29/05/2020
1395
Đức Cha Phêrô suy niệm CN Lễ CTT Hiện Xuống : THẦN KHÍ ĐỔI MỚI


 














 

THẦN KHÍ ĐỔI MỚI

Lễ Hiện Xuống – Cv 2,1-11; 1Cr 12,3b-7.12-13; Ga 20,19-23  



 

1. Tường thuật biến cố Chúa Thánh Thần hiện xuống, thánh Luca viết : “Khi đến ngày lễ Ngũ Tuần, mọi người đang tề tựu ở một nơi, bỗng một cơn gió mạnh từ trời ùa vào đầy cả căn nhà, nơi họ đang họp” (Cv 2,1-2). Xem ra đây chỉ là một câu văn bình thường, không đáng quan tâm, nhưng nếu đối chiếu với câu đầu tiên trong sách Sáng Thế thì người đọc sẽ khám phá nội dung hết sức quan trọng. Ngay những dòng đầu tiên của bộ Kinh Thánh, sách Sáng Thế viết : “Lúc khởi đầu, Thiên Chúa sáng tạo trời đất. Đất còn trống rỗng, chưa có hình dạng, bóng tối bao trùm vực thẳm, và thần khí Thiên Chúa bay lượn trên mặt nước” (St 1,1-2). Bản tiếng Việt dịch là “thần khí Thiên Chúa”, trong bản Do Thái là ruah, có nghĩa là khí, gió, hơi thở. Đây cũng là từ được thánh Luca sử dụng khi tường thuật biến cố Chúa Thánh Thần hiện xuống : “một cơn gió mạnh từ trời (ruah, pneuma)”.

Như thế, thánh Luca muốn nói biến cố Chúa Thánh Thần hiện xuống là khởi đầu công trình tạo dựng mới. Cũng vì thế trong phần đáp ca sau bài đọc 1 hôm nay, cộng đoàn phụng vụ hát lên : “Lạy Chúa, xin gửi thần khí tới để đổi mới bộ mặt trái đất”. Chúa Thánh Thần là Đấng đổi mới bộ mặt trái đất.

 

2. Hội Thánh cử hành lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống năm 2020 trong bối cảnh chưa từng có : đại dịch Covid-19 gây ra những thiệt hại hết sức nặng nề, không những về số người bị nhiễm virus và số tử vong rất lớn, mà còn phải kể đến những hậu quả lâu dài về mọi mặt trong đời sống xã hội, không chỉ riêng ở một quốc gia nào nhưng trên toàn thế giới. Chính vì thế, cùng với những nỗ lực ngăn chặn sự lây lan virus, bảo vệ mạng sống người dân, bắt đầu nổi lên nhiều lời kêu gọi đổi mới : thế giới không thể tiếp tục như cũ, phải đổi mới, đổi mới vận hành kinh tế, đổi mới tổ chức xã hội, đổi mới chính trị. Cũng từ đó, câu hỏi quan trọng xuất hiện : Chúa Thánh Thần là Đấng đổi mới bộ mặt trái đất, vậy Ngài đổi mới cái gì, đổi mới thế nào? Người tin Chúa có thể góp phần ra sao vào công cuộc đổi mới của Chúa Thánh Thần?

Lời Chúa không giới thiệu bất cứ kế hoạch đổi mới nào nhưng chỉ cho thấy công trình đổi mới của Chúa Thánh Thần là đổi mới từ bên trêntừ bên trong.

Đổi mới từ bên trên : khi kể về công trình tạo dựng thưở ban đầu, sách Sáng Thế viết, “Thần khí Chúa bay lượn trên mặt nước”(St 1,2); và khi tường thuật biến cố Hiện Xuống, sách Công Vụ mô tả, “Gió mạnh từ trời ùa vào nhà” (Cv 2,1).  Cả hai bản văn đều diễn tả tác động từ bên trên, từ Thiên Chúa, vì chính Chúa là chủ thể đổi mới trái đất theo định hướng từ thưở ban đầu, tức là một thế giới trong đó con người sống hài hòa với Đấng Tạo Hóa, với nhau, với thiên nhiên vạn vật.

Lịch sử thế giới đã chứng kiến nhiều nỗ lực đổi mới xã hội, tiếc thay chỉ là những nỗ lực từ bên dưới, hành động phát xuất từ căm thù và bạo lực, thế nên người ta nhân danh đổi mới, xây dựng nhân loại mới để tiến hành những cuộc chiến tranh đẫm máu, hủy diệt lẫn nhau. Cuối cùng, đổi mới chỉ có nghĩa là một cuộc đổi ngôi : giai cấp bị trị trở thành giai cấp thống trị mới và tình hình cũng không sáng sủa gì hơn, có khi còn tệ hại hơn trước.

Đổi mới từ bên trong : bài Tin Mừng theo thánh Gioan kể rằng : “Chúa thổi hơi vào các ông và bảo, anh em hãy nhận lấy Thánh Thần” (Ga 20,22). Hành động này của Chúa Kitô Phục sinh nhắc chúng ta nhớ lại việc Thiên Chúa tạo dựng con người đầu tiên : “Chúa là Thiên Chúa lấy bụi từ đất nặn ra con người, thổi sinh khí vào lỗ mũi, và nắm đất trở nên một sinh vật” (St 2,7). Thổi hơi luôn luôn là thổi hơi vào bên trong, hơi thở rất nhẹ, nhưng làm nên sự sống và chính là nguồn sống, hết thở là hết sống. Công trình đổi mới của Chúa Thánh Thần là đổi mới từ bên trong chứ không phải chỉ ở bên ngoài, nghĩa là đổi mới từ trong tâm hồn, cách nhìn, cách nghĩ, rồi tác động lên cách sống, cách thiết lập những tương quan xã hội.

Lịch sử thế giới cũng ghi lại rất nhiều cuộc cách mạng để xây dựng cơ cấu xã hội mới, nhưng vì chỉ đổi mới cơ cấu bên ngoài mà tâm hồn không đổi mới nên cuối cùng chính con người lại biến xã hội mới đó thành cơ chế áp bức, có khi còn  tệ hại hơn trước.

 

3. Con người là hữu thể có ý chí tự do và Chúa Thánh Thần tôn trọng tự do của chúng ta, vì thế Kitô hữu được mời gọi sử dụng tự do của mình mà cộng tác với Ngài trong công cuộc đổi mới.

Vì Chúa Thánh Thần đổi mới từ bên trên, nên chúng ta phải cầu nguyện để đón nhận ơn ban, xin ơn khôn ngoan để phân định đâu là thánh ý Thiên Chúa, xin ơn can đảm để sống và làm theo Thánh Ý.

Vì Chúa Thánh Thần đổi mới từ bên trong, nên chúng ta phải cộng tác với Ngài để thanh tẩy tâm hồn, làm phát sinh những hoa quả của Thần Khí như thánh Phaolô nói : “Hoa quả của Thần khí là bác ái, vui tươi, bình an, nhẫn nhục, từ tâm, trung tín, hiền hòa, tiết độ” (Gal 5,22).

Hãy bắt đầu từ chính bản thân mình. Chỉ đòi hỏi người khác và xã hội đổi mới mà chính mình không chịu đổi mới, e rằng chỉ là ngụy biện và giả hình. Vì thế, hãy xin Chúa Thánh Thần ngự đến đổi mới tâm hồn và con người chúng ta, và biến chúng ta thành khí cụ của Ngài trong công trình đổi mới thế giới. Amen.

+ Gm. Phêrô Nguyễn Văn Khảm