tố cáo là gì? Để bảo vệ Lề luật hay để gài bẫy? Thánh Gioan phơi bầy tâm địa của họ: “Họ nói thế nhằm thử Người, để có bằng cớ tố cáo Người” (8,6). Như vậy, vị Thiên Chúa mà họ nhân danh hóa ra cũng chỉ là công cụ họ dùng để thực hiện dã tâm của mình.

Còn Chúa Giêsu thì sao? Một đàng, Ngài chất vấn những người đòi ném đá: “Ai trong các ông sạch tội thì cứ lấy đá mà ném trước đi”; đàng khác, Ngài nói với người phụ nữ: “Ta không kết án chị đâu! Thôi chị về đi, từ nay đừng phạm tội nữa”. Bằng cách ứng xử như thế, Chúa Giêsu bày tỏ dung mạo Thiên Chúa là Đấng không muốn khóa chặt người phụ nữ vào tội chị đã phạm nhưng mở cho chị một cánh cửa đi tới tương lai mới, đời sống mới. Thiên Chúa là như thế, kể cả khi chúng ta phải đối diện với cái chết, vốn được coi như kết thúc tối hậu, thì mầu nhiệm Vượt Qua cũng vẫn mở cho chúng ta một cánh cửa để đi vào tương lai mới là ơn phục sinh và sự sống đời đời.

3. Niềm tin vào Thiên Chúa của tương lai mời gọi các tín hữu rũ bỏ những mặc cảm tội lỗi và sống đời sống mới. Có cảm thức nhạy bén về tội lỗi là điều tốt, nhưng mặc cảm tội lỗi lại là chuyện khác. Để cho tội lỗi trong quá khứ tiếp tục giày vò, dằn vặt, làm mất bình an trong tâm hồn là điều không nên. Phải tin vào ơn tha thứ và lòng thương xót của Thiên Chúa và hăng hái bước vào đời sống mới: “Con về đi, từ nay đừng phạm tội nữa”. Thánh Phaolô là tấm gương cụ thể và sống động cho chúng ta. Là người có quá khứ tội lỗi ai cũng biết nhưng khi đã gặp Chúa Giêsu rồi, ngài nói: “Tôi chỉ chú ý đến một điều là quên đi chặng đường đã qua, để lao mình về phía trước… là phần thường từ trời cao Thiên Chúa dành cho kẻ Người kêu gọi trong Đức Kitô Giêsu” (Pl 3,13-14).

Niềm tin vào Thiên Chúa của tương lai cũng mời gọi chúng ta học cách ứng xử của Chúa. Khi người ta tố cáo người phụ nữ ngoại tình, Chúa Giêsu im lặng, “cúi xuống lấy ngón tay viết trên đất” (Ga 8,6). Ngài viết gì? Có nhiều cách giải thích nhưng tất cả chỉ là suy đoán. Tôi thích nghĩ rằng trong bầu không khí ồn ào và đầy giận dữ ấy, việc Chúa Giêsu “cúi xuống lấy ngón tay viết trên đất” là cách Ngài đưa người ta về lại sự thinh lặng nội tâm để suy nghĩ cho thấu đáo. Khoảng lặng nội tâm ấy giúp cho người ta có thể thấm thía hơn khi Chúa Giêsu lên tiếng: “Ai trong các ông sạch tội thì cứ lấy đá mà ném trước đi”. Chúng ta cần trở về với chính mình để thấy mình là tội nhân và được Chúa tha thứ. Đó là động lực để bớt lên án người khác, và là khởi điểm của hành trình học cách ứng xử của Thiên Chúa, Đấng không ngừng mở cánh cửa cho con người đi về phía tương lai?

+ Gm. Phêrô Nguyễn Văn Khảm