29/01/2022
11376
Đức Cha Phêrô suy niệm CN IV TN C 2022: THÁCH ĐỐ CỦA LỜI


 














 


CHÚA NHẬT IV THƯỜNG NIÊN

Gr 1,4-5.17-19; 1Cr 12,31-13,13; Lc 4,21-30  


THÁCH ĐỐ CỦA LỜI

  

1. “Nghe vậy, mọi người trong hội đường đầy phẫn nộ. Họ đứng dậy, lôi Người ra khỏi thành. Họ kéo Người lên tận đỉnh núi để xô Người xuống vực” (Lc 4,28-29). Chúa Giêsu đã nói gì khiến người ta giận dữ như vậy? Thánh Luca vừa mới ghi nhận: “Mọi người đều tán thành và thán phục những lời ân sủng từ miệng Người nói ra” (4,22), thế mà ngay sau đó, người ta lại phẫn nộ đến độ muốn giết Chúa! Một số nhà chú giải cho rằng trình thuật này tóm gọn sứ vụ công khai của Chúa Giêsu: được đón tiếp nồng hậu lúc đầu và sau đó bị chối từ đến mức đóng đinh Chúa vào thập giá. Dù giải thích thế nào chăng nữa thì câu hỏi vẫn còn đó: tại sao dân Nazarét lại phẫn nộ như thế?

2. Câu trả lời thông thường là vì người ta đã quá quen với Chúa Giêsu nên không nhận ra được tính mới mẻ trong lời rao giảng của Ngài, như chính Chúa Giêsu nói: “Không một tiên tri nào được chấp nhận tại quê hương mình” (4, 24). Chúng ta có thể nhìn cái “quen” này trên hai bình diện: tâm lý và nhận thức.

Trên bình diện tâm lý, người Việt Nam vẫn nói “quen quá hóa nhàm”. Khi nghe Chúa Giêsu giảng, người ta thấy hay nhưng rồi họ hỏi nhau: “Ông này không phải là con ông Giuse sao?” (4,22). Hàm trong câu hỏi đó là ý nghĩ: tưởng ai chứ ông này thì mình biết quá rõ: con nhà ai, học hành ra sao, làm nghề gì? Và ý nghĩ tiếp theo là: một người xuất thân như thế thì có thể làm được gì?

Sâu xa hơn, trên bình diện nhận thức, vì người ta đã quá quen với khung tư duy cũ kỹ của mình, được gọi là “suy nghĩ trong hộp – in the box” nên khó chấp nhận tư duy mới có tính đột phá “ở ngoài hộp – out of box”. Người ta nghĩ rằng nếu Chúa Giêsu đã làm phép lạ ở Capharnaum thì chắc chắn Ngài sẽ làm ở quê nhà, vậy tại sao không làm? Người ta tin chắc rằng Israel là dân riêng của Chúa nên phải được Chúa ưu tiên, vậy mà Chúa Giêsu lại dám nhắc tới hai chuyện trong Cựu Ước về bà góa ở Sarepta miền Siđon và ông tướng Naaman người Syria, cả hai đều là người ngoại giáo mà lại được nhận phép lành của Chúa, còn dân Israel lại chẳng được chi! Tức quá đi chứ, có khác gì nỗi bực tức của tiên tri Giôna được Chúa sai đi giảng cho thành Ninivê là quân ngoại giáo mà ông ghét cay ghét đắng! Lời rao giảng của Chúa Giêsu đòi hỏi nơi người nghe sự thay đổi sâu xa trong cách nghĩ và cách sống của con người. Trong thực tế, dân Nazarét đã không chấp nhận sự thay đổi đó.

3. Suy nghĩ trên mời gọi chúng ta nhìn lại chính mình từ hai tâm thế: người “nghe” Lời Chúa và người “nói” Lời Chúa.

Từ tâm thế của người nghe Lời Chúa, biết bao lần mới nghe đọc bài Tin Mừng, ta đã tự nhủ: bài này biết rồi, chẳng có gì mới, và vì chẳng có gì mới nên đâu cần lắng nghe! Biết bao lần chúng ta không dám trực diện với Lời để cảm nhận những đòi hỏi và tính thách đố của Lời, vì thế có nghe đấy nhưng rồi cũng quay về nếp nghĩ và nếp sống quen thuộc của mình.

Từ tâm thế của người nói Lời Chúa, lại chẳng có những lúc ta cảm nhận lời rao giảng của mình thật lạc lõng trong một xã hội với xu hướng sống hoàn toàn khác? Lại chẳng có những lúc ta rao giảng Lời và bị người nghe cho là không thức thời, thiếu hòa nhập? Có khi nào ta bị cám dỗ bỏ cuộc hoặc làm nhẹ đi những thách đố của Lời để dễ được người đời đón nhận?

Nếu có những lúc như thế, phải học lại kinh nghiệm của tiên tri Giêrêmia trong bài đọc 1. Đó là kinh nghiệm của người xác tín rằng mình được Chúa sai đi: “Trước khi ngươi thành hình trong dạ mẹ, Ta đã biết ngươi; trước khi ngươi lọt lòng mẹ, Ta đã thánh hóa ngươi, Ta đặt ngươi làm ngôn sứ cho chư dân” (Gr 1,5). Và Chúa sai đi là để nói Lời của Chúa chứ không phải sự khôn ngoan thế gian: “Hãy trỗi dậy! Hãy nói với chúng tất cả những gì Ta sẽ truyền cho ngươi” (1,17). Vì thế người rao giảng Lời phải tự vấn: tôi có xác tín rằng đây là sứ mạng Chúa trao cho? Tôi giảng Lời Chúa hay lời của người đời? Tôi giảng như Chúa dạy hay giảng để làm vui lòng người đời và để được người đời tôn vinh?

Nếu vì giảng Lời Chúa mà phải đối diện với những đe dọa và thử thách thì hãy nhớ Chúa luôn ở với ta: “Trước mặt chúng, ngươi đừng run sợ; nếu không, trước mặt chúng, chính Ta sẽ làm cho ngươi run sợ luôn” (1,17); “Chúng sẽ giao chiến với ngươi nhưng sẽ không làm gì được, vì có Ta ở với ngươi để giải thoát ngươi” (Gr 1,19).

+ Gm. Phêrô Nguyễn Văn Khảm