27/05/2022
7202
Đức Cha Phêrô suy niệm CN lễ Chúa Thăng Thiên năm C 2022


 














 


CHÚA NHẬT LỄ CHÚA THĂNG THIÊN

Cv 1,1-11; Ep 1,17-23; Lc 24,46-53  



 

1. Cuộc thăng thiên của Chúa Giêsu diễn ra tại núi Ôliu, và cách đó không xa lắm là Núi Sọ, nơi Chúa chịu đóng đinh vào thập giá (x. Ga 19,17). Cũng một Đấng đã chịu đóng đinh thập giá trên núi Sọ nay được tôn vinh trên núi Ôliu. Hai ngọn núi: núi khổ nhục và núi vinh quang, và cả hai đều liên quan đến một con người được xưng tụng là Đấng Cứu độ, điều đó có nghĩa gì?

Chúa Giêsu bị bắt, bị xử án và cuối cùng chịu đóng đinh vào thập giá vì chân lý như Ngài nói với tổng trấn Philatô: “Tôi đã sinh ra và đã đến thế gian là để làm chứng cho sự thật. Ai đứng về phía sự thật thì nghe tiếng tôi” (Ga 18,37). Chân lý cao cả nhất mà Chúa Giêsu rao giảng và làm chứng là Tình Yêu viết hoa. Ngay cả trong giây phút cùng cực của khổ đau, cô đơn và bị ruồng bỏ, Ngài vẫn xin ơn tha thứ cho những kẻ làm hại mình: “Lạy Cha, xin tha cho họ vì họ không biết việc họ làm” (Lc 23,34). Khi Chúa Giêsu chịu đóng đinh vào thập giá, điều đó cũng có nghĩa là sứ điệp chân lý và tình yêu của Ngài bị phủ nhận, bị vùi giập, hoàn toàn thất bại. Và số phận của những ai đi theo con đường của Giêsu cũng thế! Thế giới từ nay hoàn toàn bị thống trị bởi gian dối và hận thù, những ai muốn sống theo chân lý và tình yêu sẽ bị hủy diệt không thương tiếc.

Thế nhưng Đấng chịu đóng đinh thập giá đã sống lại và nay được đem lên trời, có đám mây quyện lấy Người khiến các môn đệ không còn thấy Người nữa (x. Cv 1,9). Đám mây ở đây gợi nhớ đám mây khi Chúa Giêsu hiển dung trên núi thánh (x. Mt 17,5; Lc 9,34-35). Đám mây ở đây làm chúng ta liên tưởng đến lời sứ thần Gabriel nói với Đức Maria trong ngày truyền tin: “Thánh Thần sẽ ngự xuống trên bà và quyền năng Đấng Tối Cao sẽ rợp bóng trên bà” (Lc 1,35). Như thế, đám mây ở đây không mang ý nghĩa vật lý nhưng là hình ảnh về sự hiện diện của Thiên Chúa. Chúa Giêsu lên trời không có nghĩa là Ngài du hành đến các vì sao nhưng là bước vào mầu nhiệm Thiên Chúa. Vì thế, Chúa lên trời không phải là rời xa các môn đệ nhưng là hiện diện bên các môn đệ bằng một cách thế hiện diện mới. Cũng vì vậy, thay cho nỗi buồn phiền vì xa cách, tâm hồn các môn đệ tràn ngập niềm vui đức tin: “Các ông bái lạy Người, rồi trở lại Giêrusalem, lòng đầy hoan hỉ và hằng ở trong Đền Thờ mà chúc tụng Thiên Chúa” (Lc 24,52-53).

 

2. Đấng đã chết trên thập giá nay sống lại và được tôn vinh. Chúa Cha “đã tôn Đức Kitô lên trên mọi quyền lực thần thiêng, trên mọi tước vị có thể có, không những trong thế giới hiện tại mà cả trong thế giới tương lai” (Ep,21). Chân lý và tình yêu bị vùi giập nay vươn cao và các môn đệ được kêu gọi làm chứng cho những điều ấy: “Anh em sẽ nhận được sức mạnh của Thánh Thần khi Người ngự xuống trên anh em. Bấy giờ anh em sẽ là chứng nhân của Thầy tại Giêrusalem, trong khắp miền Giuđê và Samari và cho đến tận cùng trái đất” (Cv 1,8).

Làm chứng cho Thầy Giêsu là làm chứng rằng Ngài đã sống lại từ cõi chết và là Đấng hằng sống. Làm chứng cho Thầy là tuyên xưng rằng Chúa Giêsu là Đường, đường của Sự Thật, và đường dẫn đến Sự Sống. Hơn thế nữa, làm chứng cho Thầy không chỉ bằng lời tuyên xưng mà còn bằng chính cuộc sống gắn kết với Thầy, và nếu cần, dám hi sinh cả mạng sống vì lời chứng ấy.

 

3. Lễ Thăng Thiên cũng được Hội Thánh Công giáo chọn là Ngày Thế Giới Truyền Thông, mời gọi các tín hữu vận dụng phương tiện truyền thông để làm chứng và loan báo Tin Mừng Chúa Giêsu. Chưa bao giờ các phương tiện truyền thông phát triển mạnh mẽ và tinh vi như ngày nay, biến thế giới rộng lớn thành một ngôi làng toàn cầu. Trong mạng lưới toàn cầu và thế giới kỹ thuật số ấy, Chúa Giêsu và Tin Mừng của Ngài có được biết đến chăng, hay càng ngày hình ảnh Chúa Giêsu càng bị che khuất dưới khối lượng khổng lồ các thông tin và hình ảnh phản Tin Mừng? Đó là câu hỏi nhức nhối cho Hội Thánh và những ai tha thiết với sứ mạng loan báo Tin Mừng.

Chính vì thế, cần vận dụng những phương tiện truyền thông hiện đại để phục vụ công cuộc loan báo Tin Mừng. Tuy nhiên dù các phương tiện truyền thông có hiện đại đến đâu, nó vẫn chỉ là công cụ, còn vai trò chính vẫn là con người, chủ thể truyền thông. Có trong tay những phương tiện truyền thông hiện đại đến đâu chăng nữa mà không có các Kitô hữu chân chính, mang trái tim và cặp mắt của Chúa, thì cũng vô ích cho sứ mạng loan báo Tin Mừng. Nếu chúng ta thực sự gắn bó với Chúa Giêsu và tha thiết mong muốn giới thiệu Chúa cho người khác, thì trong những cuộc gặp gỡ thường ngày cũng như khi lên mạng internet hay vào mạng xã hội, tất cả đều là cơ hội làm chứng và giới thiệu Chúa cho người khác. Để có thể là chứng nhân của Thầy “đến tận cùng trái đất”, cần có những Kitô hữu thuộc về Thầy “tận đáy sâu tâm hồn”.

+ Gm. Phêrô Nguyễn Văn Khảm