29/05/2021
4330
Đức Cha Phêrô suy niệm CN LỄ CHÚA BA NGÔI


 














 

LỄ CHÚA BA NGÔI

Đnl 4,32-34.39-40; Rm 8,14-17; Mt 28,16-20  

  



 

1. Đời sống Kitô hữu bắt đầu bằng Phép Rửa nhân danh Cha và Con và Thánh Thần, như Chúa Giêsu truyền dạy các Tông đồ: “Thầy đã được trao toàn quyền trên trời dưới đất. Vậy anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép Rửa cho họ nhân danh Cha và Con và Thánh Thần, dạy bảo họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho anh em” (Mt 28,18-19). Làm Phép Rửa nhân danh Ba Ngôi không chỉ là một công thức phải theo nhưng còn diễn tả nền tảng đời sống đức tin Kitô giáo: tôi tin vào ai và tôi sống thế nào khi trở thành Kitô hữu.

2. Tuyên xưng niềm tin vào Thiên Chúa Ba Ngôi trước hết là tuyên xưng rằng Thiên Chúa là Chúa duy nhất, như ông Môsê nói với dân Israel trong bài đọc 1: “Hôm nay anh em phải biết và để tâm suy niệm điều này: trên trời cao cũng như dưới đất thấp, chính Chúa là Thiên Chúa chứ không có thần nào khác nữa” (Đnl 4,39). Đây là chân lý căn bản và quan trọng nhất đến độ có thể nói rằng toàn bộ Cựu Ước, từ Môsê đến các tiên tri, đều không ngừng nhắc nhớ chân lý này: “Nghe đây, hỡi Israel, Đức Chúa, Thiên Chúa chúng ta, là Chúa duy nhất. Hãy yêu mến Chúa, Thiên Chúa của anh em hết lòng, hết dạ, hết sức anh em. Những lời tôi truyền cho anh em hôm nay, anh em phải ghi tạc vào lòng. Anh em phải lặp lại những lời ấy cho con cái, phải nói lại cho chúng lúc ngồi trong nhà cũng như lúc đi đường, khi đi ngủ cũng như khi thức dậy, phải buộc những lời ấy vào tay làm dấu, mang trên trán làm phù hiệu, phải viết lên khung cửa nhà anh em, lên cửa thành của anh em” (Đnl 6,4-9).

Phải luôn tâm niệm như thế “lúc ở nhà cũng như lúc đi đường, khi đi ngủ cũng như khi thức dậy” vì trong thực tế, dân Chúa dễ sa đà vào việc thờ thần ngoại. Hãy nhớ lại những sự kiện dân Israel thờ bê vàng, hoặc tiên tri Elia thách đấu với các tư tế Baal trên núi Carmel, để hiểu cơn cám dỗ đó lớn ra sao.

Ngày nay cũng thế, các Kitô hữu cũng bị cám dỗ như dân Chúa xưa, có lẽ không phải về mặt tuyên xưng công khai ngoài miệng cho bằng qua những chọn lựa trong cuộc sống. Đối với tôi, Thiên Chúa có thực sự là Chúa duy nhất và là Chủ cuộc đời, hay trong thực tế, tiền bạc, quyền lực, khoái lạc mới là ông chủ cuộc đời tôi? Ai và điều gì đang chiếm vị trí tối thượng trong tâm hồn tôi, chi phối những quyết định của tôi? Chân thành trả lời những câu hỏi đó sẽ giúp chúng ta khám phá sự thật về đời sống đức tin của mình.

3. Thiên Chúa duy nhất không có nghĩa là Thiên Chúa cô độc và xa cách nhưng là Thiên Chúa tình yêu, và tình yêu giả thiết những tương quan. Đó chính là điều mà Chúa Giêsu bày tỏ cho chúng ta khi mặc khải Thiên Chúa duy nhất là Cha và Con và Thánh Thần. Để giải thích mầu nhiệm này, Hội Thánh dùng những thuật ngữ như “bản thể” và “ngôi vị” để trình bày. Để gần gũi và cụ thể hơn, chúng ta có thể nói về Thiên Chúa Ba Ngôi là Đấng ở trên, ở với, và ở trong chúng ta.

Thiên Chúa là Đấng ở trên chúng ta vì Người là Đấng siêu việt như thánh Phaolô dạy: “Chỉ mình Người là Đấng trường sinh bất tử, ngự trong ánh sáng siêu phàm, Đấng không một người nào đã thấy hay có thể thấy. Kính dâng Người danh dự và uy quyền đến muôn đời. Amen.” (1Tm 6,16). Thiên Chúa vượt trên tất cả những hình ảnh hay khái niệm mà con người có thể nghĩ ra để nói về Ngài. Trước những khám phá của khoa học hiện đại về vũ trụ, nhà thần học Karl Rahner viết: “Chúng ta không thể nghĩ về Thiên Chúa đang điều khiển thế giới cách ngây ngô như trước nữa. Chúng ta không thể làm thế, không phải vì Thiên Chúa đã chết, nhưng vì Người là Đấng vĩ đại hơn nhiều, Đấng không thể gọi tên, Đấng bất khả đạt thấu, Đấng là nền tảng mọi sự” (Science as a Confession, 389).

Thiên Chúa ở trên chúng ta, đồng thời Ngài cũng là Đấng ở với chúng ta. Thiên Chúa đã bày tỏ chân lý này trong suốt lịch sử cứu độ. Khi sai Môsê thi hành sứ mạng hầu như bất khả là đến gặp Pharao của Ai Cập, yêu cầu ông để dân Israel ra đi, Thiên Chúa nói với Môsê: “Ta sẽ ở với ngươi” (Xh 3,12). Khi truyền tin cho Đức Mẹ, sứ thần nói với Mẹ: “Chúa ở cùng bà” (Lc 1,28). Đỉnh cao là chính Chúa Giêsu, Thiên Chúa làm người: “Này đây, Trinh Nữ sẽ thụ thai và sinh hạ một con trai, người ta sẽ gọi tên con trẻ là Emmanuel, nghĩa là Thiên-Chúa-ở-cùng-chúng-ta” (Mt 1,23). Và lời hứa của Chúa Giêsu với các môn đệ: “Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế” (Mt 28,20). Đấng Thiên Chúa siêu việt cũng là Đấng ở với chúng ta trong mọi hoàn cảnh vui buồn của đời sống, trong hạnh phúc cũng như trong đau khổ, để đồng hành và nâng đỡ chúng ta.

Không chỉ ở với chúng ta, Thiên Chúa còn ở trong chúng ta. Chúa Giêsu nói về Chúa Thánh Thần là Đấng “luôn ở giữa anh em và ở trong anh em” (Ga 14,17). Hội Thánh Công giáo hiểu lương tâm là “nơi thẳm sâu thầm kín, là cung thánh của lòng người, nơi đây chỉ còn một mình con người với Thiên Chúa, Đấng đang lên tiếng trong thâm tâm họ” (Gaudium et Spes, 16).

Thiên Chúa Ba Ngôi là Thiên Chúa tình yêu, tình yêu bao bọc, chở che, nâng đỡ cã vũ trụ cũng như mỗi thụ tạo. Tin vào Thiên Chúa Ba Ngôi là mở lòng đón nhận tình yêu ấy và được thúc đẩy chia sẻ tình yêu với mọi người.

+ Gm. Phêrô Nguyễn Văn Khảm