13/03/2021
1442
Đức Cha Phêrô suy niệm CN IV MC B: NIỀM VUI CỨU ĐỘ


 














 

CHÚA NHẬT IV MÙA CHAY

2Sb 36,14-16.19-23; Ep 2,4-10; Ga 3,14-21  


NIỀM VUI CỨU ĐỘ 

  



 

1. Chúa nhật IV Mùa Chay được gọi là “Chúa nhật hồng giữa mùa tím” vì là Chúa nhật của niềm vui. Dĩ nhiên đây không phải là niềm vui của thế gian nhưng là niềm vui cứu độ. Niềm vui ấy được diễn tả trong bài đọc 1, kể chuyện Vua Kyrô ra sắc chỉ cho phép dân Isarel đang bị lưu đầy được hồi hương và xây lại Đền thờ. Quả là niềm vui rất lớn nếu chúng ta đặt mình vào hoàn cảnh của dân Israel lúc đó: một dân tộc đánh mất quê hương, bị lưu đày, sống trong tuyệt vọng, không ngờ một ông vua ngoại giáo lại ra lệnh cho phép họ hồi hương.

Niềm vui ấy chỉ là hình ảnh đưa đến niềm vui cứu độ trong Đức Giêsu Kitô như chính Ngài tuyên bố: “Như Môsê giương cao con rắn trong sa mạc thế nào, thì Con Người cũng sẽ được giương cao như vậy, để những ai tin vào Ngài thì được sống muôn đời” (Ga 3,14). Để hiểu lời tuyên bố này, cần nhớ lại câu chuyện rắn đồng. Trong hành trình sa mạc, dân Israel mất kiên nhẫn, họ kêu trách Chúa và ông Môsê đã đưa họ ra khỏi Ai Cập để rồi phải chết vì đói khát trong sa mạc. Chúa nổi giận, cho rắn độc xuất hiện và cắn chết nhiều người. Dân chúng sợ hãi, chạy đến xin Môsê can thiệp. Môsê cầu khẩn với Chúa, Ngài dạy ông làm một con rắn bằng đồng và treo lên cây cột; hễ ai bị rắn cắn mà nhìn lên rắn đồng thì được sống (Ds 21,4-9). Cũng thế, Chúa Giêsu sẽ chịu treo trên thập giá, và những ai tin vào Ngài sẽ được cứu độ.

2. Ý nghĩa là thế nhưng lời tuyên bố của Chúa Giêsu không khỏi gây nhiều thắc mắc.  Chúa Giêsu đã dùng nhiều hình ảnh trong Cựu Ước để nói về Ngài và đều là những hình ảnh tích cực, chẳng hạn hình ảnh ông Môsê hay vua Đavít. Còn ở đây, Chúa lại dùng hình ảnh con rắn đồng để nói về Ngài, mà trong Cựu Ước, rắn là hình ảnh của ma quỷ, ví dụ con rắn trong vườn Eden (St chương 3), và con rắn độc cắn chết nhiều người trong bài đọc 1! Chúa Giêsu muốn nói điều gì qua hình ảnh này?

Theo một số nhà chú giải, Chúa Giêsu đã dùng hình ảnh tiêu cực là rắn đồng treo trên cây gỗ để diễn tả đường lối cứu độ của Thiên Chúa mà thánh Phaolô diễn tả: “Đấng chẳng hề biết tội là gì, thì Thiên Chúa đã biến Ngài thành hiện thân của tội lỗi vì chúng ta, để làm cho chúng ta nên công chính trong Ngài” (2Cr 5,21). Suy tư thần học của thánh Phaolô âm vang lời Kinh Thánh về Người Tôi tớ đau khổ: “Vì đã nếm mùi đau khổ, người công chính, tôi trung của Ta, sẽ làm cho muôn người nên công chính và sẽ gánh lấy tội lỗi của họ…Người đã hiến thân chịu chết, đã bị liệt vào hàng tội nhân; nhưng thực ra Ngài đã mang lấy tội muôn người và can thiệp cho những kẻ tội lỗi” (Is 53,11-12).

Dù giải thích thế nào chăng nữa, phải nhìn nhận rằng việc Thiên Chúa cứu độ loài người bằng thập giá là điều hết sức khó hiểu và khó chấp nhận. Với người Rôma, thập giá là khổ hình dành cho những kẻ phản loạn. Với người Do Thái, bị treo trên cây gỗ là bị Thiên Chúa chúc dữ (Đnl 21,22-23). Còn với người Hi Lạp vốn đề cao sự khôn ngoan của lý trí, lại càng khó chấp nhận hơn. Thánh Phaolô cảm nhận điều đó rất rõ khi ngài nói: “Chúng tôi rao giảng Đấng Kitô bị đóng đinh, điều mà người Do Thái coi là ô nhục không thể chấp nhận, và dân ngoại cho là điên rồ. Nhưng đối với những ai được Thiên Chúa kêu gọi, Đấng ấy chính là Đức Kitô, sức mạnh và sự khôn ngoan của Thiên Chúa” (1Cr 1,23-24).

Quả thật, chúng ta đối diện với một nghịch lý và sẽ mãi chỉ là nghịch lý nếu dừng lại ở bình diện lý luận của lý trí tự nhiên. Chỉ có thể hiểu được mầu nhiệm ấy nhờ Lời mặc khải, lời mà Chúa Giêsu nói với ông Nicôđêmô: “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Ngài thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời” (Ga 3,16). Cốt lõi ở đây là Tình Yêu viết hoa! Nơi Đức Giêsu Kitô chịu đóng đinh thập giá, Thiên Chúa bày tỏ tình yêu trọn vẹn của Ngài với nhân loại. Đó là tình yêu toàn năng vì là tình yêu đi đến cùng, không điều gì có thể ngăn cản nổi tình yêu ấy. Đó là tình yêu khôn ngoan vì chỉ có tình yêu mới có thể chinh phục trái tim tự do của con người. Ai đến với tình yêu ấy, chấp nhận mở lòng ra với tình yêu ấy, người đó sẽ được dẫn vào Vương quốc của sự sống, bình an, và tràn ngập niềm vui.

3. Ơn cứu độ là thực tại khách quan, để thực tại khách quan ấy trở thành niềm vui “của tôi, cho tôi”, điều đó tùy thuộc mỗi người. Trong Mùa Chay, cách tốt nhất để cảm nghiệm niềm vui cứu độ là đến với Tòa giải tội.

Cũng như nhiều người trong dân Israel bị rắn độc cắn chết, tội lỗi cũng làm cho chúng ta bị thương tổn trầm trọng, nhất là các tội trọng làm cho chúng ta đánh mất sự hiệp thông với Thiên Chúa. Môsê dựng rắn đồng và treo trên cây gỗ để chữa lành cho dân, nhưng Môsê làm như thế là do lệnh truyền của Chúa; vì thế, không phải Môsê chữa lành mà chính Thiên Chúa mới là Đấng chữa lành. Cũng vậy nơi tòa giải tội, không phải linh mục nhưng chính Chúa là Đấng ban cho chúng ta ơn tha thứ và bình an. Dân Israel đón nhận sự chữa lành bằng cách nhìn lên rắn đồng. “Nhìn lên” là hành động diễn tả niềm tin, “Chúng sẽ nhìn lên Đấng chúng đã đâm thâu” (Ga 19,37).

Hãy đến với tòa giải tội bằng tất cả lòng tin để đón nhận niềm vui cứu độ.

+ Gm. Phêrô Nguyễn Văn Khảm