13/06/2020
1657
Đức Cha Phêrô suy niệm CN Lễ Mình Máu Thánh Chúa: BÁNH THÁNH THỂ


 














 

BÁNH THÁNH THỂ

Đnl 8,2-3.14-16; 1Cr 10,16-17; Ga 6,51-58  

  

1. Hôm nay Hội Thánh cử hành Lễ Mình Máu thánh Chúa Kitô, nhưng bài Tin Mừng trong Thánh Lễ không phải là trình thuật về việc Chúa Giêsu lập Phép Thánh Thể mà là bài giảng của Chúa về Bánh hằng sống. Vì thế thiết nghĩ cần phải nhìn lại bối cảnh Tin Mừng Gioan để hiểu bài giảng này.

Chương 6 Tin Mừng Gioan bắt đầu bằng phép lạ Chúa Giêsu hóa bánh ra nhiều để nuôi dân (6,1-13), nhưng thánh Gioan không gọi là ‘phép lạ’ mà là ‘dấu lạ’, nghĩa là những gì người ta nhìn thấy chỉ là dấu chỉ bên ngoài để diễn tả nội dung bên trong là chính Chúa Giêsu. Tiếc là người ta không thấy được ý nghĩa đó. Thánh Gioan ghi nhận : “Chúa Giêsu biết họ sắp đến bắt mình đem đi làm vua nên Ngài lánh mặt” (6,15). Và khi gặp lại dân chúng, Chúa Giêsu nói với họ : “Các ông đi tìm tôi không phải vì các ông đã thấy dấu lạ nhưng vì các ông đã được ăn bánh no nê” (6,26).

Thời nào cũng thế, con người thường chỉ quan tâm đến miếng ăn và những nhu cầu vật chất, đến độ vì nhu cầu vật chất mà khước từ và phá hủy cả những giá trị cao quý của con người. Trong tác phẩm Anh em nhà Kamarazov của văn hào Dostoievski, vị đại pháp quan nói với Chúa Giêsu: “Tại sao ông lại không chịu làm phép lạ biến đá thành bánh? Ông phải biết rằng cuối cùng đám dân chúng sẽ đặt tự do của chúng dưới chân chúng ta và nói: xin ngài nhận chúng tôi làm nô lệ của ngài, miễn là ngài cho chúng tôi bánh ăn!” Thế đấy, miếng ăn quý giá hơn cả tự do và những giá trị nhân văn khác, đó không phải là thực tế trong lịch sử sao, dù là thực tế đáng buồn!

 

2. Thế nhưng con người được tạo dựng theo hình ảnh Thiên Chúa nên con người không chỉ có nhu cầu vật chất mà còn tìm kiếm những giá trị cao cả hơn. Một sự kiện mới đây có thể minh họa cho mối thao thức này. Cuối tháng 5 vừa qua, Francis Collins được trao giải Templeton (trị giá 1,1 triệu Euro) là giải thưởng đề cao và cổ võ những nỗ lực nghiên cứu và phát huy đời sống tâm linh. Francis Collins là nhà khoa học tiếng tăm trên thế giới, từ 2009 đến nay là Giám đốc Viện Sức khỏe Quốc gia của Hoa Kỳ (National Institutes of Health - NIH). Năm 2006, ông viết cuốn sách được xếp hạng best-selling Ngôn ngữ của Chúa : một nhà khoa học trình bày bằng chứng cho niềm tin (The Language of God: A Scientist Presents Evidence for Belief). Ông cũng là thành viên Hàn lâm viện Giáo hoàng về Khoa học.

Trước kia Francis Collins là người vô thần, đến năm 27 tuổi mới quyết định trở thành Kitô hữu. Theo ông kể, lý do là vì khi thực tập bác sĩ tại bệnh viện, ông tiếp xúc với người mang trọng bệnh và các phương thuốc y khoa đều bó tay. Nhìn thấy họ chết và lắng nghe những tâm tư của họ trước khi chết, nhiều câu hỏi bắt đầu xuất hiện trong tâm trí như ông chia sẻ : “Có những câu hỏi không thuộc lãnh vực của khoa học như: Tại sao lại đã có điều gì đó thay vì là hư vô? Trước khi có Vụ nổ lớn (Big Bang) thì là cái gì? Tại sao những hằng số phổ quát trong các luật tự nhiên lại có các giá trị chính xác đến nỗi làm cho cái phức hợp thành có thể? Cái đẹp là gì? Tình yêu có nghĩa gì? Nếu có Thiên Chúa, vậy Ngài có quan tâm đến tôi không?”

Những câu hỏi này mở đường cho ông đến với Chúa Giêsu vì ông gặp được nơi Chúa Giêsu lời giải đáp cho những câu hỏi sâu xa nhất của lòng người. Đúng là “người ta sống không nguyên bởi bánh nhưng còn nhờ lời miệng Thiên Chúa phán ra”.

 

3. Xa hơn nữa, người Kitô hữu không chỉ sống bằng Lời Chúa nhưng còn bằng chính Mình Máu Chúa. Trong bài Tin Mừng, Chúa Giêsu tuyên bố : “Ta là Bánh hằng sống từ trời xuống…Nếu các ông không ăn thịt và uống máu Con Người, các ông không có sự sống nơi mình” (Ga 6,51.53). Đúng là những lời khó nghe nên không lạ gì người Do Thái phản ứng : “Làm sao ông này có thể cho chúng ta ăn thịt ông ta được?” (Ga 6,52).

“Thịt và Máu” ở đây là toàn bộ con người Chúa Giêsu như Đức Bênêđictô XVI giải thích : “Khi Chúa Gêsu nói đến thân mình Ngài, hiển nhiên là Ngài không có ý nói về thân xác theo nghĩa đối nghịch với linh hồn hay tinh thần, nhưng Ngài nói đến toàn bộ con người Ngài, thịt-và-máu. Theo nghĩa đó, Rudolf Pesch đã nói rất đúng: Cách giải thích của Chúa Giêsu về bánh mang ý nghĩa riêng về con người của Ngài. Các môn đệ hiểu rằng Ngài muốn nói: chính là Ta đây, Đấng Mêsia” (Benedict XVI, Jesus of Nazareth, tome II, 130). Vì thế “ăn Thịt và uống Máu Chúa” là lấy đức tin và tình yêu để đón nhận chính Chúa Giêsu, đón nhận giáo huấn của Ngài, đón nhận lối sống cho đi và trao ban của Ngài, nhất là đón nhận chính sự sống của Ngài.

Sự đón nhận đó làm cho Kitô hữu được kết hợp với Chúa : “Ai ăn thịt và uống máu Ta thì ở lại trong Ta và Ta ở trong kẻ ấy” (6,56). Được kết hợp với Chúa, chúng ta cũng nên một với nhau : “Vì chỉ có một tấm Bánh và tất cả chúng ta cùng chia sẻ Bánh ấy, nên tuy nhiều người, chúng ta cũng chỉ là một thân thể” (1Cr 1,17). Đồng thời, sự đón nhận đó cũng là bảo chứng cho sự sống đời đời : “Ai ăn thịt và uống máu Ta thì được sống muôn đời, và Ta sẽ cho người ấy sống lại trong ngày sau hết” (6,54).

Chính vì thế, Bí tích Thánh Thể vừa là nguồn mạch vừa là đỉnh cao của đời sống Kitô hữu. Ước gì chúng ta cử hành Thánh Thể với tất cả ý thức đức tin để Thánh Thể Chúa Kitô dẫn chúng ta vào đời sống phong phú ngay trong hiện tại và đưa đến sự sống muôn đời.

+ Gm. Phêrô Nguyễn Văn Khảm