18/12/2021
11809
Đức Cha Phêrô suy niệm CN IV MV C 2021: ĐEM CHÚA VÀO ĐỜI


 














 


 

CHÚA NHẬT IV MÙA VỌNG

Mk 5,1-4a; Hr 10,5-10; Lc 1,39-45  


ĐEM CHÚA VÀO ĐỜI

 



 

1. Giáng Sinh đã gần kề. Tên gọi Bêlem thân thương bắt đầu vang lên: “Phần ngươi, hỡi Bêlem Ephratha, ngươi nhỏ bé nhất trong các thị tộc Giuđa, nhưng từ nơi ngươi, Ta sẽ cho xuất hiện một vị có sứ mạng thống lĩnh Israel” (Mk 5,1). Bêlem là nơi tiên tri Samuel được Chúa sai đến để xức dầu phong vương cho một người con của ông Giessê (x. 1Sm 16,1-13), và điều Samuel không ngờ là Chúa lại chọn người con út trong gia đình là Đavít, một thiếu niên “có mái tóc hung, đôi mắt đẹp và khuôn mặt xinh xắn”. Chàng thiếu niên ấy sau này trở thành vị minh quân và để lại dấu ấn sâu đậm trong lịch sử Israel.

Quan trọng hơn nhiều, cũng tại Bêlem sẽ xuất hiện Đấng mà tiên tri Mica loan báo, Đấng sẽ được sinh ra trong thời gian nhưng lại có trước thời gian: “Nguồn gốc của Người có từ thời trước, từ thuở xa xưa” (Mk 5,1); Đấng mà khi Ngài sinh ra, “muôn vàn thiên binh hợp với sứ thần cất tiếng ngợi khen Thiên Chúa rằng: Vinh danh Thiên Chúa trên trời, bình an dưới thế cho loài người Chúa thương” (Lc 2,13-14). Gắn với sự ra đời của Đấng ấy là một người nữ tên là Maria, được sứ thần gọi bằng tên mới là “Đấng đầy ân phúc” (Lc 1,28), và bà Elisabeth được đầy Thánh Thần đã kêu lên: “Em được chúc phúc hơn mọi người phụ nữ, và người con em đang cưu mang cũng được chúc phúc” (Lc 1,42).

2. Bài Tin Mừng hôm nay kể chuyện người phụ nữ ấy đến thăm bà Elisabeth (Lc 1,39-45), vì thế vẫn được gọi là trình thuật Thăm viếng, hàm nghĩa Đức Maria là người có tấm lòng nhân hậu, nghe tin người chị có thai trong lúc tuổi già nên mau mắn đến thăm và giúp đỡ. Thế nhưng cách kể chuyện của tác giả Luca lại khiến người đọc phải tự hỏi: Phải chăng chỉ là chuyện viếng thăm giữa con người với nhau hay còn chuyện gì lớn lao hơn? Phải chăng chỉ là con người đến thăm con người hay còn là Thiên Chúa đến thăm con người?

Hỏi như thế là vì thánh Luca kể rằng khi vừa nghe tiếng chào của Đức Maria thì đứa con trong bụng bà Elisabeth đã nhảy lên vui sướng! Và bà Elisabeth được đầy Thánh Thần lại xưng tụng Đức Maria là “Thân mẫu Chúa tôi”! Từ kurios (Chúa) trong tiếng Hi Lạp là từ được các tác giả Tân Ước dùng để nói về Yahweh trong Cựu Ước (x. Mt 1,20,22; Lk 1,6), và cũng dùng từ kurios này để nói về Chúa Giêsu (x. Mc 1,2-3; Cv 2,21). Đồng thời, sự kiện Gioan nhảy mừng trong bụng mẹ không thể không làm cho người quen với Kinh Thánh Cựu Ước liên tưởng đến hình ảnh vua Đavít nhảy mừng trước Hòm Bia, “trước nhan Đức Chúa” khi rước Hòm Bia về Giêrusalem (x. 2Sm 6,14). Nếu Đavít nhảy mừng trước Hòm Bia thì Gioan cũng nhảy mừng khi Đức Maria đến nhà vì Đức Maria là Hòm Bia Thiên Chúa, cung lòng của Mẹ là nơi Thiên Chúa chí thánh đang hiện diện. Và như thế, đây không chỉ là chuyện Đức Maria đến thăm bà Elisabeth nhưng là chuyện Thiên Chúa đến thăm con người, và Gioan là đại diện cho một nhân loại mới vui mừng đón tiếp Đấng quân vương.

Điều đáng nói ở đây là để đến ở với loài người, Thiên Chúa đã “mượn” cung lòng thanh khiết của cô Maria; để đến thăm Gioan, Thiên Chúa đã “mượn” những bước chân vội vã của Đức Mẹ. Đức Mẹ không chỉ mở lòng đón nhận Chúa đến, mà còn trở thành người đem Chúa đến cho người khác.

3. Người môn đệ Chúa cũng được mời gọi đem Chúa vào đời, đem Chúa vào trong môi trường sống và làm việc của mình, và chính Đức Mẹ dẫn đường chỉ lối cho ta.

“Em thật có phúc vì đã tin rằng Chúa sẽ thực hiện những gì Người đã nói với em” (Lc 1,45), bà Elisabeth nói với Đức Maria như thế. Đức Mẹ tin tưởng tuyệt đối vào Lời Chúa và “Lời thành xác thịt” trong cung lòng của Mẹ (x. Ga 1,14), và Mẹ đem “Lời thành xác thịt” ấy vào trong thế giới. Chúng ta có thể đem Chúa vào đời chăng nếu trước đó chúng ta không đón nhận Lời và để Lời thấm vào máu thịt và đời sống của mình?

Khi Lời đã thấm vào máu thịt của một người thì Lời “mượn” thân xác của người ấy để đến với mọi người. Thánh Luca kể rằng: “Hồi ấy, bà Maria vội vã lên đường đến miền núi, vào một thành thuộc chi tộc Giuđa” (Lc 1,39). Đức Mẹ mới thụ thai, sao không ở nhà nghỉ ngơi cho khỏe mà lại đi đường xa như thế, hơn nữa, lại là những bước chân vội vã? Ấy là vì Mẹ nhạy bén trước nhu cầu của người chị em mang thai trong lúc tuổi già, và đến để giúp đỡ bà trong lúc thai nghén. Đó cũng là cách tốt nhất để đem Chúa đến cho người khác, bởi lẽ “nhạy bén trước nhu cầu của người khác là nét tinh tế nhất của tình yêu” (Jean Guitton), và tình yêu là chính bản chất của Thiên Chúa.

+ Gm. Phêrô Nguyễn Văn Khảm