26/03/2022
4008
Đức Cha Phêrô suy niệm CN IV MC năm C 2022: NIỀM VUI CỦA TÌNH YÊU


 














 


CHÚA NHẬT IV MÙA CHAY

Gs 5,9a.10-12; 2Cr 5,17-21; Lc 15,1-3.11-32  


NIỀM VUI CỦA TÌNH YÊU



 

1. Chúa nhật IV Mùa Chay được gọi là Chúa nhật của Niềm Vui, và các bài đọc trong Thánh Lễ đều nói đến niềm vui: niềm vui của dân Israel vào Đất hứa sau 40 năm hành trình trong hoang địa và lần đầu tiên cử hành lễ Vượt Qua tại đây (bài đọc 1); niềm vui của tội nhân được hòa giải với Thiên Chúa (bài đọc 2); nhất là niềm vui của người cha tìm lại được đứa con tưởng chừng đã mất: “Con ta đã chết nay sống lại, đã mất mà nay lại tìm thấy” (Lc 15,24). Thế nhưng có một câu hỏi cần được đặt ra là niềm vui nói đến ở đây là niềm vui nào? Bởi lẽ trong câu chuyện Tin Mừng, bên cạnh niềm vui của người cha còn có sự buồn phiền, hờn giận của người con cả.

Một nhà thần học đưa ra nhận xét lý thú về Chúa Giêsu trong các sách Tin Mừng. Một đàng Ngài xuất hiện như nhà làm luật vô cùng nghiêm khắc, chẳng hạn, “Nếu mắt phải của anh làm cớ cho anh sa ngã, thì hãy móc mà ném đi… Nếu tay phải của anh làm cớ cho anh sa ngã, thì hãy chặt mà ném đi, vì thà mất một phần thân thể, còn hơn là toàn thân phải sa hỏa ngục!” (Mt 5,29-30). Đàng khác Chúa Giêsu lại là người có lối sống rất phóng khoáng đến độ các ông Pharisêu và kinh sư đưa ra kết luận: “Ông này giao du với phường tội lỗi và ăn uống với chúng” (Lc 15,2). Sẽ không thể lý giải sự mâu thuẫn ấy nếu chỉ dừng lại trên bình diện lý trí và lề luật, nhưng mọi sự sẽ có thể hiểu được trên bình diện tình yêu, vì tình yêu đòi hỏi đến vô cùng, đồng thời tình yêu luôn bao dung, quảng đại, tha thứ đến vô cùng. Cũng thế, niềm vui ở đây là niềm vui của tình yêu.

2. Niềm vui của tình yêu thể hiện rõ nét trong dụ ngôn “Người cha nhân hậu”. Có thể nói cách ứng xử của người cha trong dụ ngôn vượt trên mọi suy nghĩ và tưởng tượng của chúng ta. Đứa con thứ của ông đúng là thằng con bất hiếu: cha còn sống sờ sờ ra đấy mà nó đòi chia gia tài, có khác nào nguyền rủa cha chết sớm! Chưa hết, tưởng nó đòi chia gia tài để làm ăn gì lớn lao, hóa ra chỉ ăn chơi đàng điếm đến độ thân tàn ma dại, muốn ăn cám heo cũng chẳng có mà ăn! Đến lúc ấy, anh ta mới nghĩ đến chuyện trở về và chuẩn bị sẵn bài diễn văn lâm li, có lẽ cũng chẳng phải vì tình nghĩa cho bằng vì “đói”.

Ấy thế mà cha già vẫn thương, ngày ngày trông ngóng, con còn ở đàng xa mà ông đã thấy, chạy đến với con, ôm con, hôn lấy hôn để. Ở đây xin mở ngoặc: học giả Kinh Thánh N.T. Wright đặt tên cho dụ ngôn này là dụ ngôn “Người cha chạy”. Nghe có vẻ kỳ cục nhưng nghĩ lại thấy thấm thía, vì hình ảnh “chạy” của người cha diễn tả tất cả: niềm vui, tình yêu, sự tha thứ, nỗi mong chờ! Phải chăng đây là niềm vui mà chỉ các bậc cha mẹ mới hiểu được, còn người ngoài chỉ lắc đầu?

Niềm vui của tình yêu là thế, “con tim có những lý lẽ mà lý trí không biết”, và cũng vì là niềm vui của tình yêu nên ai không ở trong tình yêu thì không cảm nhận được. Cụ thể là người con cả trong gia đình. Anh nổi giận khi thấy cha già mở tiệc ăn mừng “thằng con đàng điếm” trở về, và anh hoàn toàn có lý: “Đã bao năm tôi làm công cho cha và chẳng khi nào trái lệnh, thế mà chưa bao giờ cha cho được một con dê con để tôi ăn mừng với bạn bè, còn thằng con của cha đó…”. Đúng là anh có lý nhưng là lý lẽ của người ngoài cuộc chứ không phải lý lẽ của tình yêu. Anh nói: “Đã bao năm tôi làm công cho cha”, “làm công” chứ đâu có “làm con”! Anh gọi đứa em là “thằng con của cha” chứ không phải “em của tôi”! Anh ở ngoài quỹ đạo của tình yêu nên anh không cảm nhận được niềm vui mà chỉ thấy tức giận, hờn dỗi, uất ức.

3. Thánh Luca cho biết Chúa Giêsu kể dụ ngôn này cho người Pharisêu và các kinh sư, những người “xầm xì với nhau: Ông này đón tiếp phường tội lỗi và ăn uống với chúng”. Hai người con trong dụ ngôn là hình ảnh của hai hạng người: đứa con út là hình ảnh của những người bị gọi là “phường tội lỗi”; người con cả là hình ảnh của các ông kinh sư và Pharisêu, những người tự hào mình đạo đức và lên án người khác. Cả hai người con đều sống không đúng với tư cách là con trong gia đình của Chúa: kẻ thì bỏ nhà cha mà đi, phung phí tài sản của cha vào những thú vui tội lỗi; kẻ thì ở trong nhà nhưng chẳng khác gì ở ngoài vì chỉ làm việc cho cha như người làm công để lĩnh lương chứ không phải làm con của cha.

Cả hai người con đều cần phải trở về với cha. Nguy cơ là đang khi kẻ bị gọi là phường tội lỗi, khi cảm nhận sự trống rỗng hoàn toàn của lối sống tội lỗi, lại thấy cần phải trở về; còn những người tự hào mình đạo đức lại không thấy cần phải trở về, thành ra vẫn ở trong nhà mà hóa ra ở ngoài, giữ đạo rất kỹ mà hóa ra chỉ là làm công chứ không làm con! Có lẽ mỗi chúng ta cũng cần tự hỏi: Tôi giống người con nào? Hay giống cả hai, tùy lúc trong đời? Tôi có cần trở về không?

+ Gm. Phêrô Nguyễn Văn Khảm