03/06/2022
7740
Đức Cha Phêrô suy niệm CN lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống năm C 2022


 














 


CHÚA NHẬT LỄ CHÚA THÁNH THẦN HIỆN XUỐNG

Cv 2,1-11; 1Cr 12,3b-7.12-13; Ga 20,19-23  


VENI CREATOR SPIRITUS

 

 

1. Trong trình thuật về việc Chúa Thánh Thần được ban xuống, thánh Luca viết: “Bỗng từ trời phát ra một tiếng động như tiếng gió mạnh ùa vào đầy cả căn nhà” (Cv 2,2). Còn thánh Gioan kể: “Người thổi hơi vào các ông và bảo: Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần” (Ga 20,22). Gióhơi thở là những từ trong tiếng Việt dịch từ ruah trong tiếng Do Thái và pneuma trong tiếng Hi Lạp. Ruah vừa có nghĩa là gió, vừa có nghĩa là hơi thở, và hai từ này liên hệ chặt chẽ với nhau. Trong thiên nhiên, gió là sức mạnh vô cùng và không thể kiểm soát được: “Gió muốn thổi đâu thì thổi, ông nghe tiếng gió nhưng không biết gió từ đâu đến và đi đâu” (Ga 3,8). Hình ảnh ngọn gió được dùng trong Kinh Thánh để diễn tả quyền năng, tính siêu việt và sự tự do của Thánh Thần Thiên Chúa. Ngược lại, hơi thở diễn tả sự êm ái, nhẹ nhàng, bình lặng và nội tại của Thánh Thần. Chúa Thánh Thần là sức mạnh êm ái mà vô cùng mạnh mẽ, âm thầm mà rất mãnh liệt, có thể biến đổi toàn diện một con người và xoay chuyển lịch sử thế giới.

Trong trình thuật Tạo dựng, sách Sáng Thế dùng ngôn ngữ biểu tượng để nói về việc Thiên Chúa dựng nên Adam: “Thiên Chúa lấy bụi từ đất nặn ra con người, thổi sinh khí vào lỗ mũi, và con người trở nên một sinh vật” (St 2,7). Như thế, con người là một hữu thể vừa có yếu tố thể xác vừa có yếu tố tinh thần, hoặc nói đơn giản là hữu thể xác-hồn. Trong Giáo lý Công giáo, từ linh hồn được dùng để chỉ phần thâm sâu nhất trong con người, làm cho con người nên hình ảnh Thiên Chúa, là nguyên lý tinh thần nơi con người (x. SGLHTCG 362-363). Nay Đức Kitô Phục Sinh hiện đến với các môn đệ, “Người thổi hơi vào các ông và bảo: Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần” (Ga 20,22). Phục sinh là công trình tạo dựng mới. Ở đây Đấng Phục sinh thổi hơi, ban Thánh Thần, biến đổi các môn đệ thành những con người mới: những con người trước đây đầy sợ hãi, nhốt mình trong căn phòng đóng kín, nay bước ra giữa quảng trường mạnh dạn loan báo Tin Mừng; những con người vốn thuộc tầng lớp bình dân trong xã hội, nay lên tiếng rao giảng những kỳ công của Thiên Chúa cho muôn dân.

2. Khi suy tư về Chúa Thánh Thần và Hội Thánh, thánh Augustinô đã dùng hình ảnh linh hồn để diễn tả: “Tinh thần hay linh hồn chúng ta tương quan với các chi thể thế nào, thì Chúa Thánh Thần cũng thế đối với các chi thể của Đức Kitô, đối với Thân Thể Đức Kitô là Hội Thánh”. So sánh ấy làm nổi bật vai trò của Chúa Thánh Thần là nguyên lý tác sinh và nguyên lý hiệp nhất.

Nil Guillemette chia sẻ một cảm nghiệm cụ thể mà sâu sắc thế này: “Khi tôi chứng kiến cái chết của một người thân, người bạn hay người bà con mà tôi quen biết lâu năm, tôi phát hiện một điều lạ lùng. Trong khoảnh khắc người thân của tôi còn sống, người ấy hiện diện trước mặt tôi. Cho dù người ấy bị rơi vào hôn mê, hoàn toàn không biết gì về thế giới chung quanh, tôi vẫn thấy như thể người ấy thực sự chia sẻ thế giới của tôi, là một phần trong thế giới của tôi. Thế rồi, khi người ấy qua đời, tôi ngỡ ngàng khám phá ra rằng người thân của tôi không còn đó nữa. Người mà tôi yêu thương trải qua một sự thay đổi sâu xa. Tôi vẫn nhận ra thân thể người ấy, chỉ khác một điều là không thở nữa. Những nét trên khuôn mặt vẫn thế nhưng có một cái gì đó hết sức nền tảng đã biến mất khỏi người thân của tôi. Người mà tôi nhìn thấy trước mặt mình không còn là con người trước đây nhưng chỉ là vỏ bọc. Trước khi cái chết đến, tôi đối diện với một con người, còn bây giờ tôi đối diện với một vật thể. Một X-factor (nhân tố bí ẩn) đã biến mất khỏi người thân của tôi, làm thay đổi người ấy cách sâu xa. Theo trực giác và rất phổ biến, mọi người ở mọi nơi và mọi thời gọi nhân tố bí ẩn ấy là linh hồn” (Hearts Burning, 357). Chia sẻ này làm nổi bật ý nghĩa linh hồn là nguyên lý tác sinh nơi một con người. Cũng thế, Thánh Thần là “nguyên lý mọi hành động tác sinh và thực sự có giá trị cứu độ trong mỗi phần của Thân Thể” (SGLHTCG 798). Ngài hoạt động bằng nhiều cách để mang lại sức sống cho Hội Thánh: bằng Lời Chúa; bằng Bí tích Rửa Tội và các Bí tích; bằng các nhân đức; bằng các đặc sủng để giúp các tín hữu đảm nhận những phận vụ khác nhau trong việc canh tân, xây dựng và phát triển Hội Thánh.

Không những là nguyên lý tác sinh, Thánh Thần còn là nguyên lý hiệp nhất. Ngày xưa, nếu việc xây dựng tháp Babel thất bại vì ngôn ngữ bất đồng, thì trong ngày lễ Ngũ Tuần, mọi người thuộc nhiều dân tộc và ngôn ngữ khác nhau được liên kết nên một nhờ Thánh Thần: các tông đồ “nói các thứ tiếng khác, tùy theo khả năng Thánh Thần ban cho”, và mọi người “kinh ngạc vì ai nấy đều nghe các ông nói tiếng bản xứ của mình” (Cv 2,11). Chúa Thánh Thần vẫn tiếp tục hoạt động trong Hội Thánh như thế: “Có nhiều đặc sủng khác nhau nhưng chỉ có một Thần Khí. Có nhiều việc phục vụ khác nhau nhưng chỉ có một Chúa. Có nhiều hoạt động khác nhau nhưng vẫn chỉ có một Thiên Chúa làm mọi sự trong mọi người” (1Cr 12,4-7). Hiệp nhất không phải là đồng nhất nhưng là hài hòa trong đa dạng và khác biệt, như Đức Giáo hoàng Phanxicô nhấn mạnh: “Chúa Thánh Thần là bậc thầy của sự hài hòa… Ngài là chính sự hài hòa”.

3. Chúng ta nên làm gì để đón nhận Chúa Thánh Thần? Tường thuật về hoạt động của các Tông đồ trong thời gian từ sau biến cố Chúa lên trời đến lễ Ngũ Tuần, sách Công vụ viết: “Bấy giờ các ông từ núi gọi là núi Ôliu trở về Giêrusalem. Núi này ở gần Giêrusalem, cách đoạn đường được phép đi trong ngày sabat. Trở về nhà, các ông lên lầu trên là nơi các ông trú ngụ… Tất cả các ông đều đồng tâm nhất trí, chuyên cần cầu nguyện cùng với mấy người phụ nữ, với bà Maria thân mẫu Chúa Giêsu, và với anh em của Chúa Giêsu (Cv 1,12-14).

Như thế, hoạt động chính yếu của các Tông đồ trong những ngày này là cầu nguyện, và đây cũng là điều chúng ta phải làm. Nếu Thánh Thần là Gió thì phải mở cửa ra đón gió cho ngôi nhà thoáng mát, phải giương buồm lên đón gió để đẩy thuyền đi nhanh trên biển cả trần gian. Nếu Thánh Thần là Hơi thở thì phải hít thở cho đầy buồng phổi để thân thể khỏe mạnh. Cầu nguyện là như thế, là mở rộng cánh cửa tâm hồn đón ngọn gió Thánh Thần, là hít thở Thần Khí để dưỡng nuôi và làm tăng trưởng sự sống. “Hít thở gồm hai giai đoạn: hít vào và thở ra. Đời sống thiêng liêng được nuôi dưỡng bằng cầu nguyện và thi hành sứ mệnh. Khi chúng ta hít vào bằng cầu nguyện, chúng ta đón nhận làn khí trong lành của Thánh Thần” ĐGH Phanxicô).

“Lạy Chúa Thánh Thần, xin ngự đến, cho tâm hồn tín hữu được nhuần thấm muôn ơn, và cháy lửa yêu mến Ngài”.

+ Gm. Phêrô Nguyễn Văn Khảm