15/01/2022
9572
Đức Cha Phêrô suy niệm CN II TN C 2022: HÔN ƯỚC MỚI


 














 


CHÚA NHẬT II THƯỜNG NIÊN

Is 62,1-5; 1Cr 12,4-11; Ga 2,1-11  


HÔN ƯỚC MỚI
  

 

1. Kinh Thánh vận dụng nhiều hình ảnh để diễn tả mối tương quan gắn bó sâu xa giữa Thiên Chúa và Dân của Người, trong đó nổi bật nhất là hình ảnh hôn nhân. Trong bài đọc 1, tiên tri Isaia loan báo hôn ước mới giữa Thiên Chúa và Dân Người: “Như trai tài sánh duyên cùng thục nữ, Đấng tác tạo ngươi sẽ cưới ngươi về. Như cô dâu là niềm vui cho chú rể, ngươi cũng là niềm vui cho Thiên Chúa ngươi thờ” (Is 62,5). Israel không còn bị gọi là “Đồ bị ruồng bỏ” nhưng là “Ái khanh của lòng Ta”; không còn bị tiếng là “phận bạc duyên đơn” nhưng nức tiếng là “duyên thắm chỉ hồng” (Is 62,4).

Đọc trình thuật Tiệc cưới Cana trong ánh sáng của bài đọc 1, chúng ta khám phá ý nghĩa mới của dấu lạ. Thánh Gioan không gọi việc Chúa Giêsu biến nước thành rượu là phép lạ nhưng là dấu lạ. Tin Mừng Gioan 2-12 được gọi là Sách của những dấu lạ, và dấu lạ tại tiệc cưới Cana là dấu lạ đầu tiên. Phép lạ thể hiện quyền năng của Thiên Chúa, còn dấu lạ không chỉ thể hiện quyền năng nhưng còn hàm chứa nhiều ý nghĩa khác cao hơn, xa hơn.

Ở đây nước trở thành rượu, hôn nhân giữa hai người nam nữ trở thành dấu chỉ cho cuộc hôn nhân kỳ diệu giữa Chúa Kitô và Hội Thánh như thánh Phaolô trình bày: “Người làm chồng, hãy yêu thương vợ như chính Đức Kitô yêu thương Hội Thánh và hiến mình vì Hội Thánh; như vậy, Người thánh hóa và thanh tẩy Hội Thánh bằng nước và lời hằng sống, để trước mặt Người, có một Hội Thánh xinh đẹp lộng lẫy, không tì ố, không vết nhăn hoặc bất kỳ một khuyết điểm nào, nhưng thánh thiện và tinh tuyền… Mầu nhiệm này thật là cao cả, tôi muốn nói về Đức Kitô và Hội Thánh” (Ep 5,25-32).

2. Kitô hữu là người được dự phần vào hôn ước mầu nhiệm này. Vấn đề là làm thế nào để sống hôn ước ấy cách trọn vẹn giữa bao thử thách và cám dỗ của cuộc đời. Ở đây sự hiện diện của Đức Maria trong tiệc cưới Cana có ý nghĩa đặc biệt: “Trong tiệc cưới có thân mẫu Chúa Giêsu” (Ga 2,1).

Đức Mẹ đi dự tiệc cưới và đến lúc nào đó, Mẹ “thấy thiếu rượu”. Tại sao không ai thấy mà Đức Mẹ lại thấy? Vì Mẹ nhạy bén trước những nhu cầu của con người, và đó chính là “nét tinh tế nhất của tình yêu” (Jean Guitton). Không chỉ tại Cana nhưng trong suốt lịch sử Hội Thánh, Đức Mẹ vẫn luôn nhạy bén trước những nhu cầu của con cái. Các đền thánh, các địa điểm hành hương kính Đức Mẹ vẫn thu hút bao thế hệ tín hữu đến cầu nguyện, tất cả là những bằng chứng cụ thể về tình thương mẫu tử của Mẹ, và các tín hữu cảm nhận cách sống động tình thương ấy trong đời sống đức tin của mình.

Đức Mẹ không chỉ nhạy bén nhưng còn tìm cách can thiệp và giúp đỡ. Đối diện với nỗi khó khăn của gia đình tổ chức tiệc cưới tại Cana, Mẹ tìm cách giải quyết bằng hai việc: đến gặp và nói với Chúa Giêsu “Họ hết rượu rồi”; và đến nói với các gia nhân: “Người bảo gì, các anh cứ làm theo”. Lời này gợi nhớ câu nói của Pharaô với dân Ai Cập khi họ bị nạn đói hoành hành: “Cứ đến với ông Giuse, ông bảo gì, các ngươi hãy làm theo” (St 41,55). Lời ấy bày tỏ sự tín thác tuyệt đối của Đức Mẹ vào Chúa Giêsu. Lịch sử Hội Thánh ghi lại biết bao lần Đức Mẹ hiện ra với con cái và trong những lần hiện ra ấy, Mẹ dạy điều gì nếu không phải là nhắc lại cho chúng ta lời Mẹ đã nói trong tiệc cưới Cana: “Hãy đến với Chúa Giêsu, Người bảo gì thì cứ làm theo”.

3. Đến với Đức Mẹ để xin Mẹ chở che nâng đỡ là chuyện đương nhiên, nhưng các tín hữu Công giáo còn đến với Mẹ để học cách sống đời Kitô hữu, vì Mẹ là “mẫu mực trên bình diện đức tin và đức ái” (LG 63) cho toàn thể Hội Thánh.

Học với Mẹ sự nhạy bén trước nhu cầu của người khác thay vì lối sống vô cảm ngày càng phổ biến trong xã hội. Nhạy bén không chỉ là một kỹ năng ứng xử nhưng sâu xa hơn, là hoa trái của tình yêu. Con tim yêu thương sẽ mách bảo chúng ta nên làm gì để có thể đồng hành, ủi an, nâng đỡ người khác trong hoàn cảnh thực tế của họ.

Học với Mẹ về sự lắng nghe và thực hành Lời Chúa. Trước khi Mẹ nói với các gia nhân trong tiệc cưới Cana: “Người bảo gì, cứ làm theo”, thì hơn ai hết, chính Mẹ là người đã lắng nghe và thi hành Lời Chúa cách tuyệt hảo. Có thể nói là Mẹ dạy chúng ta bằng chính kinh nghiệm sống đức tin của mình, để khi sống theo lời khuyên ấy, ta có thể cảm nghiệm “niềm vui Phúc Âm” như Mẹ cảm nghiệm.

+ Gm. Phêrô Nguyễn Văn Khảm