23/01/2021
1913
Đức Cha Phêrô suy niệm CN III TN B: SÁM HỐI


 














 

CHÚA NHẬT III THƯỜNG NIÊN

Gn 3,1-5.10; 1Cr 7,20-31; Mc 1,14-20  


SÁM HỐI 




 

Cùng với lời rao giảng của Chúa Giêsu: “Hãy sám hối và tin vào Tin Mừng”, Hội Thánh chọn bài đọc 1 là một trích đoạn từ sách Giôna, để giúp cộng đoàn hiểu rõ hơn ý nghĩa của sám hối và sống tinh thần sám hối trong đời sống Kitô hữu.

 

1. Sách Giôna là một tác phẩm rất ngắn, chỉ có 4 chương, kể lại câu chuyện hấp dẫn đồng thời hàm chứa những bài học tôn giáo sống động. Tiên tri Giôna được Chúa sai đi giảng cho dân thành Ninivê nhưng ông lại trốn đi Tarsi (x. Gn 1,1-3). Tại sao Giôna lại không chịu đi Ninivê như lời Chúa dạy? Phải chăng vì ngại đường xa vất vả, hay vì sợ dân Ninivê không chịu nghe Lời Chúa? Không, Giôna trốn đi Ninivê vì một lý do sâu xa hơn. Ninivê là thủ phủ của đế quốc Assyria, đế quốc đã chiếm đóng Israel (722 trước Công nguyên) và bắt nhiều thành phần ưu tú trong dân đi lưu đầy, vì thế dân Israel thù ghét đế quốc Assyria. Tiên tri Giôna không muốn đi giảng cho Ninivê vì ông không muốn đem Lời Chúa đến cho một kẻ thù đáng ghét như dân Assyria.

 

Nội dung này được trình bày rõ nét hơn ở phần cuối sách Giôna. Khi Ninivê sám hối, Thiên Chúa tha thứ cho họ nhưng tiên tri Giôna lại bực bội, khó chịu. Có sứ giả nào được sai đi rao giảng Lời Chúa, đến khi người ta lắng nghe và ăn năn sám hối thì lại buồn phiền, khó chịu? Thế mà đó lại là tâm trạng của Giôna như ông giãi bày với Chúa: “Lạy Chúa, đó chẳng phải là điều con đã nói khi còn ở quê nhà sao? Chính vì thế mà con đã vội vàng trốn đi Tarsi. Thật vậy, con biết rằng Ngài là Thiên Chúa từ bi nhân hậu, chậm giận và giàu tình thương, và hối tiếc vì đã giáng họa” (4,2). Chúa lại phải dạy cho ông một bài học để ông hiểu được tấm lòng của Chúa và thấy sự bực bội nhỏ nhen của ông vô lý như thế nào: “Ngươi thương hại cây thầu dầu mà ngươi đã không vất vả vì nó và không làm cho nó lớn lên…Còn Ta, chẳng lẽ Ta lại không thương xót Ninivê, một thành phố lớn, trong đó có hơn một trăm hai mươi ngàn người không biết phân biệt phải trái, và lại có rất nhiều thú vật hay sao?” (4,11).

 

2. Câu chuyện tiên tri Giôna là bài học sống động về ý nghĩa của sám hối. Dĩ nhiên dân Ninivê phải sám hối và họ đã sám hối: “Dân Ninivê tin vào Thiên Chúa, họ công bố lệnh ăn chay và mặc áo vải thô, từ người lớn đến trẻ nhỏ” (3,9). Nhưng còn tiên tri Giôna thì sao? Ông có phải sám hối không? Rõ ràng là ông phải sám hối, nghĩa là phải thay đổi cách nghĩ và cách nhìn của ông về Thiên Chúa. Đối với ông, Thiên Chúa là Thiên Chúa của riêng dân Israel và Chúa chỉ thương một mình dân tộc của ông thôi, còn với kẻ thù của dân tộc ông như đế quốc Assyria, ông muốn Thiên Chúa cứ thẳng tay trừng trị. Thế nhưng đó không phải là vị Thiên Chúa đích thực và ông cần phải thay đổi quan niệm của mình về Thiên Chúa, từ đó thay đổi cách nhìn và cách ứng xử với những người khác, những dân tộc khác.

 

Hiểu như thế, sám hối trong Kinh Thánh mang ý nghĩa rất sâu xa, là sự từ bỏ não trạng, tâm thức cũ kỹ, quen thuộc, để mang lấy tâm thức và não trạng mới. Vì thế “sám hối” gắn liền với “tin vào Tin Mừng”, tức là bỏ đi cách nhìn và cách sống trước đây để mang lấy cách nhìn và cách sống của Tin Mừng, được cụ thể hóa nơi Chúa Giêsu như thánh Phaolô kêu gọi các tín hữu: “Hãy mang lấy tâm tình như chính Đức Kitô Giêsu” (Phil 2,5).

 

3. Nếu sám hối là sự điều chỉnh cách nhìn, cách nghĩ của chúng ta cho phù hợp với Tin Mừng thì sám hối phải là thái độ sống liên lỉ của người môn đệ Chúa Giêsu. Bài Tin Mừng hôm nay kể lại việc Chúa Giêsu kêu gọi các môn đệ đầu tiên: Simon và Anrê, Giacôbê và Gioan. Các ông đã đáp lại tiếng gọi của Chúa với tất cả quyết tâm: từ bỏ những người thân yêu nhất, từ bỏ nghề nghiệp quen thuộc, và từ bỏ ngay lập tức, không chần chừ hay tính toán (x. Mc 1,18.20). Tuy nhiên nếu đọc tiếp Tin Mừng, chúng ta sẽ thấy Chúa Giêsu nhiều lần trách mắng các môn đệ vì các ông chưa hiểu và chưa mang lấy tâm tư của Thầy, cuối cùng khi Chúa bước vào cuộc thương khó thì các ông bỏ chạy hầu hết. Như thế, dù đã quyết tâm theo Chúa nhưng cách nghĩ và cách sống của các môn đệ còn xa Chúa lắm, vì thế các ông phải sám hối liên lỉ, tức là phải điều chỉnh cách nghĩ và cách sống của mình cho phù hợp với Tin Mừng.

 

Đây cũng là thái độ sống mà Chúa Giêsu mời gọi chúng ta mỗi ngày trong suốt cuộc đời: “Hãy sám hối và tin vào Tin Mừng”.

+ Gm. Phêrô Nguyễn Văn Khảm