12/03/2022
2135
Đức Cha Phêrô suy niệm CN II MC năm C 2022: XUẤT HÀNH


 














 

CHÚA NHẬT II MÙA CHAY

St 15,5-12.17-18; Pl 3,17-4,1; Lc 9,28b-36

XUẤT HÀNH



 

1. Khi kể chuyện Chúa Giêsu hiển dung trên núi thánh, Tin Mừng Luca viết: “Và kìa, có hai nhân vật đàm đạo với Người, đó là ông Môsê và ông Elia. Hai vị hiện ra, rạng ngời vinh hiển, và nói về cuộc xuất hành Người sắp hoàn thành tại Giêrusalem” (Lc 9,30-31). Thánh Marcô và Matthêu cũng kể câu chuyện này nhưng chỉ nói vắn tắt: ông Môsê và Elia “hiện ra đàm đạo với Người” (Mc 9,4; Mt 17,3). Chỉ có thánh Luca nói về nội dung cuộc đàm đạo là cuộc thương khó và tử nạn sắp tới của Chúa, và lại gọi đó là cuộc xuất hành.

Xuất hành trong Cựu Ước là cuộc giải thoát dân Israel khỏi ách nô lệ bên Ai Cập, cũng là biến cố trung tâm và điểm quy chiếu của lịch sử Israel. Cuộc xuất hành ấy là công trình của Thiên Chúa vì trên bình diện nhân loại, không ai có thể nghĩ rằng một dân đang làm nô lệ, không có nguồn lực cũng chẳng có tổ chức, lại có thể thoát khỏi sự cai trị của hàng vua chúa Ai Cập đầy quyền thế và binh lực. Chỉ có Thiên Chúa mới có thể làm được. Cuộc xuất hành ấy cũng là công trình của tình yêu. Khi sai Môsê đi gặp Pharaô của Ai Cập, Chúa nói với ông: “Ta đã thấy rõ cảnh khổ cực của dân Ta bên Ai Cập, Ta đã nghe tiếng chúng kêu than vì bọn cai hành hạ. Ta biết các nỗi đau khổ của chúng. Nay Ta xuống giải thoát chúng khỏi tay người Ai Cập” (Xh 3,7-8). Thiên Chúa yêu thương dân Ngài biết chừng nào: Ta đã thấy, Ta đã nghe, trái tim Ta thổn thức!

 

2. Khi thánh Luca dùng từ xuất hành (exodus) để nói về cuộc thương khó và tử nạn của Chúa Giêsu, ngài đã nhìn cuộc tử nạn của Chúa trong viễn tượng cứu độ và phục sinh: “Thập giá của Chúa Giêsu là một cuộc xuất hành, tức là ra khỏi cuộc đời này, ngang qua “biển đỏ” của cuộc thương khó, và bước vào vinh quang, và là vinh quang vẫn mang vết tích cuộc thương khó của Chúa” (Bênêđitô XVI, Jesus of Nazreth, tome I, 311). Hơn thế nữa, Chúa Giêsu còn dẫn chúng ta vào cuộc xuất hành vĩ đại. Ở đây không chỉ là sự giải thoát khỏi ách nô lệ Ai Cập nhưng là giải thoát khỏi sự thống trị của ma quỷ và ách nô lệ tội lỗi. Ở đây người lãnh đạo không phải là Môsê nhưng là Chúa Giêsu, Con Thiên Chúa, Đấng được Thiên Chúa tuyển chọn (x. Lc 9,35). Ở đây công trình của Thiên Chúa tình yêu được tỏ hiện trọn vẹn nhất: “Thiên Chúa yêu thương thế gian đến nỗi hiến ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời” (Ga 3,16). Trên nền hậu cảnh đó, trình thuật của Luca về cuộc hiển dung của Chúa Giêsu là lời loan báo về cuộc Thương Khó của Chúa trong viễn tượng phục sinh.

 

3. Cuộc đời Kitô hữu là cuộc xuất hành liên lỉ, khởi đi từ ngày chịu Phép Rửa. Chịu Phép Rửa Tội là bắt đầu bước vào cuộc xuất hành và Mùa Chay là thời gian chuẩn bị cho các dự tòng sẽ chịu Phép Rửa trong Đêm Canh thức Vượt Qua. Đối với những ai đã được rửa tội, chúng ta vẫn phải tiếp tục xuất hành và mùa Chay nhắc nhở điều đó. Dân Israel xưa, sau khi ra khỏi đất Ai Cập, phải trải qua hành trình 40 năm trong sa mạc rồi mới vào được Đất hứa, và trong hành trình dài đằng đẵng ấy, không biết bao lần họ chán nản và thất vọng, kêu trách Chúa và ông Môsê, muốn quay về Ai Cập để dù có làm nô lệ chăng nữa nhưng vẫn có cơm, thịt, hằng ngày! Tương tự như thế, dù đã chịu Phép Rửa, các Kitô hữu vẫn phải đối diện với biết bao cám dỗ lôi kéo chúng ta trở lại lối sống cũ như thánh Phaolô nói: “Tôi đã nói với anh em nhiều lần và bây giờ tôi phải khóc mà nói lại, có nhiều người sống đối nghịch với thập giá Đức Kitô, chung cục là họ sẽ phải hư vong. Chúa họ thờ là cái bụng, và cái họ lấy làm vinh quang lại là cái đáng hổ thẹn. Họ là những người chỉ nghĩ đến những sự thế gian” (Pl 3,18-19). Vì thế phải tiếp tục xuất hành, ra khỏi con người cũ để mặc lấy con người mới theo Đức Kitô.

 

Để được như thế, trình thuật Hiển Dung nhắc nhớ hai điều căn bản. Trước hết là cầu nguyện: “Đang lúc Người cầu nguyện, dung mạo Người bỗng đổi khác, y phục Người trở nên trắng tinh chói lòa” (Lc 9,29). Đức Bênêđitô XVI giải thích sự hiển dung của Chúa Giêsu: “Ánh sáng làm cho Ngài ngời sáng không đến từ bên ngoài mà từ bên trong; Ngài không đón nhận ánh sáng nhưng chính Ngài là ánh sáng” (Ibid., 310). Chúa Giêsu là Ánh Sáng và khi cầu nguyện với Chúa là chúng ta đón nhận ánh sáng ấy để có thể bước đi trong ánh sáng.

 

“Bước đi trong ánh sáng” được cụ thể hóa khi chúng ta lắng nghe và sống Lời Chúa: “Đây là Con Ta, người đã được Ta tuyển chọn, hãy vâng nghe lời Người” (Lc 9,35). Đó là lệnh truyền của Chúa Cha và lệnh truyền ấy bảo đảm với rằng lắng nghe và làm theo lời Chúa Giêsu sẽ dẫn chúng ta vào cuộc biến hình vinh quang: “Quê hương chúng ta ở trên trời và chúng ta nóng lòng mong đợi Đức Giêsu Kitô từ trời đến cứu chúng ta. Người có quyền năng khắc phục muôn loài, và sẽ dùng quyền năng ấy mà biến đổi thân xác yếu hèn của chúng ta nên giống thân xác vinh hiển của Người” (Pl 3,20).

+ Gm. Phêrô Nguyễn Văn Khảm