04/12/2021
10256
Đức Cha Phêrô suy niệm CN II MV C 2021: DỌN ĐƯỜNG


 














 


NĂM PHỤNG VỤ 2022 – NĂM C


CHÚA NHẬT II MÙA VỌNG

Br 5,1-9; Pl 1,4-6.8-11; Lc 3,1-6  


DỌN ĐƯỜNG 

  

 

1. “Hãy dọn sẵn con đường cho Đức Chúa, sửa lối cho thẳng để Người đi” (Lc 3,3), bài Tin Mừng nhắc lại lời trong sách tiên tri Isaia như thế.  Nhưng tiên tri Baruc trong bài đọc 1 lại loan báo: “Thiên Chúa đã ra lệnh phải bạt thấp núi cao và gò nổng có tự lâu đời, phải lấp đầy thung lũng cho mặt đất phẳng phiu, để Israel tiến bước an toàn dưới ánh vinh quang của Thiên Chúa?” (Br 5,7). Vậy thì ai dọn đường cho ai? Thiên Chúa dọn đường cho con người hay con người dọn đường cho Thiên Chúa? Chẳng lẽ Đấng tạo dựng cả đất trời từ hư vô mà lại phải có người dọn đường thì Ngài mới đi được? Đúng vậy, Thiên Chúa là Đấng toàn năng, thế nhưng có một con đường cần được dọn dẹp thì Ngài mới đi được, ấy là đường đi đến trái tim nhân loại nói chung và tâm hồn mỗi người nói riêng. Bởi lẽ sự toàn năng của Thiên Chúa là toàn năng của tình yêu, và tình yêu ấy luôn tôn trọng, đợi chờ sự ưng thuận tự do của con người. Mùa Vọng đâu chỉ là mùa chúng ta đợi trông Chúa, mà chính Chúa đang trông đợi chúng ta.

2. Đâu là những chướng ngại trên đường cần dọn dẹp? Trước hết là núi cao của tính kiêu ngạo: “Mọi núi đồi phải bạt cho thấp” (Lc 3,4). Sâu xa nhất của sự kiêu ngạo là việc không chấp nhận thân phận thụ tạo của mình, muốn tự mình làm Chúa, tự mình xác định thiện ác. Sự kiêu ngạo ấy đã có mặt nơi Adam và Eva như lời con rắn trong vườn địa đàng nói với hai ông bà: “Chẳng chết chóc gì đâu! Nhưng Thiên Chúa biết ngày nào ông bà ăn trái cây đó, mắt ông bà sẽ mở ra và ông bà sẽ nên như những vị thần biết điều thiện điều ác” (St 3,4). Sự kiêu ngạo ấy vẫn tiếp tục lan rộng trong thời đại ngày nay và Thánh Giáo hoàng Phaolô VI diễn tả rất sâu sắc khi nói về nhân bản vô thần: “Tôn giáo của Đấng Thiên Chúa làm người đối diện với tôn giáo của con người muốn làm Thiên Chúa” (Diễn văn kết thúc Công đồng Vaticanô II).

Cùng với núi cao của tính kiêu ngạo là vực sâu của xác thịt: “Mọi thung lũng phải lấp cho đầy” (Lc 3,4). Nếu Kitô giáo từng bị kết án là duy linh và không quan tâm gì đến những nhu cầu của thân xác, thì ngày nay chúng ta đang chứng kiến sự thống trị của lối sống duy vật thực tiễn, thỏa mãn tối đa những đòi hỏi của xác thịt và tận diệt nhu cầu của linh hồn. Chưa bao giờ văn hóa tiêu thụ trở thành lẽ sống của nhiều người như ngày nay, chưa bao giờ kinh doanh phim ảnh khiêu dâm và ma túy trở thành nền công nghiệp hái ra tiền như ngày nay!

Và còn những quanh co của gian dối: “Khúc quanh co phải uốn cho ngay” (Lc 3,4). Khi gian dối tràn ngập đời sống xã hội, kể cả trong những lãnh vực cao quý như giáo dục và y tế; khi gian dối được vận dụng theo chủ trương “mục đích biện minh cho phương tiện” thì phải thấy sự thống trị của ma quỷ là “cha của sự gian dối” (Ga 8,44) đã lan rộng thế nào, và việc dọn đường gian nan đến đâu!

3. Dọn đường bằng cách nào? Bằng sự khiêm tốn theo nghĩa là nhìn nhận sự thật về chính mình, sự thật về thân phận thụ tạo của mình. Chỉ có Thiên Chúa là Đấng Tự hữu, còn hiện hữu của tất cả chúng ta là hiện hữu được trao ban và đón nhận: “Con người đã chẳng hiện hữu nếu một khi đã được Thiên Chúa vì tình yêu mà tạo dựng, lại không được Thiên Chúa vì tình yêu mà luôn luôn bảo tồn” (GS 19). Chính vì thế niềm khao khát Thiên Chúa được ghi khắc trong trái tim con người, và con người được gọi là hữu thể có tính tôn giáo, nghĩa là “tính tôn giáo” gắn liền với bản tính con người. Ngày nay người ta nói nhiều đến sự tàn phá thiên nhiên (natura) gây ra những hậu quả tàn khốc cho nhân loại như biến đổi khí hậu, lũ lụt, cháy rừng… nhưng người ta không ý thức rằng nếu phá hủy “bản tính nhân loại” (natura humana) thì hậu quả còn thảm khốc hơn rất nhiều.

Vì thế cần phải sám hối, trở về với sự thật căn bản; đó là điều mà thánh Gioan Tẩy giả đã làm khi dọn đường cho Chúa Cứu thế đến: “Ông Gioan đi khắp vùng ven sông Giođan, rao giảng kêu gọi người ta chịu phép rửa tỏ lòng sám hối để được ơn tha tội” (Lc 3,3). Khi ấy, “hết mọi người phàm sẽ thấy ơn cứu độ của Thiên Chúa” (Lc 3,6). Khi ấy niềm trông đợi của con người và sự đợi trông của Thiên Chúa sẽ gặp nhau, và những vần thơ của sách Diễm Ca sẽ thành hiện thực:

“ Tiết đông giá lạnh đã qua, mùa mưa đã dứt đã xa lắm rồi.

Sơn hà nở rộ hoa tươi, và mùa ca hát vang trời về đây.

Vả kia đã kết trái non, vườn nho hoa nở hương thơm ngọt ngào.

Dậy đi em, bạn tình của anh, người đẹp của anh, hãy ra đây nào!

Bồ câu của anh, em ẩn trong hốc đá, trong vách núi cheo leo.

Nào cho anh thấy mặt, cho anh nghe tiếng,

vì tiếng em ngọt ngào và mật em duyên dáng” (Dc 2,12-14).

+ Gm. Phêrô Nguyễn Văn Khảm