20/02/2021
1365
Đức Cha Phêrô suy niệm CN I MC B: VÀO HOANG ĐỊA


 














 

CHÚA NHẬT I MÙA CHAY

St 9,8-15; 1Pr 3,18-22; Mc 1,12-15  


VÀO HOANG ĐỊA

 

 

  

1. Bài đọc 1 trong các Thánh Lễ Chúa nhật Mùa Chay đều trích từ Kinh Thánh Cựu Ước, kể lại những sự kiện quan trọng trong lịch sử cứu độ, giúp Kitô hữu khám phá mầu nhiệm cứu độ trong Đức Giêsu Kitô. Bài đọc 1 hôm nay trích từ sách Sáng Thế nói về việc Thiên Chúa lập giao ước với ông Nôê, và chúng ta chỉ có thể hiểu đầy đủ ý nghĩa của trình thuật này khi đặt mình vào bối cảnh lớn là Lụt hồng thủy.

 

Sách Sáng Thế viết: “Đức Chúa thấy rằng trên mặt đất sự gian ác của con người quá nhiều, và suốt ngày lòng nó chỉ toan tính những ý định xấu. Đức Chúa hối hận vì đã làm ra con người trên mặt đất” (St 6,5-6). Ngài quyết định trừng phạt nhân loại tội lỗi: “Ta sẽ xóa bỏ khỏi mặt đất con người mà Ta đã sáng tạo, từ con người cho đến gia súc, giống vật bò dưới đất và chim trời” (St 6,7). Tuy nhiên Chúa vẫn muốn cứu nhân loại nên Ngài đã chọn ông Nôê. Theo lời Chúa dạy, ông Nôê đóng một con tàu lớn, đem vợ con lên tàu cùng với mỗi loài vật một đôi. Rồi lụt hồng thủy xảy ra tiêu diệt tất cả, trừ người và vật trên tàu Nôê: “Đức Chúa xóa bỏ mọi loài có trên mặt đất, từ con người cho đến gia súc, giống vật bò dưới đất và chim trời; chúng bị xóa bỏ khỏi mặt đất, chỉ còn lại ông Nôê và những gì ở trong tàu với ông” (St 7,23).

 

Sau lụt hồng thủy, ông Nôê dựng bàn thờ để kính Đức Chúa (St 8,29). Chúa lập giao ước với ông Nôê, khởi đầu một nhân loại mới và thế giới mới: “Ta lập giao ước của Ta với các ngươi, mọi xác phàm sẽ không còn bị nước hồng thủy hủy diệt, và cũng sẽ không còn hồng thủy để tàn phá mặt đất nữa” (St 9,11).

 

2. Ông Nôê là hình bóng báo trước về Chúa Giêsu, vì thế cùng với bài đọc 1 kể chuyện Nôê, Hội Thánh chọn bài đọc 2 trích từ Thư thứ nhất của thánh Phêrô, trong đó ngài khẳng định Thiên Chúa cứu độ nhân loại qua Chúa Giêsu Kitô: “Chính Chúa Kitô đã chịu chết một lần vì tội lỗi – Đấng Công chính đã chết cho kẻ bất lương, hầu dẫn đưa chúng ta đến cùng Thiên Chúa” (1Pr 3,18). Đồng thời ngài so sánh lụt hồng thủy thời Nôê với Phép Rửa: “Thời ông Nôê đóng tàu, một số ít được cứu thoát nhờ nước. Nước đó là hình bóng Phép Rửa nay cứu thoát anh em” (1Pr 3,20). Thật vậy, vào thời lụt hồng thủy, nước hủy diệt nhân loại tội lỗi; cũng thế, khi chịu Phép Rửa, chúng ta được tha thứ mọi tội lỗi, tội tổ tông truyền và các tội riêng đã phạm. Đồng thời trong lụt hồng thủy, Nôê và gia đình được cứu thoát vì ở trong con tàu Nôê đã làm theo lệnh truyền của Chúa; cũng thế, Phép Rửa mang lại cho chúng ta sự sống mới, được diễn tả qua tấm áo trắng ngày chịu Phép Rửa, và đưa chúng ta vào con tàu là Hội Thánh.

 

Nội dung này mang ý nghĩa đặc biệt trong mùa Chay vì mùa Chay là thời gian chuẩn bị trực tiếp cho các dự tòng sẽ chịu Phép Rửa trong Đêm Vọng Phục Sinh. Tại nhiều Hội Thánh địa phương, Chúa nhật I Mùa Chay là ngày cử hành Nghi thức Tuyển chọn, tức là các dự tòng sẽ được giới thiệu chính thức với Đức giám mục giáo phận, và bắt đầu giai đoạn chuẩn bị gần để lãnh nhận Bí tích Rửa Tội.

 

3. Nếu Mùa Chay là thời gian chuẩn bị cho các dự tòng chịu Phép Rửa, thì cũng là thời gian mời gọi mỗi Kitô hữu làm mới lại đời sống Kitô hữu của mình. Thánh Phêrô dạy: “Lãnh nhận Phép Rửa không phải là được tẩy sạch vết nhơ thể xác, nhưng là cam kết với Thiên Chúa sẽ giữ lương tâm trong trắng” (1Pr 3,21). Kể từ ngày chịu Phép Rửa đến nay, liệu chúng ta có giữ được lương tâm luôn trong trắng không, hay đã vướng mắc đủ thứ tội lỗi? Chúng ta có trung thành với lời cam kết với Chúa không hay đã nhiều lần phản bội và bất trung? Không ai có thể tự hào mình hoàn toàn không có lỗi lầm, vì thế 40 ngày mùa Chay chính là thời gian thuận tiện để làm mới lại ơn gọi Kitô hữu của mỗi người.

 

Trong bài Tin Mừng, thánh Marcô kể: “Sau khi Chúa Giêsu chịu Phép Rửa, Thần Khí liền đẩy Người vào hoang địa. Người ở trong hoang địa 40 ngày” (Mc 1,12). Trong Kinh Thánh, các con số mang ý nghĩa biểu tượng. 40 là con số diễn tả thời gian thử thách và thanh luyện: lụt hồng thủy thời Nôê kéo dài suốt 40 ngày đêm; dân Israel đi trong sa mạc 40 năm trước khi vào Đất Hứa; Chúa Giêsu ở trong hoang địa 40 ngày và chịu ma quỷ cám dỗ. Cũng thế, Mùa Chay kéo dài 40 ngày, là “mùa chiến đấu thiêng liêng” (Lời nguyện nhập lễ, Thứ Tư Lễ Tro).

 

Trong cuộc chiến đấu với ma quỷ, tổ tiên loài người là Ađam và Eva đã sa ngã và đã làm cho vườn địa đàng thành hoang địa; ngược lại, Chúa Giêsu bị ma quỷ cám dỗ nhưng Ngài đã chiến thắng nên đã biến hoang địa thành địa đàng, “các thiên sứ hầu hạ Ngài” (Mc 1,13). Để chiến thắng trong cuộc chiến đấu thiêng liêng chống lại ma quỷ, thế gian, xác thịt, các Kitô hữu được nhắc nhở thực hiện những việc đạo đức truyền thống: cầu nguyện, chay tịnh, làm việc bác ái. Cầu nguyện là sống với Chúa, lắng nghe Lời Chúa, tâm sự với Chúa nhiều hơn. Chay tịnh để chế ngự tính xác thịt, làm chủ bản thân, bớt đi cái tôi ích kỷ và kiêu căng. Làm việc bác ái để mở lòng ra với người khác, nhất là những người cần được giúp đỡ. Với sự trợ giúp của ơn Chúa, chúng ta hi vọng sẽ chiến thắng ma quỷ, và Mùa Chay thực sự là thời gian đổi mới đời sống Kitô hữu của mình.

+ Gm. Phêrô Nguyễn Văn Khảm