11/06/2022
8377
Đức Cha Phêrô suy niệm CN lễ Chúa Ba Ngôi năm C 2022: Tình yêu Sáng Tạo, Cứu Chuộc và Thánh Hóa


 














 


CHÚA NHẬT LỄ CHÚA BA NGÔI

Cn 8,22-31; Rm 5,1-5; Ga 16,12-15  


TÌNH YÊU SÁNG TẠO, CỨU CHUỘC, THÁNH HÓA

  

 

 

1. Trong thông điệp Deus Caritas Est, ngay câu mở đầu, Đức Bênêđictô đã khẳng định: “Thiên Chúa là tình yêu, ai ở lại trong tình yêu thì người ấy ở lại trong Thiên Chúa và Thiên Chúa ở lại trong người ấy”. Những lời này trích từ Thư thứ nhất của thánh Gioan diễn tả cách rõ ràng tâm điểm của đức tin Kitô giáo, đó là hình ảnh của Kitô giáo về Thiên Chúa và theo đó là hình ảnh của Kitô giáo về con người và vận mệnh của con người”. Khẳng định này làm nổi bật tầm quan trọng của hình ảnh và quan niệm mà chúng ta có về Thiên Chúa. Tôi tin Chúa nhưng Chúa nào? Tâm trí tôi hình dung Ngài ra sao? Ngài là ai đối với tôi?

Kitô giáo tuyên xưng Thiên Chúa là Tình Yêu và kế hoạch của Ngài là “kế hoạch yêu thương” (Ep 1,9). Kế hoạch ấy “xuất phát trực tiếp từ tình yêu của Chúa Ba Ngôi. Kế hoạch ấy được thể hiện trong công trình tạo dựng, và sau khi con người sa ngã, kế hoạch ấy thể hiện trong toàn bộ lịch sử cứu độ, trong các sứ vụ của Chúa Con và Chúa Thánh Thần, được tiếp nối trong sứ vụ của Hội Thánh. Toàn bộ nhiệm cục thần linh là công trình chung của Ba Ngôi Thiên Chúa” (SGLHTCG 257-258). Vì thế lễ Chúa Ba Ngôi soi sáng cho chúng ta hiểu rõ hơn về tình yêu Thiên Chúa và sống tình yêu ấy.

2. Sáng tạo, cứu chuộc và thánh hóa là ba mặt của một tình yêu duy nhất nơi Thiên Chúa. Trước hết, tình yêu của Thiên Chúa là tình yêu sáng tạo: vũ trụ và trần gian này không phải là sản phẩm của định mệnh mù quáng hoặc một sự ngẫu nhiên nào đó, nhưng phát xuất từ sự khôn ngoan và tình yêu nhân lành của Thiên Chúa, Đấng muốn cho các thụ tạo được tham dự vào sự sống, sự khôn ngoan và sự tốt lành của Ngài: “Chúa yêu thương mọi loài hiện hữu, không ghê tởm bất cứ loài nào Chúa đã làm ra, vì giả như Chúa ghét loài nào, thì đã chẳng dựng nên. Nếu như Ngài không muốn, làm sao một vật tồn tại nổi” (Kn 11,24).

Tình yêu ấy còn là tình yêu cứu chuộc: sau khi con người sa ngã, Thiên Chúa tiếp tục thực hiện kế hoạch yêu thương của Ngài, và đỉnh cao của kế hoạch này là Ngài ban chính Con Một Ngài cho chúng ta: “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Ngài thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời” (Ga 3,16); “Tình yêu cốt ở điều này: không phải chúng ta đã yêu mến Thiên Chúa, nhưng chính Ngài đã yêu thương chúng ta và sai Con của Ngài đến làm của lễ đền tội cho chúng ta” (1Ga 4,10).

Tình yêu ấy cũng là tình yêu thánh hóa: Thiên Chúa là tình yêu và tình yêu là hồng ân đầu tiên chứa đựng tất cả mọi sự khác. Tình yêu này, “Thiên Chúa đã đổ vào lòng chúng ta, nhờ Thánh Thần mà Ngài ban cho chúng ta” (Rm 5,5), và tình yêu ấy trở thành nguyên lý của đời sống mới trong Đức Kitô (SGLHTCG 734-736).

3. Vì được tạo dựng theo hình ảnh Thiên Chúa nên chúng ta được mời gọi sống tình yêu sáng tạo, cứu chuộc và thánh hóa. Nơi thể hiện căn bản và rõ nét nhất là gia đình. Chính nơi gia đình, đôi vợ chồng cộng tác và diễn đạt tình yêu của Thiên Chúa Tạo Hóa, khi họ sinh sản và giáo dục con cái với ý thức rằng đây chính là sứ mệnh riêng của mình (x. GS 50). Chính nơi gia đình, vợ chồng, cha mẹ và con cái thể hiện tình yêu cứu chuộc, tức là chữa lành và tha thứ thay vì làm khổ nhau và loại trừ nhau: “Anh em là những người được Thiên Chúa tuyển chọn, hiến thánh và yêu thương. Vì thế anh em hãy có lòng thương cảm, nhân hậu, khiêm nhu, hiền hòa, nhẫn nại. Hãy chịu đựng và tha thứ cho nhau. Chúa đã tha thứ cho anh em, thì anh em cũng phải tha thứ cho nhau” (Col 3,12-13). Cũng chính nơi gia đình, các thành viên giúp nhau nên thánh: “Vợ chồng Kitô hữu được củng cố và như thể được thánh hiến bằng một bí tích riêng… để tất cả đời sống thấm nhuần tin, cậy, mến, họ càng ngày càng nên trọn lành nơi bản thân và thánh hóa lẫn nhau, và như thế, họ cùng nhau tôn vinh Thiên Chúa” (GS 48). Và khi họ được thánh hóa trong đời sống gia đình, họ cũng sẽ là những nhân tố tích cực trong việc thánh hóa trần gian khi tham gia vào đời sống xã hội theo tinh thần Kitô giáo: “Ở mọi nơi và trong mọi lúc, các gia đình Kitô hữu luôn là những chứng từ quý giá nhất cho Chúa Kitô đối với thế gian, qua toàn bộ nếp sống gắn kết với Tin Mừng và nêu cao gương mẫu của hôn nhân Kitô giáo” (AA 11).

Bắt đầu một ngày sống và trước khi làm một việc gì, người Công giáo có thói quen tốt là làm dấu Thánh giá và đọc “Nhân danh Cha và Con và Thánh Thần”. Nếu chúng ta hiểu rằng nhân danh Thiên Chúa Ba Ngôi là nhân danh Tình yêu sáng tạo, cứu chuộc và thánh hóa, và để cho tình yêu ấy dẫn lối, thì mọi việc chúng ta làm sẽ trở thành lời tôn vinh Thiên Chúa, đem lại ơn ích thiêng liêng cho chính bản thân, và sinh ích cho nhiều người.

+ Gm. Phêrô Nguyễn Văn Khảm