16/01/2021
1561
Đức Cha Phêrô suy niệm CN II TN B: ĐÂY LÀ CHIÊN THIÊN CHÚA


 














 

CHÚA NHẬT II THƯỜNG NIÊN

1Sm 3,3b-10.19; 1Cr 6, 13c-15a.17-20; Ga 1,35-42  


ĐÂY LÀ CHIÊN THIÊN CHÚA

 


 

 

1. “Đây là Chiên Thiên Chúa”, thánh Gioan Tẩy giả giới thiệu về Chúa Giêsu như thế. Phải hiểu thế nào về tước hiệu “Chiên Thiên Chúa”? Theo N.T. Wright, một học giả Kinh Thánh hàng đầu, “trình thuật giáo huấn sâu xa nhất trong toàn bộ Do Thái giáo là câu chuyện về cuộc Xuất hành, việc giải thoát dân Israel khỏi ách nô lệ Ai Cập”. Như vậy, cần phải hiểu Chiên Thiên Chúa trong bối cảnh cuộc Xuất hành. Nhận xét này càng phù hợp hơn với Tin Mừng Gioan, theo đó, nếu ở chương 1, thánh Gioan giới thiệu Chúa Giêsu là Chiên Thiên Chúa, thì ở chương 19, tác giả tường thuật cuộc thương khó của Chúa Giêsu, với nhiều chi tiết liên tưởng đến việc giết chiên trong đền thờ khi người Do Thái cử hành lễ Vượt Qua. Cụ thể là Philatô đã trao Chúa Giêsu cho người Do Thái đem đi đóng đinh thập giá vào “ngày áp lễ Vượt Qua, khoảng mười hai giờ trưa” (Ga 19,14). Trên thập giá, quân lính cũng không đánh giập ống chân Chúa Giêsu (Ga 19,33) như chỉ thị về Chiên Vượt Qua trong cuộc Xuất hành: “Các ngươi không được làm gãy một chiếc xương nào của nó” (Xh 12,46). Đức Bênêđictô XI kết luận: “Chúa Giêsu chết vào lúc chiên Vượt Qua được sát tế trong đền thờ. Chúa Giêsu chết như Chiên Vượt Qua đích thực, và các chiên bị sát tế trong đền thờ chỉ là hình bóng báo trước” (Joseph Ratzinger, Jesus of Nazareth, Holy Week).

 

Vậy Chiên Vượt Qua trong cuộc Xuất hành có ý nghĩa gì? Là chiên mà dân Israel sát tế vào lúc xế chiều rồi lấy máu bôi lên khung cửa. Đêm ấy, Thiên Chúa rảo khắp đất Ai Cập, các con đầu lòng trên đất Ai Cập bị sát hại, còn vết máu trên nhà của dân Israel trở thành dấu hiệu và con đầu lòng của họ không bị tiêu diệt (x. Xh 12,1-14). Sau biến cố kinh hoàng này, Pharaô của Ai Cập chấp nhận để cho dân Israel ra đi, thoát khỏi cảnh nô lệ và bắt đầu hành trình của tự do, tiến về miền Đất hứa.

 

Như Đức Bênêđictô XVI nhận xét, con chiên bị sát tế trong đền thờ chỉ là hình bóng báo trước Chiên Vượt Qua đích thực là chính Chúa Giêsu. Nhờ máu Ngài đổ ra trên thập giá,  chúng ta được giải thoát khỏi nô lệ tội lỗi, bước vào hành trình tự do tiến đến đất hứa là Nước Trời. Tin vào Chúa Giêsu là tuyên xưng Ngài là Đấng Cứu độ trần gian, và đi theo Chúa Giêsu là bước vào hành trình của tự do tiến đến Nước Trời.

 

2. Nhưng làm sao để biết mà tin và theo Chúa? Các bài đọc Kinh Thánh trong Thánh Lễ nêu cao tầm quan trọng của sự giới thiệu. Thật vậy, cậu bé Samuel ngủ trong đền thờ và nghe tiếng gọi giữa đêm khuya, cậu chỉ có thể nghĩ là thầy Êli gọi. Chỉ đến khi thầy Êli hướng dẫn, cậu bé mới hiểu đó là tiếng Chúa gọi (1Sm 3,9). Anrê, anh của ông Simon Phêrô cũng thế, ông chỉ đi theo Chúa Giêsu vì thầy của ông giới thiệu về Chúa Giêsu: “Đây là Chiên Thiên Chúa” (Ga 1,36). Rồi đến lượt ông lại giới thiệu Chúa Giêsu cho em mình là Simon Phêrô, hơn nữa còn dẫn em mình đến gặp Chúa Giêsu. Vị Giáo hoàng đầu tiên của Hội Thánh Công giáo biết đến Chúa Giêsu là nhờ sự giới thiệu của người khác!

Hơn lúc nào hết, lời thánh Phaolô vang bên tai chúng ta: “Làm sao họ kêu cầu Đấng họ không tin? Làm sao họ tin Đấng họ không được nghe tới? Làm sao mà nghe nếu không có ai rao giảng? Làm sao rao giảng nếu không được sai đi” (Rm 10,14-15).

 

3. Có ai trong chúng ta biết và tin vào Chúa Giêsu mà không do sự giới thiệu? Phần lớn người Công giáo biết Chúa là nhờ cha mẹ giới thiệu từ nhỏ qua sự dạy dỗ hướng dẫn và thực hành đạo đức trong gia đình. Có những người khi trưởng thành mới biết Chúa nhưng cũng nhờ sự giới thiệu của người khác: người thầy, người bạn, người yêu. Hãy nhớ lại xem mình biết Chúa là nhờ đâu, để tạ ơn Chúa và cảm ơn người đã dẫn mình đến với Chúa như Anrê đã dẫn Simon Phêrô đế gặp Chúa Giêsu.

 

Đã được giới thiệu đến với Chúa thì đến lượt chúng ta cũng phải giới thiệu Chúa cho người khác. Cậu bé Samuel được thầy Êli hướng dẫn nên biết Chúa, sau này trở thành tiên tri hướng dẫn cả dân Israel đi theo đường lối Chúa. Simon Phêrô nhờ anh là Anrê mà biết Chúa Giêsu, sau này trở thành “đá nền” của Hội Thánh Chúa. Đây cũng là trách nhiệm của mỗi Kitô hữu: trách nhiệm của các bậc cha mẹ trong gia đình, của mỗi Kitô hữu trong môi trường sinh sống và làm việc thường ngày.

+ Gm. Phêrô Nguyễn Văn Khảm