
CHÚA NHẬT I MÙA VỌNG
Is 64,2b-7; 1Cr 1,3-9; Mc 13,33-37
ĐỂ CHÚA NÊN HÌNH NÊN DẠNG TRONG CON
1. “Mùa Vọng có hai đặc tính: vừa là mùa chuẩn bị mừng lễ trọng Giáng Sinh, kính nhớ việc Con Thiên Chúa đến với loài người; vừa là mùa các tín hữu hướng lòng trông đợi Chúa Kitô đến lần thứ hai trong ngày tận thế” (AC 39).
Trong thực tế, điều được các tín hữu quan tâm là chuẩn bị mừng lễ Giáng Sinh. Thế nhưng ngay ở đây, câu hỏi quan trọng vẫn được đặt ra: thế nào là chuẩn bị mừng lễ Giáng Sinh? Phải chăng chỉ là trang hoàng khuôn viên nhà thờ thật rực rỡ, tổ chức đêm nhạc Giáng Sinh hoành tráng? Dĩ nhiên những việc đó thật tốt đẹp, nhưng nếu chỉ có thế, liệu người Công giáo chuẩn bị lễ Giáng Sinh có khác gì với người ngoài Công giáo? Câu hỏi đó đưa chúng ta về nội dung đích thực của lễ Giáng Sinh: mầu nhiệm Ngôi Lời đã làm người và ở giữa chúng ta (x. Ga 1,14). Về mặt lịch sử, sự kiện Con Thiên Chúa làm người đã diễn ra một lần duy nhất tại Bêlem, miền Giuđê, thời hoàng đế Augustô cai trị đế quốc Rôma và Quiriniô làm tổng trấn Syria (x. Lc 2,1-3). Nhưng về mặt thiêng liêng, mầu nhiệm ấy cần được tiếp tục thực hiện nơi mỗi tâm hồn, để “mang trong lòng mình những tâm tình của chính Chúa Giêsu Kitô” (Phil 2,5), để Chúa nên hình nên dạng nơi mỗi người.
2. Để Chúa nên hình nên dạng trong đời mình là cả một hành trình dài, và lời cầu nguyện tuyệt hảo của Dân Chúa trong bài đọc 1 diễn tả hành trình ấy: “Lạy Chúa, Ngài là Cha chúng con; chúng con là đất sét, còn thợ gốm là Ngài, chính tay Ngài đã làm ra tất cả chúng con” (Is 64,7).
“Chúng con là đất sét, còn thợ gốm là Ngài”: Lời tuyên xưng này nhắc nhớ trình thuật Thiên Chúa tạo dựng con người đầu tiên, “Chúa là Thiên Chúa lấy bụi từ đất nặn ra con người, thổi sinh khí vào lỗ mũi, và con người trở nên một sinh vật” (St 2,7). Con người ấy được tạo dựng theo hình ảnh Thiên Chúa (St 1,27), thế nhưng tội lỗi đã làm méo mó hình ảnh Thiên Chúa nơi con người, vì thế Chúa Giêsu, “hình ảnh của Thiên Chúa vô hình” (Col 1,15) đã đến ở với loài người để chỉ cho họ thấy thế nào là “làm người, là hình ảnh Thiên Chúa”: “Chúa Kitô, khi mặc khải về Chúa Cha và tình yêu của Ngài, cũng giúp con người hiểu biết đầy đủ về chính mình và nhận ra ơn gọi vô cùng cao quý của mình” (GS 22). Không những chỉ cho ta thấy thế nào là hình ảnh Thiên Chúa, Chúa Giêsu còn giúp chúng ta khôi phục hình ảnh Thiên Chúa trong tâm hồn và cuộc đời mình. Đó chính là công trình tái tạo của Thiên Chúa trong Đức Giêsu Kitô.
3. Công trình ấy mời gọi sự cộng tác của con người, những hữu thể có lý trí và ý chí tự do. Ở đây, hình ảnh thợ gốm và đất sét là hình ảnh tuy đơn sơ nhưng giàu ý nghĩa. Để người thợ gốm có thể tác tạo một tác phẩm nghệ thuật từ nắm đất vô hồn, ông phải đổ nước nhiều lần vào nắm đất để đất mềm mại. Và khi đã nặn đất thành một tượng đất có hình hài, ông phải cho vào lò lửa để nung và nắm đất ấy trở thành một tác phẩm nghệ thuật. Như thế, hai yếu tố quan trọng là nước và lửa.
Trong công trình tái tạo, Thiên Chúa giống như người thợ gốm, nhìn thấy hình ảnh Chúa Giêsu nơi mỗi người và Ngài uốn nắn chúng ta nên giống Chúa Giêsu. Thiên Chúa thực hiện công trình ấy nhờ nước và lửa là hình ảnh của Thần Khí; đồng thời từ phía con người, nước diễn tả sự mềm mại (dễ dạy, ngoan ngùy) của con người chấp nhận để Thiên Chúa hướng dẫn và sửa trị, đồng thời lửa nung nóng diễn tả sự hi sinh và gian khổ khi chấp nhận bước đi trên hành trình theo Chúa Giêsu, để sống đúng ơn gọi làm người của mình như Thiên Chúa muốn.
Trong hướng nhìn trên, lời mời gọi của Chúa Giêsu “Hãy canh thức” (Mc 13,37) có thể hiểu là canh thức để nhận ra hoạt động đầy bất ngờ của Thiên Chúa và đón tiếp Ngài. Bối cảnh bài đọc 1 là Dân Chúa được hồi hương từ miền đất lưu đầy. Trong khung cảnh bị lưu đày, liệu họ có thể nhận ra đây chính là hành động Chúa dùng để thanh luyện họ chăng? Và khi được hồi hương, liệu họ có ngờ được rằng chính Chúa dùng một ông vua ngoại giáo để thực hiện ý định của Ngài không? Rất bất ngờ! Tương tự như thế, chúng ta tạ ơn và tôn vinh Chúa khi cuộc đời ban tặng nhiều niềm vui và thành công, còn khi đau khổ và thất bại, liệu có thể nhận ra Chúa đang hiện diện ở đó và thanh luyện chúng ta chăng? Rất bất ngờ!
Hãy canh thức để nghe được tiếng gọi của Chúa trong mọi hoàn cảnh, để đón nhận Ngài đến vào lúc không ngờ, để Chúa nên hình nên dạng trong con.
+ Gm. Phêrô Nguyễn Văn Khảm