09/04/2022
8085
Đức Cha Phêrô suy niệm CN Lễ Lá năm C 2022


 














 


CHÚA NHẬT LỄ LÁ

Is 50,4-7; Ph 2,6-11; Lc 22,14 – 23,56  



  

Cả bốn sách Tin Mừng đều có trình thuật về cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu Kitô và nội dung tổng quát đều giống nhau. Tuy nhiên mỗi tác giả lại có những chi tiết riêng, phản ánh mối quan tâm của các ngài và cộng đoàn đức tin các ngài phục vụ. Trong trình thuật của thánh Luca được chọn đọc trong Năm C, có thể lưu ý tới một số chi tiết quan trọng chỉ có trong sách Tin Mừng này.

1. Chúa Giêsu chữa lành tên đầy tớ vị thượng tế

Tin Mừng Matthêu, Marcô, Gioan đều nhắc tới sự kiện một người trong nhóm các môn đệ Chúa chém đứt tai tên đầy tớ vị thượng tế, riêng thánh Gioan còn cho biết tên của người đó là Mancô (Ga 18,10). Tuy nhiên chỉ có thánh Luca kể lại chi tiết này: “Người sờ vào tai tên đầy tớ mà chữa lành” (22,51).

Chi tiết này làm nổi bật sứ vụ chữa lành của Chúa Giêsu, và trong bối cảnh cuộc thương khó, chi tiết ấy cũng làm nổi bật ý nghĩa cuộc tử nạn của Chúa là chữa lành nhân loại khỏi thương tích tội lỗi: “Chính Người đã bị đâm vì chúng ta phạm tội, bị nghiền nát vì chúng ta lỗi lầm; Người đã chịu sửa trị để chúng ta được bình an, đã phải mang thương tích cho chúng ta được chữa lành” (Is 53,5).

2. Chúa Giêsu xin ơn tha thứ cho kẻ làm hại mình

Các sách Tin Mừng đều kể lại những cực hình Chúa Giêsu phải chịu, nhưng chỉ có thánh Luca kể lại lời cầu nguyện quý giá của Chúa trên thập giá: “Lạy Cha, xin tha cho họ vì họ không biết việc họ làm” (23,34). Lời cầu nguyện này là bằng chứng thuyết phục nhất về Tin Mừng Chúa rao giảng không phải là lý tưởng hão huyền nhưng là điều có thể thực hiện.

Lời cầu nguyện ấy đã truyền cảm hứng cho thánh Têphanô cũng cầu xin ơn tha thứ cho kẻ làm hại mình (x. Cv 7,60), đồng thời làm nổi bật nét đặc trưng của các Kitô hữu tử đạo: không chỉ là hi sinh chịu khổ và chịu chết, nhưng là chịu chết mà lòng thanh thản bình an và tha thứ chứ không nung nấu căm thù. Không chỉ với các vị tử đạo mà thôi nhưng tất cả các Kitô hữu đều được mời gọi sống quảng đại và tha thứ như thế.

3. Chúa Giêsu hứa đón nhận người gian phi vào Nước Chúa

Các sách Tin Mừng đều cho biết Chúa Giêsu chịu đóng đinh cùng với hai tên cướp, Chúa Giêsu ở giữa, còn hai tên  kia ở hai bên (x. Ga 19,18; Mc 15,27; Mt 27,38). Tuy nhiên chỉ có thánh Luca kể lại cuộc đối thoại cảm động giữa Chúa Giêsu và tên gian phi vẫn được gọi là “người trộm lành”. Gọi là trộm lành vì anh khiêm tốn nhìn nhận tội lỗi của mình và bênh vực Chúa Giêsu: “Chúng ta chịu như thế này là đích đáng vì xứng với việc đã làm. Còn ông này đâu có làm gì sai trái” (23,41). Đồng thời anh thân thưa với Chúa: “Ông Giêsu ơi, khi ông vào Nước của ông, xin nhớ đến tôi”. Chúa Giêsu đã hứa: “Tôi bảo thật anh, hôm nay anh sẽ được ở với Tôi trên Thiên đàng” (23,43). Anh là người đầu tiên được phong thánh!

Tin Mừng Luca nêu cao hình ảnh Chúa Giêsu gần gũi với các tội nhân và trong giây phút cuối đời, hình ảnh ấy càng nổi bật hơn nữa qua lời hứa ban Thiên Đàng cho người trộm lành. Chúng ta còn có lý do nào để không trở về với Chúa?

4. Chúa Giêsu phó linh hồn trong tay Chúa Cha

Trong trình thuật Thương Khó theo thánh Matthêu và Marcô, lời cuối cùng của Chúa Giêsu trên thập giá là: “Lạy Thiên Chúa, lạy Thiên Chúa của con, sao Ngài bỏ rơi con” (Mt 27,46; Mc 15,34); trong Tin Mừng Gioan, lời cuối cùng của Chúa là: “Mọi sự đã hoàn tất” (19,30). Còn theo thánh Luca, lời cuối cùng của Chúa Giêsu là: “Lạy Cha, con xin phó thác hồn con trong tay Cha” (23,46).

Tuyên xưng niềm tin vào Đấng chịu đóng đinh thập giá là Đấng chữa lành, Đấng cứu độ; khiêm tốn nhìn nhận thân phận tội lỗi của mình và xin ơn tha thứ; tha thứ cho người khác, kể cả kẻ làm hại mình; sau khi đã cố gắng làm hết sức mình thì phó thác mọi sự trong tay Chúa. Đó chẳng phải là những tâm tình đức tin cần thiết và quý giá mà chúng ta học được từ Thập Giá Chúa Kitô cho đời sống Kitô hữu của mình, cách riêng trong Tuần Thánh hay sao?

+ Gm. Phêrô Nguyễn Văn Khảm