30/01/2021
1427
Đức Cha Phêrô suy niệm CN IV TN B: CUỘC CHIẾN CUỐI CÙNG


 














 

CHÚA NHẬT IV THƯỜNG NIÊN

Đnl 18,15-20; 1Cr 7,32-35; Mc 1,21-28  


CUỘC CHIẾN CUỐI CÙNG 

 


 

Trong các Chúa nhật Mùa Thường Niên, mỗi năm Hội Thánh mời các tín hữu nghe sách Tin Mừng của một tác giả, chẳng hạn trong năm 2021 (Năm B), chúng ta nghe đọc liên tục Tin Mừng theo thánh Marcô. Cùng với bài Tin Mừng, Hội Thánh chọn bài đọc 1 từ nhiều sách trong Cựu Ước để làm nổi bật chủ đề của ngày lễ.

 

1. Bài đọc 1 hôm nay được trích từ sách Đệ nhị luật, gồm những bài giảng của ông Môsê dạy dỗ dân trước khi họ qua sông Giođan để vào Đất Hứa. Trong bài đọc này, Môsê nói với dân về vị tiên tri tương lai: “Từ giữa anh em, Chúa là Thiên Chúa của anh em sẽ cho xuất hiện một tiên tri như tôi để giúp anh em, anh em hãy nghe vị ấy”. Tiếp theo, bài Tin Mừng kể lại việc Chúa Giêsu rao giảng như Đấng có uy quyền, và làm phép lạ trừ quỷ. Nếu chúng ta liên kết câu chuyện Tin Mừng với bài đọc 1, sẽ hiểu rằng Chúa Giêsu chính là vị tiên tri mà Môsê nói tới.

 

Thật vậy, giữa ông Môsê và Chúa Giêsu có nhiều điểm tương đồng. Môsê là người được Chúa chọn để truyền lại Lời Chúa cho dân và ban hành Luật cho dân, gọi là Luật Môsê, và ông cũng được coi là tác giả của bộ Ngũ Thư. Cũng vậy, Chúa Giêsu là Đấng rao giảng có uy quyền chứ không như các luật sĩ. Ngài không chỉ giải thích Luật Môsê như các rabbi nhưng còn ban hành luật và làm cho Luật Môsê được kiện toàn (x. Mt 5,17): “Các ngươi đã nghe Luật dạy người xưa rằng….Còn Ta, Ta bảo các ngươi…”.

 

Môsê là người lãnh đạo cuộc giải phóng dân Israel ra khỏi Ai Cập để bắt đầu hành trình tiến tới miền đất tự do. Cũng thế và còn hơn thế, Chúa Giêsu trừ quỷ, nghĩa là Ngài lãnh đạo cuộc giải phóng nhân loại khỏi sự khống chế và ách nô lệ Satan. Chính ma quỷ hiểu rõ điều đó nên nó la lên: “Ông Giêsu Nazarét, chuyện chúng tôi có can gì đến ông, ông đến tiêu diệt chúng tôi sao? Tôi biết ông là ai: ông là Đấng Thánh của Thiên Chúa!”.

 

2. Khi ma quỷ la lên: “Ông đến để tiêu diệt chúng tôi sao?” thì lời đó gợi lên hình ảnh cuộc chiến tranh và đúng như thế. Đó là cuộc chiến giữa Thiên Chúa và ma quỷ, giữa vương quốc Thiên Chúa và sự thống trị của Satan. Satan là kẻ tìm cách phá đổ chương trình của Thiên Chúa từ ban đầu khi cám dỗ Tổ tông loài người là Adam và Eva. Khi Chúa Giêsu bắt đầu sứ vụ công khai, Satan cũng tìm cách cám dỗ Ngài đi theo đường lối của nó. Và Satan tiếp tục tấn công Hội Thánh và những ai tin vào Chúa Giêsu, bằng nhiều thủ đoạn và dưới nhiều hình thức khác nhau như thánh Phêrô cảnh giác chúng ta: “Ma quỷ, thù địch của anh em, như sư tử gầm thét rảo quanh tìm mồi cắn xé. Anh em hãy đứng vững trong đức tin mà chống cự” (1Pr 5,8b-9). Cho nên tin vào Chúa Giêsu và bước theo đường Chúa đi là chấp nhận chiến đấu với ma quỷ, nhưng chúng ta xác tín rằng chiến thắng cuối cùng thuộc về Thiên Chúa, như Chúa Giêsu phán khi trừ quỷ: “Hãy im đi và hãy ra khỏi người này” (Mc 1,25).

 

3. Cuộc chiến giữa Thiên Chúa và ma quỷ có thể xảy ra trong chính mỗi gia đình. Đức hồng y Caffara kể rằng khi Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II trao cho ngài nhiệm vụ thành lập Học viện giáo hoàng về Hôn nhân và Gia đình, quen gọi là Học viện Gioan Phaolô II, ngài đã viết thư cho nữ tu Lucia – một trong ba trẻ được gặp Đức Mẹ hiện ra ở Fatima, để xin chị cầu nguyện cho. Nữ tu Lucia đã trả lời bằng lá thư dài, hiện còn lưu trữ ở Học viện, trong đó chị viết: “Cuộc chiến cuối cùng giữa Thiên Chúa và Satan sẽ là cuộc chiến về hôn nhân và gia đình”.

 

Nhìn vào thực tế ngày nay, xem ra nữ tu Lucia đã nói rất đúng như Đức Giáo hoàng Phanxicô nhận định: “Ngày nay có một cuộc chiến toàn cầu nhằm hủy diệt hôn nhân…không phải bằng vũ khí nhưng bằng các ý tưởng…chúng ta phải bảo vệ chính mình khỏi thứ thực dân về ý thức hệ” (Tháng 3/2016). Đúng thế, chưa bao giờ đời sống hôn nhân và gia đình bị thử thách nặng nề như ngày nay: không chỉ là li hôn, phá thai, mại dâm, nhưng còn là những lý thuyết mới muốn phá tận gốc rễ truyền thống hôn nhân và gia đình như lý thuyết về giới, chuyển giới, hôn nhân đồng tính….Ngay tại những quốc gia vốn có truyền thống Kitô giáo lâu đời, tình trạng cũng rất nặng nề. Gia đình là tế bào căn bản của xã hội và Giáo hội, một khi gia đình tan rã, chắc chắn sẽ gây tác động và hậu quả rất lớn trên toàn xã hội và Giáo hội.

 

Hãy củng cố đời sống hôn nhân và gia đình theo ánh sáng Lời Chúa. Đây không chỉ là cuộc chiến đấu cho hạnh phúc gia đình nhưng còn là cuộc chiến đấu vì Nước Trời.

+ Gm. Phêrô Nguyễn Văn Khảm